Nghĩa cử nhân văn từ những người chủ của 'Cửa hàng 0 đồng' ở Phú Yên đã lan tỏa trong cộng đồng. Và chính điều đó cũng đã thôi thúc tôi tìm đến họ.
“Chút san sẻ của tôi vẫn còn rất nhỏ so với khó khăn của nhiều người trong nhịp sống đời thường nên tôi vẫn đang nỗ lực vận động thêm nhiều tấm lòng thiện nguyện đến để cùng thắp sáng tình yêu cuộc sống” - nghe một người bộc bạch sau khi góp chút tình của mình vào “Cửa hàng 0 đồng”, tôi cảm thấy ấm lòng...
Tiếp chuyện PV Báo CAND tại “Cửa hàng 0 đồng” là người đàn ông có gương mặt phúc hậu, giọng nói trầm ấm và phong thái từ tốn. Ông là Nguyễn Ngọc Đính (SN 1957, trú ở 57 Nguyễn Công Trứ, phường 3, TP Tuy Hòa). Trong khuôn viên căn phòng khoảng 30m2 là những bộ quần áo còn khá mới được treo cẩn trọng trên những giá sắt và xếp gọn gàng trong các ngăn tủ khung thép không khác gì những shop quần áo kinh doanh thương mại ở các đường phố.
Ông Đính tâm sự: “Sau ngày đất nước thống nhất, tôi tham gia lực lượng Thanh niên xung phong đi khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới ở miền núi Phú Yên. Thời gian sau đó, tôi công tác tại một số cơ quan Nhà nước. Đến năm 1991 thì nghỉ việc, hưởng chế độ trợ cấp một lần. Vợ chồng tôi dốc hết những khoản tiền có được, xây căn nhà này để có nơi lưu trú ổn định rồi đi làm thuê tại các nương rẫy hồ tiêu, cà phê…”.
Ông Nguyễn Ngọc Đính cùng cô cháu ngoại khuyết tật bẩm sinh ở “Cửa hàng 0 đồng” tại gia. |
Hơn 10 năm về trước, người vợ ông Đính qua đời sau một thời gian chống chọi căn bệnh ung thư. Tiếp đó, một nỗi đau khác ập đến khi người con gái duy nhất biệt dạng trong thời gian đi làm thuê ở các địa phương phía Nam cho đến nay được coi là mất tích, để lại cho ông đứa cháu ngoại là Nguyễn Khánh Quỳnh mắc bệnh bại liệt nào, câm điếc bẩm sinh. Mỗi ngày, ông Đính hành nghề xe ôm để kiếm tiền sinh sống, chăm nuôi đứa cháu đến nay đã 13 tuổi.
Ông Đính chia sẻ: “Trong hành trình kiếm cơm bằng nghề xe ôm tôi đã nhìn thấy có người đi vận động quyên góp quần áo, vật dụng gia đình đã qua sử dụng để trao tặng lại cho những trường hợp lâm cảnh khốn khó. Cũng từ đó, tôi trăn trở với câu hỏi vì sao mình không làm việc thiện như họ nên quyết định mở “Cửa hàng 0 đồng” sau khi được nhiều bạn bè, người thân đồng tình hỗ trợ ý tưởng”.
Thế là hơn nửa năm qua, “Cửa hàng 0 đồng” của ông Đính ra đời và trở thành điểm đến của người có tấm lòng nhân ái mang quần áo đến gửi, người khó khăn thiếu thốn đến lấy về dùng. “Rất vui là người đến tặng quần áo không quá cũ, trong đó có không ít người đã tặng đồng phục học sinh mới nguyên. Người cần dùng cũng chọn lấy đúng nhu cầu nên “Cửa hàng 0 đồng” luôn có quần áo treo kín giá sắt, xếp đầy ngăn tủ”, ông Đính cho biết thêm.
Cách “Cửa hàng 0 đồng” của ông Đính không xa là “Cửa hàng 0 đồng” ở 27 Huỳnh Thúc Kháng, phường 3, TP Tuy Hòa của nhóm bạn trẻ ở Câu lạc bộ Đom Đóm thuộc Trung tâm Công tác xã hội thuộc Sở LĐ-TB&XH Phú Yên. Ra đời muộn và chỉ mở cửa từ 8-12h trong các ngày thứ hai đến thứ sáu, thế nhưng cửa hàng này thu hút rất đông người nghèo khó đến lấy quần áo, sách vở, vật dụng gia đình và đồ chơi trẻ em.
Anh Lê Thoại Kỳ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đom Đóm tâm sự: “Giữa tất bật đời thường vẫn còn nhiều cảnh đời khốn khó nhưng cũng lắm tấm lòng nhân ái. Hai “Cửa hàng 0 đồng” của chú Nguyễn Ngọc Đính và Câu lạc bộ Đom Đóm là chiếc cầu nối tình người của các nhà hảo tâm với người nghèo khó. Hơn 4 tháng qua đã có hàng trăm lượt người đến nhận quần áo, sách vở, vật dụng gia đình, đồ chơi trẻ em. Niềm vui của những người đảm trách hai “Cửa hàng 0 đồng” nêu trên là nhân rộng những tấm lòng nhân ái khi có thêm nhiều người quyên góp quần áo, sách vở, vật dụng gia đình, đồ chơi trẻ em mang đến cửa hàng và nhiều người khốn khó có thêm niềm tin yêu cuộc sống”.
Chị Lê Thị Hạnh, nhà ở phường Phú Đông, TP Tuy Hòa - một trong những người đến nhận quần áo ở “Cửa hàng 0 đồng” của ông Đính, bày tỏ: “Người nghèo khó như tôi thật sự cảm ơn chủ nhân cửa hàng và những tấm lòng nhân ái. Những bộ quần áo mà người nghèo nhận được từ “Cửa hàng 0 đồng” dù đã cũ hay còn mới đều mang đến hơi ấm tình người”.
Theo báo Công An Nhân Dân