Nhà hát Lớn Hà Nội (HN) vừa tổ chức họp báo giới thiệu tháng kịch nói với chủ đề Còn mãi với thời gian. 11 vở diễn có chất lượng sẽ được biểu diễn tại đây. Nhiều khán giả băn khoăn về tiêu chí để vở diễn được “bước chân” vào “thánh đường” nghệ thuật Hà Nội.
Tháng Tám - tháng của kịch nói
Còn mãi với thời gian là chương trình nằm trong dự án đưa nghệ thuật đỉnh cao vào Nhà hát Lớn Hà Nội do bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) khởi xướng.
Theo đó, 11 vở diễn được đến từ các nhà hát kịch uy tín như: Nhà hát Kịch Việt Nam, nhà hát Kịch Tuổi trẻ, nhà hát Kịch Công an Nhân dân, nhà hát Kịch Quân đội và nhà hát Kịch Hà Nội. Ban tổ chức chương trình cho biết, họ xem tháng Tám này là “tháng của kịch nói”, bởi những tác phẩm kịch nói xuất sắc đến từ các nhà hát của Thủ đô sẽ được trình diễn trên sân khấu của Nhà hát Lớn HN. 11 vở diễn Còn mãi với thời gian như: Cát bụi, Ai là thủ phạm, Bỉ vỏ, Kiều, Vòng phấn Kavka, Công lý không gục ngã,... sẽ lần lượt được biểu diễn tại Nhà hát Lớn HN bắt đầu từ 5/8/2017.
Bà Nguyễn Minh Nguyệt – Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội. |
Bà Nguyễn Minh Nguyệt – Giám đốc Nhà hát Lớn HN cho biết: “Theo chủ trương của Bộ trưởng bộ VH,TT&DL thì vào năm 2017, Nhà hát Lớn HN sẽ chào đón một số đoàn kịch nói cùng với các tác phẩm chất lượng của mình. Tháng 5/2017, các môn nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương đã được trình diễn và vào tháng Tám này thì các vở kịch nói sẽ được biểu diễn trên “thánh đường” của Nhà hát Lớn HN.
Lâu nay, sân khấu kịch nói vẫn bị coi là “áo gấm đi đêm”, nhiều người còn chưa biết đến các tác phẩm kịch nói. Vậy nên, việc các nhà hát đưa tác phẩm có chất lượng của họ đến Nhà hát Lớn HN như một cách tiếp thị tới đông đảo công chúng để thế hệ trẻ yêu sân khấu kịch nói hơn”.
Trước câu hỏi, chùm kịch lần này được gọi với cái tên Còn mãi với thời gian, nhưng có một số vở kịch mới được dựng như Kiều của nhà hát Kịch Hà Nội, vậy những vở kịch này được lựa chọn với tiêu chí gì? Sao lại gọi những vở kịch ấy là đỉnh cao?
Ông Đào Đăng Hoàn, Cục Phó cục Nghệ thuật Biểu diễn (bộ VH,TT&DL) cho biết: “Thật ra, khi ngồi họp bàn chúng tôi đã lấy tiêu chí là các vở kịch có chất lượng, được khán giả đánh giá cao về mặt nghệ thuật và cảm xúc, có thời gian sống trong lòng khán giả. Lúc đó, có ý kiến cho rằng, chúng tôi nên chọn tên Những vở kịch đi cùng năm tháng – nhưng nó lại trùng với chương trình Bài ca đi cùng năm tháng. Vì vậy, chúng tôi lấy cái tên Còn mãi với thời gian – đó là những vở kịch có chất lượng về nội dung và nghệ thuật tốt”.
Ông Hoàn cho biết thêm, tháng kịch nói có sự góp mặt của các vở kịch mới dựng là có lý do của nó. Chủ trương của bộ VH,TT&DL là tạo điều kiện cho tất cả các nhà hát trong cả nước có những vở kịch chất lượng tốt được trình diễn tại Nhà hát Lớn HN.
“Những vở kịch trình diễn lần này sẽ được đầu tư hơn về mặt nghệ thuật. Chúng sẽ giới thiệu tới công chúng vẻ đẹp “lấp lánh” của kịch nói. Theo đó, mỗi nhà hát kịch đều có hội đồng nghệ thuật và Giám đốc các nhà hát này sẽ chịu trách nhiệm về mặt nghệ thuật, nội dung của vở diễn chứ không phải cục Nghệ thuật Biểu diễn”, ông Hoàn chia sẻ.
11 “nàng công chúa” chờ đánh thức
Tiếp lời ông Đăng Hoàn, NSƯT Chí Trung – Giám đốc nhà hát Tuổi trẻ cho biết: “Nhiều năm nay, ngành sân khấu kịch nói rơi vào tình trạng “ngủ đông”, bởi khán giả không mặn mà với việc đến các nhà hát xem kịch nói. Nếu nói văn hóa là một sản phẩm thì kịch nói là mặt hàng được xếp xuống dưới cùng.
Điều này khiến những người làm nghề như chúng tôi rất buồn. 11 vở diễn lên sân khấu Nhà hát Lớn HN lần này là tâm huyết của nghệ sĩ ở các nhà hát. Vào tháng Tám này, chúng tôi sẽ được “sống” cùng các vở kịch của mình trên “thánh đường” Nhà hát Lớn HN”.
Trả lời câu hỏi, có sự “san bằng cào phẳng” các vở diễn để vào Nhà hát Lớn HN không, vì tiêu chí các vở diễn vẫn là do các nhà hát kịch đưa lên? NSƯT Chí Trung bày tỏ: “Không có chuyện “san bằng cào phẳng” các vở diễn, 11 vở diễn lần này sẽ giống như 11 cô công chúa đang ngủ say và chờ đợi khán giả là những chàng hoàng tử đến đánh thức. Bởi, nếu không có khán giả là cánh tay nối dài, giới thiệu tác phẩm của chúng tôi, thì kịch nói vẫn mãi ở tình trạng “ngủ đông”.
Nhiều người nói với tôi rằng, họ ở Hà Nội nhưng chưa từng đặt chân đến các nhà hát để xem kịch nói. Đó là một sự thiệt thòi. Chúng tôi còn đau lòng hơn khi có người nói rằng, họ thà ngồi ở nhà xem tivi còn hơn là đến nhà hát kịch xem tác phẩm trên sân khấu...”.
Một cảnh trong vở Ai là thủ phạm của nhà hát Tuổi trẻ. |
Chia sẻ về cảm xúc khi các vở kịch được diễn tại Nhà hát Lớn HN, NSƯT Xuân Bắc – Phó Giám đốc nhà hát Kịch Việt Nam cho hay: “Chúng tôi – những lãnh đạo của các nhà hát rất vui khi “đứa con” tinh thần của mình được diễn tại Nhà hát Lớn HN – nơi mơ ước của các diễn viên khi đứng trên sân khấu. Nếu tác phẩm của chúng tôi đang đạt 90% thì vào Nhà hát Lớn HN sẽ là 98% về mặt nghệ thuật, vì ai cũng muốn mình diễn tốt nhất. Để có những tác phẩm còn mãi với thời gian thì cần phải có thời gian để kiểm chứng”.
“Ai cũng cần có tài chính để trang trải cuộc sống, công việc của mình, vì thế bộ VH,TT&DL, Nhà hát Lớn HN và các nhà hát kịch đang dựa vào nhau. Mọi người cố gắng tạo thành một thể thống nhất để quảng bá, giới thiệu nghệ thuật kịch cho những người yêu kịch hoặc chưa biết đến kịch.
Có khán giả 70 tuổi nói với tôi rằng, tôi sinh ra và lớn lên ở làng Bưởi, ngay Hà Nội mà chưa từng được xem kịch nói. Bởi thế, chúng tôi muốn quảng bá nhiều hơn nữa để khán giả biết đến và ủng hộ ngành nghệ thuật sân khấu. Chúng tôi ra Nhà hát Lớn HN diễn không phải là để kiếm tiền mà chỉ muốn chuyển đi thông điệp: Mọi người hãy đến xem kịch nói đi, hay lắm!...” – NSƯT Xuân Bắc thẳng thắn.
Khi được hỏi, thông thường, các đơn vị để được vào Nhà hát Lớn HN sẽ phải bỏ một số chi phí nhất định, vậy lần này 5 nhà hát có phải mất phí để biểu diễn không? Bà Minh Nguyệt bộc bạch: “Trong 5 nhà hát biểu diễn tại Nhà hát Lớn HN lần này có nhà hát Kịch Việt Nam và nhà hát Tuổi trẻ thuộc bộ VH,TT&DL.
Hằng năm, ngân sách các nhà hát này chi trả cho Nhà hát Lớn HN là 30 triệu đồng, vì thế 2 nhà hát này không phải trả tiền. 3 nhà hát còn lại gồm nhà hát Kịch Hà Nội, nhà hát Kịch Công an Nhân dân và nhà hát Kịch nói Quân đội đều được mời đến Nhà hát Lớn biểu diễn nên không mất tiền”.
Lạc Thành
Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật số 93