Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Là dân truyền thông, tôi nghĩ gì khi xem Ghen Cô Vy?

(DS&PL) -

(ĐS&PL) Cùng rửa tay xoa xoa xoa xoa đều, Đừng cho tay lên mắt mũi miệng ,Và hạn chế đi ra nơi đông người…

(ĐS&PL) Cùng rửa tay xoa xoa xoa xoa đều

Đừng cho tay lên mắt mũi miệng

Và hạn chế đi ra nơi đông người…

Giai điệu “rửa tay” liên tục vang lên khắp năm châu trong những ngày cao điểm của đại dịch Covid-19. Ít ai ngờ bài hát Việt đầu tiên khiến thế giới không thể đứng yên lại là một ca khúc tuyên truyền.

MV quảng cáo học được gì từ Ghen Cô Vy?

Hiệu ứng Ghen Cô Vy tạo ra là ước mơ của bất cứ video nào, chứ không riêng gì sản phẩm cổ động – vốn không được lòng công chúng do nhiều người đồng nhất “cổ động” với tính giáo điều, nhàm chán và “buộc phải nghe”.

Ở chừng mực nào đó, nhạc cổ động khá tương đồng với MV quảng cáo: dùng âm nhạc để chuyển tải thông điệp, và khán giả ít khi chủ động xem. Quảng cáo có thể học được gì từ Ghen Cô Vy để cuốn hút khán giả, lan toả toàn cầu?

Phải hay cái đã!

Ghen Cô Vy không phải là bài hát duy nhất tuyên truyền trong mùa dịch Covid-19. Trên Spotify, có hơn 65 bài hát về chủ đề này. Tại Việt Nam cũng có vài nhạc phẩm. Nhưng chỉ có Ghen Cô Vy là thành công nhất.

Bí quyết à? Dường như ai cũng biết cả rồi: nhạc hay!

Giai điệu hấp dẫn, tiệm cận âm nhạc hiện đại, “cài cắm” điệp khúc có khả năng lặp đi lặp lại trong đầu người nghe, đã đưa Ghen Cô Vy thành bài hát yêu thích, được nhiều người hát theo, nhảy theo, thay vì chìm vào quên lãng như đa số ca khúc cổ động khác.

Nhạc sĩ Khắc Hưng – tác giả bài hát – không phân biệt giữa "nhạc cổ động" và nhạc thông thường. Với anh, âm nhạc luôn là âm nhạc, để đến được với khán giả thì nhạc phải hay.

Lời mới trên nền nhạc hit

Ghen Cô Vy được viết lời mới trên nền nhạc Ghen – một ca khúc hit ra đời năm 2017, đến nay đã sở hữu hơn 115 triệu lượt view.

Khi nhận được “đơn đặt hàng” từ Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), nhạc sĩ Khắc Hưng quyết định đổi lời bài hit cũ thay vì viết mới. Không chỉ tiết kiệm thời gian sáng tác trong mùa dịch diễn biến từng giờ, giải pháp này còn giúp bài hát tận dụng giai điệu được đại chúng yêu thích và lượng fan đông đảo của Ghen. Ghen Cô Vy do Min và Erik – hai giọng ca từng gắn bó tên tuổi với bài hát gốc – thể hiện, và được đăng tải trên Min Official, kênh Youtube có 1,29 triệu người đăng kí.

Với rất nhiều yếu tố quen thuộc, bài hát chống Corona của Việt Nam rất biết cách “đứng trên vai người khổng lồ” ngay từ khi mới ra đời.

Nhan đề bài hát cũng là một sự kết hợp thông minh giữa tựa của bài gốc, và cách người Việt gọi virus Corona (coV) đầy hài hước, thân mật. Cách chơi chữ này khéo thông báo chủ đề bài mới và thu hút fan của hit cũ.

Ghen Cô Vy là một bài “nhạc chế” rất thành công. Quảng cáo dùng nhạc chế xưa nay không hiếm, nhưng hấp dẫn thì lại chẳng nhiều. Hay dở, duyên thô tuỳ thuộc vào độ tương thích của sản phẩm với bài hát gốc, cũng như khiếu hài hước, tầm văn hoá và tài năng của người sáng tạo. Kinh nghiệm cho thấy nếu tác giả bản gốc chính tay “tái tạo” cho đứa con tinh thần thì bài hát “phái sinh” dễ hay hơn.

Đa dạng loại hình, vượt rào ngôn ngữ, bắt đúng xu hướng

Ngoài âm nhạc, Ghen Cô Vy còn sở hữu video hoạt hình ngộ nghĩnh, đáng yêu, cùng nhân tố “bùng nổ”: “vũ điệu rửa tay” của Quang Đăng. Động tác hình thể phá bỏ rào cản ngôn ngữ, đưa Ghen Cô Vy thẳng tiến ra thế giới. Vui nhộn, ai cũng có thể nhảy theo, minh hoạ trực quan cho phương pháp chống “Cô Vy”, điệu nhảy lập tức “khuấy đảo thế giới ảo” như một lẽ đương nhiên.

“Đu trend” #anysongchallenge từng làm mưa làm gió trên Tik Tok, #ghencovychallenge do Quang Đăng phát động thu hút đông đảo bạn trẻ khắp thế giới. Thực hiện 6 động tác tượng trưng 6 thói quen tốt chống virus Corona, cư dân mạng liên tục đưa những hashtag #handwashingmove, #coronahanddance, #VuDieuRuaTay lan toả từ Á sang Âu, truyền đi quyết tâm chống dịch và tinh thần lạc quan từ Việt Nam.

Được “báo Tây” khen ngợi

Ghen Cô Vy đã “được lòng” khán giả và gây chú ý với truyền thông Việt Nam ngay từ khi ra đời. Nhưng chỉ đến khi MC John Oliver phấn khích nhún nhảy theo Quang Đăng trên sóng HBO, bài hát cùng vũ điệu mới thực sự lan toả mạnh mẽ. Rồi liên tục Billboard, Quartz, Slate, Vox (Mỹ), BBC (Anh), BFMTV (Pháp), SBS (Úc), Al Jazeera (Qatar)… thi nhau đưa tin về “bài hát chống virus Corona của Việt Nam”.

Khi được giới thiệu trên truyền thông phương Tây, Ghen Cô Vy chẳng những rộng đường chinh phục khán giả quốc tế, mà còn ghi thêm điểm trên “sân nhà”. Những lời ngợi khen từ báo chí nước ngoài như “tem bảo chứng” cho tính hiện đại, hội nhập của bài hát. Một chút tự hào dân tộc của người Việt càng giúp video tăng view vùn vụt.

Quảng cáo Sống Như Ý của Generali Việt Nam Tết 2020 cũng thế. Tuy đã lên sóng từ cuối năm 2019 và được đánh giá cao, nhưng đến khi trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng APAC YouTube Ads Leaderboard tháng 1/2020, thì Sống Như Ý càng hút view, và khán giả dường như nhìn phim ca nhạc – quảng cáo này với con mắt khác. Đây là bảng xếp hạng quảng cáo được Google công bố hằng tháng tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, dựa trên thuật toán phân tích số lượt xem tự nhiên và khả năng giữ chân người xem (audience retention) trên nền tảng, nhằm tôn vinh những quảng cáo chất lượng và sáng tạo.

 Tận dụng thời cơ lan toả

Sau khi bài hát được giới thiệu trên Last Week Tonight with John Oliver với lời dịch tiếng Anh khá chuẩn, ca sĩ Min lập tức bình luận dưới clip Youtube, mời mọi người mở phần phụ đề gồm 22 thứ tiếng: Anh, Afrikaans, Ả Rập, Trung Quốc, Hà Lan, Phi-lip-pin, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Do Thái, Hindi, Ý, Nhật, Hàn, Ba Tư, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Serbia, Slovak, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển. Nhóm thực hiện cũng hứa sớm tung bản tiếng Anh.

Ekip Ghen Cô Vy liên tục trả lời phỏng vấn các hãng thông tấn trong và ngoài nước, hé lộ thêm những thông tin thú vị, giúp ca khúc thêm viral. Ca sĩ Min và Erik cũng là hai trong số những người đầu tiên hưởng ứng #ghencovychallenge, truyền cảm hứng cho đông đảo người hâm mộ hoà theo vũ điệu rửa tay.

Và phần còn lại là lịch sử.

Nhung Đỗ

Tác giả Nhung Đỗ là copywriter của EloQ Communications (https://www.eloqasia.com/vi/). Nhung Đỗ có trên 10 năm kinh nghiệm viết báo, viết sách, dạy học và sáng tạo nội dung. Cuốn sách đầu tiên của cô mang tựa đề “Lửa trời đuôi cáo – 100 câu chuyện Phần Lan” kể về những trải nghiệm văn hoá ở xứ sở ngàn hồ.

Tham khảo thêm loạt bài về Covid-19 của EloQ tại https://blog.eloqasia.com/tag/covid-19/ 

Tin nổi bật