Trong không khí các cấp Hội hân hoan hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIV, Đời sống & Pháp luật đã lắng nghe những chia sẻ từ các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về vai trò, vị trí của Hội Luật gia Việt Nam trong hệ thống chính trị và công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Là ĐBQH và cũng gắn bó với công tác Hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội luật gia tỉnh Đồng Tháp, đại biểu đoàn Đồng Tháp nhìn nhận, Hội Luật gia Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp. Do đó, vai trò, trách nhiệm của Hội Luật gia Việt Nam trong công tác xây dựng luật pháp lệnh của Nhà nước rất quan trọng.
ĐBQH Phạm Văn Hòa trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật bên hành lang Quốc hội.
Theo ông Hòa, từ khi thành lập tới nay có rất nhiều nghị quyết, chỉ thị, nghị định của Chính phủ dành cho Hội Luật gia Việt Nam, là điều kiện thuận lợi cho các cấp Hội hoạt động. Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị số 14 ngày 1/7/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới, đây là một tiền đề cơ bản vững chắc nhất để Hội Luật gia Việt Nam phát triển.
Để ngày càng khẳng định được vị thế của mình, Đảng, Nhà nước quan tâm, giao nhiều trọng trách và nhân dân tin yêu, ông Hòa nhấn mạnh các cấp Hội phải hăng hái, tích cực tham gia công tác xây dựng luật pháp lệnh, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người dân. Đồng thời, tăng cường các hoạt động, tổ chức tuyên truyền cho bà con hiểu biết về pháp luật, thượng tôn luật pháp.
Nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đặt ra những yêu cầu đối với Hội Luật gia Việt Nam, ông Phạm Văn Hòa cho rằng, các nhà làm luật trong đó có Hội Luật gia Việt Nam cần tham gia tích cực hơn, phải đóng một vai trò chính trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Từ thực tiễn hoạt động tại địa phương, Phó Chủ tịch Hội luật gia tỉnh Đồng Tháp cho biết, hoạt động của Hội Luật gia ở địa phương ngày càng có hiệu quả. Trong các tổ chức Hội, Hội Luật gia Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời cũng là tư vấn viên trợ giúp pháp lý cho Mặt trận.
Hội Luật gia địa phương cũng được mời tham gia tuyên truyền, vận động người dân hiểu, chấp hành theo quy định của pháp luật như vấn đề giải phóng mặt bằng, đền bù…
Bên cạnh đó, Hội Luật gia địa phương cũng phối hợp với cơ quan pháp luật, cơ quan bảo vệ pháp luật của địa phương đặc biệt là viện kiểm sát, tòa án, nhất là phòng tư pháp để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn pháp luật cho người dân ở cơ sở.
Chia sẻ về kỳ vọng của mình trong nhiệm kỳ mới, ĐBQH Phạm Văn Hòa bày tỏ: "Tôi rất kỳ vọng và hy vọng trong lần đại hội này sẽ có những bước tiến bộ, đặc biệt là những bước phát triển mới trong đổi mới của tổ chức Hội Luật gia Việt Nam và sẽ đề ra được những định hướng chiến lược, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới".
ĐBQH Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, đại biểu đoàn Hà Nội cho biết, hiện nay chúng ta đang rất quyết liệt trong đổi mới về thể chế, trong đó có đổi mới về công tác lập pháp theo tinh thần Tổng Bí thư đã phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
ĐBQH Hoàng Văn Cường.
Vì vậy, ngay các kỳ họp này và các kỳ họp tới đều thấy số lượng các luật cần được đưa ra xem xét, sửa đổi, bổ sung và thông qua rất lớn.
"Quá trình hoàn thiện về phương thức, tư tưởng tiếp cận lập pháp này cần có sự tham gia của rất nhiều bên. Đặc biệt, phải là những người phải là các chuyên gia am hiểu về luật pháp, am hiểu về các tư tưởng về xây dựng quy phạm pháp luật, cần có đóng góp và tiếng nói độc lập, khách quan. Rõ ràng, đây là một trong những chức năng chính của các Hội nghề nghiệp, đặc biệt là Hội Luật gia Việt Nam", ông Cường nói.
Theo đại biểu, đây là thời kỳ Hội Luật gia Việt Nam cần phát huy rõ hơn vai trò, cần đến những ý kiến đóng góp của các nhà chuyên môn sâu trong công tác xây dựng pháp luật.
"Hội viên Hội Luật gia Việt Nam là những người có am hiểu, hiểu biết chuyên sâu về luật, tôi kỳ vọng đây là lực lượng đưa ra được những căn cứ, cơ sở pháp lý quan trọng để đổi mới công tác xây dựng pháp luật sẽ đi đúng hướng", ông Cường nhấn mạnh.
ĐBQH Trương Xuân Cừ - Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhìn nhận, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật là một phương thức rất hiệu quả để nâng cao hiểu biết, nhận thức, kỹ năng cho người dân, sống và làm theo pháp luật.
ĐBQH Trương Xuân Cừ.
Việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật không những các cơ quan được giao nhiệm vụ như Hội Luật gia Việt Nam, Bộ Tư pháp… mà tất cả các Bộ, ban ngành đều có các cơ quan tuyên truyền để nâng cao nhận thức pháp luật.
Để thực hiện được nội dung đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, ông Cừ cho rằng, mỗi hội viên Hội Luật gia Việt Nam cần phải thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, trong đó có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Từ đó, sẽ ngày càng nâng cao được vị thế, vai trò của Hội Luật gia Việt Nam.
"Trong thời gian qua, từ Trung ương Hội Luật gia cho đến Hội Luật gia địa phương đã tạo được uy tín và sự tin tưởng của cấp ủy, các ủy ban ở Trung ương và địa phương. Đây là điều rất vinh dự cho tổ chức Hội", ĐBQH Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội luật gia tỉnh Đồng Tháp.