(ĐSPL) - Giường ngủ, bàn học, tủ đồ và cả bình nóng lạnh… đã được lắp đặt sẵn, giá cả phải chăng nhưng các KTX và chung cư vẫn ế khách, trong khi khu nhà trọ tồi tàn lại kín chỗ. Hỏi ra mới biết: “Thuê nhà trọ để tiện… yêu đương”…
Kể từ đầu năm nay, nhiều khu chung cư sinh viên (khu chung cư Pháp Vân – Tứ Hiệp; Khu chung cư Mỹ Đình) với khoảng hơn 30.000 chỗ ở cho sinh viên đã đưa vào hoạt động. Thế nhưng, vì sao sau vài tháng kể từ ngày mở cửa số lượng sinh viên đến ở chỉ chiếm một góc rất khiêm tốn trong những khu nhà này?
Sau gần 5 tháng chính thức đi vào hoạt động, đến nay, khu nhà ở dành cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp tại khu đô thị mới Pháp Vân, quận Hoàng Mai (TP.Hà Nội) vẫn trong tình trạng “ế ẩm”, “vắng khách”. Giá thuê rẻ, lại được trang bị cơ sở vật chất tiện nghi, hiện đại, nhưng sinh viên vẫn không mặn mà với khu nhà này.
Nhiều sinh viên chấp nhận thuê phòng trọ tồi tàn để “đổi” lấy tự do sinh hoạt. |
Khang trang, hiện đại nhưng vắng vẻ, đìu hiu, đó là thực trạng của khu nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp. Đây là một trong hai dự án nhà ở cho sinh viên của thành phố Hà Nội mới đi vào hoạt động, gồm 6 tòa nhà cao 19 tầng, có sức chứa lên tới 22.000 người.
Khu nhà được thiết kế đồng bộ, hiện đại, có thang máy, các phòng rộng 57m2, trang bị đầy đủ tiện nghi như giường, tủ, bình nóng lạnh, điều hòa, internet, căng tin, hầm để xe… Với mức giá ưu đãi mỗi tháng chỉ 205.000 đồng/người, những tưởng khu nhà sẽ nhanh chóng hết chỗ. Song, ngược lại, chung cư sinh viên này lại trong tình trạng ế ẩm, số sinh viên dọn đến ở mới chỉ được vài tầng dưới cùng của một tòa nhà.
Ra đời cùng thời điểm và cũng được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, nhưng khu chung cư sinh viên Mỹ Đình (đường Hàm Nghi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng chung cảnh ngộ. Khu chung cư này có vốn đầu tư hàng trăm tỉ đồng với hơn 7.000 chỗ ở cho sinh viên, nhưng tính đến nay, chỉ lác đác sinh viên đến tìm hiểu và đăng ký thuê trọ ở đây.
Tận dụng những ngày nghỉ lễ, bạn Nguyễn Hoài Lê (quê Hà Tĩnh, sinh viên trường đại học Điện lực) đang cùng với một người bạn tìm đến khu chung cư sinh viên Mỹ Đình để khảo sát trước khi quyết định đến thuê. Hiện Hoài Lê đang thuê trọ cùng với một bạn học ở khu vực đường Phạm Văn Đồng với giá 2 triệu đồng/tháng nên có ý định chuyển đến khu chung cư này thuê cho giảm chi phí.
Lãng phí lớn Đó là nhận định của chuyên gia Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng bộ Xây dựng. Theo ông, kinh phí để xây dựng nhà ở sinh viên được lấy từ trái phiếu Chính phủ, tổng số tiền đầu tư cho các khu nhà sinh viên này lên tới hàng nghìn tỉ đồng. Sự vắng vẻ, đìu hiu của những chung cư này là điều đáng báo động và là một sự lãng phí lớn trong khi nhu cầu chỗ ở của sinh viên rất lớn. Làm sao để cung – cầu gặp nhau trong câu chuyện này sẽ là câu hỏi không dễ trả lời cho các cơ quan liên quan. |
“Em cũng băn khoăn. Bởi các bạn ở đây trước đang “kêu trời” vì không quen với khuôn khổ và cách quản lý của chung cư. Với lại khu chung cư này tuy đẹp nhưng không tiện xe bus lắm, nãy em phải xuống từ Lê Đức Thọ rồi đi bộ vào”, cô sinh viên chia sẻ. Hoài Lê nói thêm, từ khi biết có khu chung cư dành cho sinh viên thuê với giá rẻ, bố mẹ cô liên tục đề nghị cô vào thuê trọ ở đây, thế nhưng với những sự bất tiện như vậy, nữ sinh này vẫn chưa sẵn sàng.
Bạn Ngô Quang Toàn, sinh viên trường ĐH Thương mại cho rằng, bản thân cậu chưa sẵn sàng cho việc xin vào thuê trọ trong chung cư sinh viên, mặc dù chung cư khá tiện nghi, hiện đại. “Em là người thích có nhiều bạn, sống phải đông vui một tý thậm chí là phải “thoáng” nhưng khi vào thuê trong khu chung cư sinh viên thì bị gò bó lắm. Đi về phải có giờ giấc, có bảo vệ và suy cho cùng rất mất tự do”, Quang Toàn lý giải về việc chưa muốn chọn thuê chung cư sinh viên.
Cách khu chung cư sinh viên hiện đại, giá rẻ Mỹ Đình chỉ vài trăm mét, phía bên kia con đường Lê Đức Thọ, tại một nhà trọ tồi tàn, hơn chục nam nữ sinh viên đang vừa nhậu vừa hát, rộn ràng cả xóm trọ. Thấy chúng tôi, cả nhóm đảo mắt quan sát và lặng im trong chốc lát rồi lại zô… zô. Tiếng cười nói râm ran, sau mỗi câu nói lại đệm thêm vài từ văng tục. “Anh đến đây có việc gì thế, thuê phòng à? Ở đây kín phòng rồi”, một cậu cao to lên tiếng trước. Sau vài câu trò chuyện làm quen, nhóm này kéo chúng tôi ngồi xuống tấm bạt trải giữa hai dãy nhà trọ để cùng chén chú, chén anh. “Anh vui vẻ cùng bọn em, cũng chả có gì cao sang đâu. Sinh viên mà. Nghỉ lễ bọn em không về quê nên tụ tập mừng ngày giải phóng ý mà”, một nữ sinh có mái tóc vàng hoe lên tiếng. Xung quanh, vỏ nem chua, lá gói giò vứt lẫn bên cạnh nhiều vỏ chai rượu. Tất cả ngổn ngang như một bãi chiến trường.
Tôi lấy lý do ái ngại việc ồn ào khiến chủ nhà quát mắng, một bạn nam trấn an: “Anh yên tâm, ở đây thoải mái lắm, nộp tiền đúng hạn là được. Chủ nhà dễ tính lắm”.
Sau khi làm vài “quai” cùng nhóm sinh viên này, rượu vào lời ra, đủ thứ chuyện đã được nói ra. Theo đó, khu trọ này có 10 phòng thì có đến 4 cặp đôi sống thử với nhau. Số còn lại thỉnh thoảng dẫn bạn gái về phòng và tất nhiên mỗi lần như vậy thì người còn lại trong phòng phải “tạm trú” phòng khác. “Có lần thằng này dẫn gấu về. Em chả biết đi đâu, phòng bên cạnh cũng đang “có khách”, thế là nó vứt cho em 30.000 đồng để cày thâu đêm ở quán nét bên kia đường”, Hưng (đại học Công nghiệp) chỉ tay vào cậu bạn ngồi bên cạnh “tố”.
Nhậu thêm một lúc, can rượu 5 lít cũng đến lúc rót những chén cuối cùng. Một vài tiếng lè nhè: “Đi mua thêm rượu và mồi đi. Đằng nào mai cũng nghỉ học mà”. Trong lúc kẻ bàn tới, người bàn lui thì một nam sinh nhanh nhảu xách can đi. “Lát về tính tiền luôn thể nhé”, tiếng cậu vọng lại khi đã khuất sau cánh cổng xỉn màu. Vài bạn nữ bắt đầu ngấm rượu, lảo đảo bước vào giường. Có cô chỉ kịp gác một chân lên giường, chân kia buông thõng chạm đất. “Đã bảo uống ít lại còn cố. Đêm lại khổ mình thôi”, một nam sinh lên tiếng, xem chừng là “gấu” của cô bé.
Không riêng gì phòng trọ ở khu vực này, nhiều khu trọ sinh viên khác như ở Xuân Thủy, Dịch Vọng Hậu, Phạm Văn Đồng… cũng nhộn nhịp không kém. Bà Nguyễn Thị Lan, chủ một khu trọ ở ngõ 165 Xuân Thủy cho biết: “Tiêu chí của bọn trẻ giờ là tự do, chìa khóa phòng, cổng riêng. Muốn về lúc nào thì về. Thế nên, khi đến thuê phòng, câu đầu tiên các cháu hỏi tôi là, có ở cùng với chủ không, có giới hạn thời gian đi về không?”. Nhiều chủ nhà trọ cũng chia sẻ, nếu phòng nào đáp ứng các tiêu chí về thoải mái giờ giấc, thoải mái dẫn bạn bè về, người thuê sẵn sàng chấp nhận giá cao hơn so với mức chung.
|
HÀ KHÊ
Xem thêm clip: Kỹ năng thoát hiểm khi cháy chung cư cao tầng