Sao tình cảm của bố mẹ và con cứ ngày càng xa cách?
Khi con cái bắt đầu trưởng thành, sự thay đổi trong tâm lý và hành vi có thể khiến cha mẹ cảm thấy lạc lõng. Vấn đề này được thể hiện rõ qua câu chuyện của chị Nguyễn Thị Thu Hiền ( Hà Nội), một người mẹ đã từng rất vật lộn với việc giao tiếp cùng con của mình. Đức con gái lớn bước vào tuổi dậy thì, và sự thay đổi trong hành vi khiến chị không thể nào hiểu nổi con.
Chị Thu Hiền chia sẻ: “Con tôi từng là đứa trẻ rất gần gũi, luôn kể chuyện với tôi mỗi khi đi học về. Nhưng dạo gần đây, cứ trở về nhà là chui vào phòng, không muốn nói chuyện với ai. Khi tôi hỏi chuyện học hành hay cảm xúc của con, con thường trả lời qua loa và tránh né tôi. Có lần, tôi hỏi sao con lại về trễ, thì con nổi giận và nói tôi kiểm soát con quá nhiều.”
Sự xa cách ngày càng lớn, chị Hiền cảm thấy như đang mất đi một phần quan trọng trong cuộc sống của mình – chính là sự gần gũi, sẻ chia với con cái. “Cứ như vậy, tôi không biết làm thế nào để giữ lại sự kết nối giữa hai mẹ con,” chị Hiền tâm sự với giọng buồn.
Các bậc phụ huynh từ khắp các tỉnh thành tham gia chương trình “Đường về hạnh phúc” để kiến tạo một gia đình hạnh phúc
Đó cũng là tình cảnh mà anh Nguyễn Tuấn Anh (51 tuổi, Kiên Giang) cũng đang gặp phải. Là một người đàn ông luôn bận rộn với công việc kinh doanh, hằng ngày, anh dành phần lớn thời gian cho các cuộc họp, thương lượng hợp đồng và điều hành công ty. Thế nhưng, anh không ngờ rằng sự nghiệp bận rộn lại đang khiến anh dần đánh mất mối quan hệ với cậu con trai 12 tuổi của mình.
Anh Tuấn Anh chia sẻ: “Tôi luôn nghĩ rằng mình đang làm việc vì gia đình, vì tương lai của con cái. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng việc không dành thời gian cho con lại có thể gây ra những vấn đề lớn như thế. Con bắt đầu có những biểu hiện lạ: thường xuyên chơi game, ít giao tiếp với bố mẹ và không muốn nói chuyện."
Vấn đề trở nên nghiêm trọng khi anh phát hiện con trai mình trốn học, đi chơi với bạn bè. Một lần khác, khi anh yêu cầu con tắt game để học bài, con đã nổi giận và bỏ ra ngoài, không trở về cho đến tận đêm muộn. Cảm giác bối rối và lo lắng trong lòng anh càng tăng lên, không biết phải làm sao để kéo con trở lại.
Bí quyết đơn giản để kiến tạo mối quan hệ hòa hợp
Trên đây là 2 trong số rất nhiều câu chuyện được chia sẻ tại chương trình “Kiến tạo cuộc đời mới - Đường về hạnh phúc” do Học viện Minh Trí Thành tổ chức trong 2 ngày 12 -13/04 vừa qua tại Hà Nội.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh cho biết, hiện nay rất nhiều bậc cha mẹ bị “mất kết nối” với con. Họ lo lắng vì con không nghe lời, ngày càng xa cách, không muốn trò chuyện với mình.
Theo nữ chuyên gia, ngày bé đứa trẻ nào cũng quấn quýt, yêu thương cha mẹ nhưng khi trưởng thành thì khoảng cách giữa con và cha mẹ càng lớn. Đặc biệt là trong giai đoạn dậy thì, các con cần không gian riêng, cần sự tôn trọng, và cần cha mẹ lắng nghe hơn là ra lệnh hay yêu cầu. Khi cha mẹ bắt đầu áp đặt, cố gắng kiểm soát hay chỉ trích, chính là lúc mối quan hệ bắt đầu rạn nứt.
“Vậy nên con không phải vấn đề của cha mẹ mà chính cha mẹ mới là vấn đề của con. Con không muốn gần gũi với cha mẹ bởi ở gần cha mẹ, con không có cảm giác thoải mái, an toàn.
Cách nuôi dạy không cho phép sai lầm, kiểm soát quá mức hay gán cho con những “nhãn tiêu cực” lại vô tình làm tổn thương và kìm hãm con. Những ký ức tổn thương và những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ có thể trở thành sợi dây vô hình kìm hãm con. Một lời trách móc, những áp lực so sánh… tất cả sẽ in sâu và gieo trong con cảm giác tự ti, sợ hãi, lâu dần đánh mất niềm tin vào chính bản thân. Con lớn lên về thể xác nhưng trong tâm trí, niềm tin giới hạn vẫn giữ con ở lại trong bóng tối của nỗi sợ”, cô Lanh nói.
Chuyên gia Nguyễn Thị Lanh chia sẻ tại chương trình
Để kết nối lại với con, chuyên gia Nguyễn Thị Lanh cho hay, cha mẹ nên học cách làm bạn với con, bắt đầu từ việc dành thời gian lắng nghe một cách cởi mở. Hãy đặt mình vào vị trí của con, hiểu các nhu cầu, mong muốn và cảm xúc mà chúng đang trải qua.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần học cách tôn trọng sự tự do và không gian riêng của con cái. Việc cho quyền quyết định, ghi nhận và khuyến khích những lựa chọn của con sẽ giúp tăng cường sự gắn kết. Khi con cái cảm nhận được sự tin tưởng và tôn trọng từ cha mẹ, chúng sẽ tự nguyện và dễ dàng chia sẻ những điều trong lòng.
Bên cạnh đó, cô Lanh cũng khuyến khích cha mẹ đừng ngại việc thể hiện tình yêu thương đối với con, dù có thể có những lúc con phản ứng hoặc từ chối. “Chỉ khi cha mẹ thực sự hiểu con, không phán xét hay đổ lỗi, thì mối quan hệ giữa cha mẹ và con mới có thể phát triển bền vững” cô Lanh chia sẻ.
"Kiến tạo cuộc đời mới – Đường về hạnh phúc" là chương trình phát triển tư duy với sự tham gia của gần 1.500 người đến từ mọi miền đất nước và từ nước ngoài trở về. Trong 2 ngày diễn ra chương trình (12-13/4), các học viên đã được chuyên gia trị liệu tâm trí Nguyễn Thị Lanh cùng đội ngũ chuyên gia hướng dẫn các phương pháp để chữa lành nội tâm và hiểu về chính mình, giải phóng cảm xúc tiêu cực, chữa lành mối quan hệ với bản thân, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với con cái…