Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Làng Nủ tiến tới hạnh phúc

  • Hữu Thắng
(DS&PL) -

Vượt qua giông bão, đau thương, những nụ cười đã trở lại trên môi người dân Làng Nủ, tiếng trẻ nhỏ ríu rít nơi miền sơn cước.

Dưới tia nắng ấm áp của những ngày đầu năm mới, người dân làng Nủ bắt đầu viết lên câu chuyện hồi sinh với niềm hy vọng, khát khao mạnh mẽ “tiến tới hạnh phúc”.

Sự sống hồi sinh từ đau thương

Làng Nủ tại xã Phúc Khánh (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) vốn là một ngôi làng nhỏ, bình yên dưới chân núi Con Voi, nơi có dòng suối Nủ chảy qua, cùng những khu rừng bốn mùa xanh tốt. Đây là nơi sinh sống và đoàn kết nghĩa tình, giàu giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của cộng đồng dân tộc người Tày, người Dao.

Người Làng Nủ không nhắc lại, nhưng cũng không quên được nỗi đau phải gánh chịu chỉ cách đây vài tháng. Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 - bão Yagi, sáng ngày 10/9/2024, một trận lũ đã quét sạch toàn bộ ngôi làng. Lũ cuốn trôi nhà cửa, đất đai để lại một vùng hoang tàn, bãi bùn mênh mông. Đau thương hơn, khoảnh khắc như “cái chớp mắt ấy” đã khiến gần 60 người chết, 7 người mất tích và hàng chục hộ gia đình trắng tay.

Cả một ngôi làng, vốn là nơi trú ngụ của hàng trăm con người bỗng chốc tan tác, mảnh đất trù phú bên dòng suối Nủ chỉ còn bùn đất, sình lầy. Nước mắt, sự mất mát đau thương không thể nói thành lời, chỉ đành nuốt ngược vào trong.

Thiên tai, bão lũ đã để lại tổn thất không gì bù đắp được cho người dân nơi đây nói riêng và cả đồng bào dân tộc Việt Nam nói chung. Từ sự đồng cảm, tình thương máu mủ đồng bào, một làn sóng hỗ trợ mạnh mẽ từ các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội và người dân cả nước đã về đây, với mong muốn giúp Làng Nủ vực dậy từ đổ nát, hoang tàn.

Thực hiện chỉ đạo, lời kêu gọi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế đã chung tay khắc phục hậu quả cơn bão số 3, trong đó có việc tái thiết các khu dân cư thôn Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng, tỉnh Lào Cai.

Chỉ sau gần 3 tháng khẩn trương thi công, 40 căn nhà tái định cư đã được khánh thành và bàn giao cho người dân tại Làng Nủ. Cách ngôi làng cũ khoảng 2km, khu tái định cư Làng Nủ nằm trên đồi Sim với diện tích 10ha. Các căn nhà được xây dựng theo kiểu truyền thống của người Tày, diện tích mặt bằng xây dựng trong mỗi căn nhà rộng 96m2.

Từng ngôi nhà đều có khu vườn trồng rau bên hông và phía sau, khuôn viên trồng hoa trước lối vào. Làng mới có các công trình phụ trợ như nhà sinh hoạt cộng đồng rộng 300m2, điểm trường mầm non và tiểu học cũng được hoàn thiện.

Những nếp nhà tại ngôi làng tái thiết chuẩn bị đón chào năm mới. 

Ông Trịnh Xuân Trường - Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết: “Khu tái định cư Làng Nủ không chỉ là những ngôi nhà mới, mà là biểu tượng của sự đoàn kết, tinh thần nhân ái, giúp đỡ lẫn nhau. Đây cũng là minh chứng cho sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội đối với bà con vùng cao”.

Bà Vũ Thị Tư - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phúc Khánh kể lại, trước khi xây dựng, dưới sự chỉ đạo của UBND huyện, xã đã họp bàn với bà con để thống nhất từng chi tiết nhỏ của ngôi nhà trong khu vực tái thiết. Bà con trực tiếp được tham gia trong cách bài trí, từ viên gạch, màu sơn đến sắp xếp vị trí cầu thang. Tất cả là vì sự thoải mái và tâm nguyện của người dân, làm sao để họ phấn khởi và yên tâm khi chuyển về nơi ở mới.

Cũng theo bà Tư, với một số hộ gia đình chưa thể vượt qua nỗi đau mất mát để về sinh sống ở căn nhà mới thì xã có nhiều hình thức tuyên truyền vận động để cho bà con ổn định tư tưởng “chuyện gì đã qua hãy để nó qua đi, những người mất rồi sẽ yên lòng khi những người ở lại vui vẻ trở lại và tiếp tục cuộc sống mới”.

“Đến nay thì 33/33 hộ đã nhận nhà và đã chuyển đến ở, có một số hộ vẫn đang chờ ngày để về nhà mới”, bà Vũ Thị Tư vui mừng chia sẻ.

Tại lễ khánh thành dự án tái thiết khu dân cư thôn Làng Nủ, thôn Nậm Tông, thôn Kho Vàng ngày 22/12/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp đến dự, chung vui với người dân. Tại đây, người đứng đầu Chính phủ không giấu được sự xúc động, ông nói “sự sống nảy sinh từ cái chết” ở nơi này. Thủ tướng cũng mong muốn, bà con ba thôn sớm trở thành “Thôn kiểu mẫu” - “Làng hạnh phúc”, sạch, đẹp, xanh, văn minh, hiện đại, cuộc sống ấm no cả về vật chất, tinh thần, y tế, giáo dục, văn hóa...

Ánh sáng cầu vồng của ước vọng

Dạo quanh khu tái thiết Làng Nủ yên bình nằm ở trên đồi Sim, niềm đau giờ đã được gói ghém lại, nhường chỗ cho sự sống sinh sôi. Những vườn rau xanh mướt bắt đầu nảy mầm, cây cối và hoa lá được trồng lại.

Trước cổng vào Làng Nủ, một lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ được xếp từ những bông hoa tươi thắm, như một lời chào nồng ấm và đầy ý nghĩa với khẩu hiệu: “Tiến tới hạnh phúc”.

Trẻ em làng Nủ ríu rít vui đùa.

Quanh làng, tiếng trẻ em ríu rít vui đùa trong trò chơi bắn bi, nhảy xa, lấp lánh nét đẹp trong veo của những đứa trẻ hồn nhiên... Quả thực, “tiến tới hạnh phúc” đã là kim chỉ nam, thể hiện cho tinh thần lạc quan và hy vọng của người Làng Nủ trong những ngày tiếp theo.

Tôi tìm đến căn nhà số 7 được giao cho bố con anh Hoàng Văn Nhớ (37 tuổi), anh Nhớ là người đầu tiên vực dậy tinh thần để bắt đầu cuộc sống mới ở khu tái thiết. Bà Vũ Thị Tư kể lại, vào cái ngày kinh hoàng ấy, bố con anh Nhớ đều bị lũ cuốn trôi và may mắn được cứu sống. Sau khi ổn định sức khỏe và được nhận nhà mới, anh Nhớ tất bật trang trí căn nhà để chuẩn bị đón năm mới.

“Mặc dù người nhỏ bé và vẫn còn bị thương nhưng anh Nhớ hằng ngày vẫn đi làm tất cả công việc trong khả năng lao động. Với số tiền được hỗ trợ, anh Nhớ đã trang trí ngôi nhà trở nên rất ấm áp. Chúng tôi lấy anh Nhớ làm gương để tuyên truyền cho bà con làm theo”, bà Tư xúc động nói.

Giới thiệu về tấm ảnh Bác Hồ treo ở vị trí trang trọng nhất ngôi nhà, tay treo đồ trang trí chào đón năm mới 2025, anh Nhớ chia sẻ: "Đảng, Nhà nước cùng chính quyền và những tấm lòng hảo tâm đã cho mình nhà cửa đẹp đẽ, những gì còn thiếu, mình sẽ bổ sung dần dần. Làm sao để không phụ tấm lòng, ơn nghĩa của mọi người dẫu nỗi đau vẫn còn đó".

“Không phụ tấm lòng, ơn nghĩa của những người giúp đỡ mình, tôi luôn nghĩ phải vực dậy bản thân để mọi người có thể noi theo. Bởi mình phải sống và phải sống thay cho những người không may mắn trong đợt thiên tai vừa rồi, tôi cũng như toàn bộ người dân trong làng phải đoàn kết, chung sức tiến tới hạnh phúc mới”, anh Nhớ nghẹn ngào nói.

Sau cơn mưa trời lại sáng, ánh cầu vồng của ước vọng đã dần xuất hiện ở Làng Nủ sau những ngày khắc nghiệt nhất. Những căn nhà khang trang nằm giữa núi rừng xanh tươi, trở thành điểm tựa vững chắc cho các mảnh đời dần trở lại với cuộc sống bình yên.

Giống anh Nhớ, bà Hoàng Thị Dâu bày tỏ niềm hạnh phúc, lòng biết ơn và quyết tâm xây dựng lại cuộc sống. “Gia đình tôi sẽ bắt đầu làm lại từ đầu, từ việc dọn dẹp nhà cửa, trồng rau, nuôi gia cầm và canh tác trên nương. Năm cũ sắp hết năm mới sắp đến cùng chào đón những điều mới và hy vọng cuộc sống được ổn định và phát triển”, bà Dâu nói.

Ông Hoàng Văn Diệp - trưởng thôn Làng Nủ cho biết, đến nay người dân đã dần quen với cuộc sống mới tại khu ở mới. Tết cổ truyền của dân tộc sắp đến, nhưng trong khoảnh khắc đoàn viên đón năm mới, người dân Làng Nủ vẫn còn đó những nỗi đau. Để hạn chế sự trống vắng trong những ngày Tết, chính quyền địa phương đã có nhiều kế hoạch động viên, chia sẻ với người dân, tổ chức cho bà con đón Tết thật đầm ấm.

“Thời gian qua Đảng, Nhà nước và cộng đồng dân cư trong cả nước đã chia sẻ động viên, với sự giúp đỡ ấy, bây giờ chúng tôi sẽ tuyên truyền để người dân biến đau thương thành hành động, vươn lên trong cuộc sống”, ông Diệp nói và chia sẻ thêm, trong năm mới, chính quyền thôn cũng sẽ cố gắng thực hiện các chương trình vui chơi, gói bánh để tập trung bà con, giúp mọi người quây quần, quên đi trống vắng.

Những nụ cười trở lại.

Đại diện cho bà con trong thôn, ông Diệp bày tỏ mong muốn, trong năm 2025 và những năm sau này, địa phương sẽ được đảm bảo hướng phát triển, thêm nguồn sinh kế cho bà con trong những hộ mất mát về người và tài sản có công việc ổn định thu nhập và cuộc sống.

Chính quyền xã cũng đã có rất nhiều kế hoạch để tái thiết xây dựng Làng Nủ với chương trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế cho bà con thông qua việc đưa cây giống, con giống phù hợp với đặc điểm của địa phương, phù hợp với trình độ canh tác của các hộ dân để sản xuất.

Bà Vũ Thị Tư khẳng định: “Chúng tôi sẽ có kiến nghị về cơ chế chính sách hỗ trợ cho thôn Làng Nủ để cải tạo lại bản làng cũ, nơi bị vùi lấp. Sẽ san tạo và đưa vào đó những mục tiêu sản xuất khi mà bà con đồng thuận. Để nơi từng bị vùi lấp sẽ biến thành nơi có mô hình sản xuất đẹp. Rồi sau này khi bất kỳ ai đến Làng Nủ sẽ không phải mang tâm tư mất mát đau thương, thay vào đó là mang theo tâm thế mới - Làng Nủ có nhà đẹp, vườn đẹp và có những con người đang sống đẹp lên từng ngày”.

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 20 đến 29 (ra từ ngày 23/1/2025 đến 3/2/2025).

Tin nổi bật