Hoàn thành vào khoảng năm 2560 TCN và được xây dựng để dành cho Pharaoh Khufu, Đại kim tự tháp Giza là kỳ quan duy nhất trong số bảy kỳ quan thế giới cổ đại còn được bảo tồn nguyên vẹn đến ngày nay.
Quần thể này nằm tại vùng ngoại ô của Cairo (Ai Cập), bao gồm tổng cộng sáu kim tự tháp: ba công trình chính đồ sộ (của Khufu, Khafre và Menkaure) cùng ba kim tự tháp kích thước nhỏ hơn, cộng thêm bức tượng Nhân Sư khổng lồ (Great Sphinx) – một điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng.
Đại kim tự tháp Giza là kỳ quan duy nhất trong số bảy kỳ quan thế giới cổ đại.
Được xem như đỉnh cao về khoa học và kỹ thuật cổ đại, những kim tự tháp tại đây sử dụng khoảng 2,3 triệu khối đá kết nối chặt chẽ, với tổng khối lượng lên đến 5,9 triệu tấn. Mỗi khối nặng trung bình từ 2 đến 30 tấn, thậm chí có khối lên tới 50 tấn. Chính những con số phi thường này đã khiến giới khoa học hiện đại vẫn còn trăn trở về phương pháp người Ai Cập cổ xưa vận chuyển và lắp đặt các phiến đá khổng lồ mà không cần đến công nghệ tiên tiến như ngày nay.
Một giả thuyết đưa ra cho rằng, sự tồn tại của một nhánh sông mới được phát hiện, nằm sâu dưới lớp cát sa mạc và đất nông nghiệp, có thể là tuyến đường thủy cổ dùng để chuyển các khối vật liệu khổng lồ đến địa điểm xây dựng kim tự tháp. Theo nhiều nhà khảo cổ, nhánh sông này, được gọi là “Ahramat”, trải dài khoảng 64 km, có thể từng đóng vai trò quan trọng như một con kênh vận chuyển cho công nhân và các vật liệu trong quá trình dựng nên những công trình kỳ vĩ.
Sự biến mất hoặc cạn kiệt của nhánh sông này vẫn còn là bí ẩn. Nhà nghiên cứu Eman Ghoneim cho rằng, tình trạng hạn hán và hiện tượng sa mạc hóa có thể đã làm cát tràn vào, lấp đầy lòng sông và đẩy tuyến đường thủy này vào quên lãng.
Nhánh sông Ahramat cổ đại giáp với một số lượng lớn các kim tự tháp có niên đại từ Cổ Vương quốc (Old Kingdom - chấm tròn màu đỏ) đến Thời kỳ chuyển tiếp thứ hai (Second Intermediate Period - chấm tròn màu xanh lá cây), trải dài từ Vương triều thứ 3 đến Vương triều thứ 13. Ảnh: Eman Ghoneim
Đại kim tự tháp Giza nói riêng, và các kim tự tháp Ai Cập nói chung, được nhiều người xem là “tượng đài khoa học” tối cổ, tuyệt mỹ và gần như hoàn hảo. Không chỉ là một kiệt tác kiến trúc và kỹ thuật, Giza còn gây ấn tượng ở góc độ địa lý: vị trí của Đại kim tự tháp trùng với điểm giao nhau giữa kinh tuyến và vĩ tuyến dài nhất trên hành tinh, đồng thời ba kim tự tháp lớn tại đây được sắp xếp thẳng hàng một cách hoàn hảo, tương ứng với ba ngôi sao trong vành đai của chòm Orion.
Theo trang History.com, trên thế giới tồn tại hiện tượng “Bí ẩn Tam trùng” khó giải thích, khi ba địa điểm bí ẩn nhất thế giới: Quần thể kim tự tháp Giza, “Vùng lặng” ở Mexico (nơi vô hiệu hóa mọi dạng sóng và tín hiệu) và Tam giác quỷ Bermuda (nơi hàng loạt tàu thuyền, máy bay biến mất không dấu vết) nằm trên cùng một đường thẳng địa lý. Đáng chú ý hơn, quần thể Giza được bố trí hướng thẳng về Cực Bắc địa lý của Trái đất, chuẩn xác đến mức khó có công trình hiện đại nào sánh kịp.
Xét về thiết kế bên trong, Đại kim tự tháp Giza có ba phòng chôn cất: một ở dưới nền đá, phía trên là phòng dành cho hoàng hậu và trên cao nhất là phòng chôn cất Pharaoh. Để tạo nên ánh sáng lấp lánh, người Ai Cập xưa đã phủ lên bề mặt các khối đá lớp vôi trắng bóng.
Đại kim tự tháp Giza có ba phòng chôn cất. Ảnh minh họa
Nhờ vậy, khi ánh nắng mặt trời chiếu vào, công trình trở nên rực rỡ. Có truyền thuyết cho rằng khi kim tự tháp còn nguyên vẹn, ánh sáng phản chiếu từ nó thậm chí có thể được nhìn thấy từ Mặt trăng.
Tuy nhiên, cùng với sự kỳ vĩ đó là các câu chuyện rùng rợn liên quan đến xác ướp và “Lời nguyền của Pharaoh”. Không ít nhà khoa học và nhà thám hiểm đã thiệt mạng khi nghiên cứu hoặc thám hiểm bên trong các kim tự tháp.
Giới khoa học thường giải thích những cái chết bí ẩn này do vi khuẩn tồn tại hàng ngàn năm trong môi trường ẩm ướt kín đáo của hầm mộ, nhưng không ít người vẫn tin vào lời nguyền huyền bí – lời cảnh báo rằng ai bước vào với tâm hồn đen tối sẽ bị “bóp cổ như một con chim”.