Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Kỳ thi THPT quốc gia 2019: Điểm môn Lịch sử tiếp tục "đội sổ", đâu là nguyên nhân?

(DS&PL) -

Môn Lịch sử có điểm trung bình là 4,3 với 70% số bài thi dưới 5 điểm, “đội sổ” về kết quả thi THPT quốc gia 2019.

Môn Lịch sử có điểm trung bình là 4,3 với 70% số bài thi dưới 5 điểm, 400 thí sinh bị điểm liệt, “đội sổ” về kết quả thi THPT quốc gia 2019.

Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 có gần 570.000 thí sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử, thuộc tổ hợp Khoa học xã hội. Điểm trung bình của môn Lịch sử là 4,3 điểm; 70% thí sinh đạt điểm dưới trung bình; gần 400 thí sinh bị điểm liệt, tức điểm từ 1 trở xuống. Lịch sử là môn có điểm thi trung bình thấp nhất trong các môn thi.

Những năm trước, điểm trung bình Lịch sử cũng rất thấp. Cụ thể, năm 2016 là 4,49 điểm; năm 2017 là 4,6 điểm; năm 2018 là 3,79 điểm.

Vốn được coi là một môn học chính nhưng điểm thi của môn Lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia chưa bao giờ tương xứng với tầm quan trọng của nó. Tại sao điểm Lịch sử luôn thấp như vậy?

Phổ điểm môn Lịch sử thi THPT quốc gia 2019 - Nguồn: Bộ GD&ĐT

Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Thị Thu Hương, Giảng viên Đại học Thủ đô Hà Nội.

PV: Thưa cô, từ kết quả điểm thi được công bố, cô đánh giá thế nào về đề thi năm nay?

Tiến sĩ Lê Thị Thu Hương: Kết quả điểm thi đánh giá đúng chất lượng thí sinh. Nhìn vào kết quả và phổ điểm đã thấy rõ sự phân hóa giữa hai đối tượng hoặc chọn môn Lịch sử là môn xét tuyển đại học, hoặc chọn môn Lịch sử nằm trong tổ hợp KHXH nhưng chỉ là xét tốt nghiệp THPT.

Đề thi năm 2019 là đề ra theo ma trận giống như đề tham khảo mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố. Kiến thức chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, lượng kiến thức lớp 11 có nhưng rất ít, đề đã đáp ứng được kì thi hai trong một.

Đề thi môn sử năm nay không phải chỉ đáp ứng một mục tiêu là học sinh tốt nghiệp THPT mà còn là cơ hội để các trường Đại học lựa chọn những em học sinh khá, giỏi có điểm đạt với yêu cầu mà trường tuyển sinh.

PV: Kết quả hơn 70% thí sinh dưới điểm trung bình có khiến những giáo viên như cô cảm thấy thế nào?

Tiến sĩ Lê Thị Thu Hương: Từ kết quả mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố qua 3 năm thi trắc nghiệm vẫn còn tình trạng nhiều em học sinh vẫn không đạt điểm trung bình, đây thực sự là một điều đáng lo lắng và cần quan tâm. Vấn đề đặt ra là chúng ta cần tìm ra căn nguyên của vấn đề.

PV: Vậy đâu là nguyên nhân, thưa cô?

Tiến sĩ Lê Thị Thu Hương: Về nguyên nhân, tôi cho rằng học sinh chủ quan, chưa thực sự có ý thức học bộ môn, tâm lý cho rằng thi trắc nghiệm cứ khoanh bừa chắc vẫn qua điểm liệt. Tuy nhiên thực tế có 395 học sinh vẫn bị điểm liệt.

Ngoài ra, Bộ môn Lịch sử chưa được coi trọng đúng với tầm quan trọng đích thực của nó, tâm lý trong học sinh đây là môn phụ, với những em không chọn là môn xét tuyển đại học thì sẽ có tâm lý không có ý thức học bộ môn nghiêm túc. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như phương pháp dạy và học...

Đề thi năm nay cũng có những câu hỏi buộc người học phải có một quá trình, đó là sự kết hợp giữa kiến thức sử lớp 11 với lớp 12, liên kết lịch sử thế giới với lịch sử Việt Nam. Chính vì vậy, buộc người học phải hiểu được vấn đề mới đạt được điểm khá, giỏi.

Lê Thị Thu Hương, Giảng viên Đại học Thủ đô Hà Nội.

PV: Điểm thi Lịch sử luôn thấp, điều này khiến nhiều người lo lắng cho rằng học sinh ngày “quay lưng” với môn học này, ý kiến của cô thế nào?

Tiến sĩ Lê Thị Thu Hương: Tâm lý của học sinh là "thi gì thì học nấy", môn nào quan trọng để xét điểm đại học thì các em sẽ chú trọng hơn, còn không thì sẽ bỏ qua hoặc ít quan tâm. Không phải chỉ môn Lịch sử mà xét các tổ hợp khác sẽ có những môn như vậy. Học sinh không thờ ơ với sử mà tâm lý thực dụng đang phổ biến trong thế hệ trẻ.

Tầm quan trọng của môn Lịch sử với việc giáo dục truyền thống yêu nước và hình thành nhân cách của các em học sinh thể hiện rất rõ trong đặc điểm của bộ môn. Tôi nghĩ rằng, trong hệ thống giáo dục của Việt Nam bộ môn nào cũng có tầm quan trọng của nó. Vậy nên, nếu học không nghiêm túc, chủ quan thì chắc chắn sẽ không có kết quả tốt.

PV: Bằng kinh nghiệm của mình, cô cho rằng điều gì ảnh hưởng đến thái độ học tập cũng như phương pháp dạy-học ra sao để giúp các em tìm được sự hứng thú với môn học này?

Tiến sĩ Lê Thị Thu Hương: Cần có định hướng đúng từ nhà trường, gia đình, các thầy cô giáo và cả xã hội để học sinh nhận thấy tầm quan trọng của bộ môn Lịch sử. Học Sử không phải để thi mà kiến thức lịch sử, đặc biệt là lịch sử dân tộc thì mỗi cá nhân cần phải hiểu để hành trang trong cuộc sống của mình thêm phong phú, mình tự tin bước vào đời mà không cảm thấy xấu hổ khi người khác hỏi mà mình không biết.

Kiến thức lịch sử trong nhà trường gắn với cả quá trình phát triển của lịch sử dân tộc từ thời cổ đại đến hiện đại, vì vậy sự hiểu biết đó được thể hiện phần nào trong bài thi tốt nghiệp THPT.

Sự tự trọng của mỗi cá nhân cần được đề cao, không phải cứ tốt nghiệp là xong mà cũng cần quan tâm đến từng bài thi trong kì thi tốt nghiệp THPT dù bài thi đó không nằm trong tổ hợp xét tuyển đại học.

Đối với nhà trường: Cần quan tâm đổi mới dạy - học môn Lịch sử thì học sinh sẽ thích học bộ môn, hiểu biết lịch sử thì sẽ giảm tình trạng nhiều điểm dưới trung bình.

Ngoài ra, học sinh cũng phải hợp tác với thầy cô, phải có nhận thức đúng và ý thức học nghiêm túc.

Xin cảm ơn tiến sĩ về cuộc trò chuyện!

Tiểu Phương

Tin nổi bật