(ĐSPL) - Một khu đô thị mới với hơn 100 căn nhà được xây dựng không phép ngay tại quận 9 (TP HCM), vậy mà khi hỏi ông chủ tịch UBND phường lại không hay biết và tỏ ra rất mơ hồ.
Trong vai một người tìm mua đất để xây nhà ở, chúng tôi được anh Thanh làm nghề môi giới nhà đất dẫn đến khu vực phía sau nhà thờ Long Thạnh Mỹ, thuộc ấp 1, phường Long Thạnh Mỹ, quận 9. Bởi, theo anh Thanh, khu vực này giá bất động sản hợp với túi tiền chúng tôi đưa ra.
Chạy xe máy xen qua mấy con hẻm nhỏ hẹp, chúng tôi đến trước khu vực có tên gọi là đồi Tràm. Theo quan sát, khu vực này có khoảng 100 căn nhà nhỏ nằm bên phải con đường đất số 17 hướng lên đồi. Xuyên suốt khu nhà là một con đường nhỏ rộng chừng 2m và những căn nhà cao thấp, lồi sụt, san sát nhau có chiều ngang chừng 3,5m và chiều dài 13m. Theo anh Thanh, người dân sống khu vực này phần lớn là những gia đình nghèo, thập phương tứ xứ.
|
Con đường chính vào khu phố |
Đến trước một căn nhà có treo bảng ghi “bán nhà”, chúng tôi được chủ nhà mở cửa mời vào coi nhà và xem giấy tờ. Chị Nguyễn Thị Tuyết Linh, chủ nhà cho biết: “Em cất nhà này cũng được vài năm rồi, hiện đang làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng”. Đưa cho chúng tôi xem một bản hợp đồng mua bán đất được viết bằng tay, một bản vẽ hiện trạng vị trí có đóng dấu của phòng Tài nguyên và Môi trường quận 9 và một quyết định về việc điều chỉnh cấp số nhà của quận, chị Linh khẳng định: “Ở đây, nhà em thuộc dạng có giấy tờ đầy đủ nhất, còn những nhà khác không có giấy như của em đâu. Nếu anh muốn có đầy đủ giấy tờ thì chờ 2 tháng nữa, nhưng giá cao hơn một chút. Trước đây, em phải lo 20 triệu để xây được căn này”.
|
Một bản vẽ hiện trạng vị trí có đóng dấu của phòng Tài nguyên và Môi trường quận 9 |
Sau khi chúng tôi từ chối mua nhà và đất của chị Linh với lý do không đủ tiền, anh Thành gọi điện thoại cho một người đàn ông tên Cường. Theo anh Thanh, ông Cường là thổ địa ở khu vực này. Trước đây, khi khu này chưa có nhiều người đến mua đất xây nhà, ông Cường đã ở đây và cũng từng làm đầu nậu cho nhiều căn nhà xây lên rồi bán. Chính vì thế, ông Cường nắm rất rõ các ngóc ngách, thủ tục cũng như mối quan hệ với chính quyền.
|
Hợp đồng mua bán đất được viết bằng tay |
Không mấy khó khăn, chúng tôi được anh Thanh đưa đến nhà ông Cường nằm ở sát khu vực. Tại đây, chúng tôi được dẫn đến một bãi đất trống. Theo ông Cường, đất khu vực này kê khai năm 1999, chưa có sổ, nếu thoả thuận mua bán xong thì dẫn nhau ra UBND phường làm thủ tục chứng nhận việc mua bán.
Khi được hỏi, đất không có sổ và chưa chuyển nhượng được mục đích sử dụng thì có xây nhà ở được không? Ông Cường nói như “đinh đóng cột”: “Anh yên tâm đi, mua xong, chiều nay tôi chạy qua quận làm một cái là có người xuống đo vẽ ngay và nếu cần thì sáng ngày mai cũng có thể bắt đầu xây được”.
Cũng theo ông Cường, quy trình ở đây là xây nhà xong, làm thủ tục đăng ký số nhà tạm, sau đó khai báo tạm trú với công an khu vực một năm, tiếp theo là chuyển khẩu về rồi mới làm giấy chứng nhận sau.
Để tạo thêm niềm tin, ông Cường chỉ cho chúng tôi 2 căn nhà đang xây tại khu vực này và những căn nhà khác đã có người ở. Ông nói, đây là những căn nhà cũng chưa có giấy tờ gì hết, chỉ có giấy tay chứng nhận mua bán của phường xác nhận thôi.
“Nếu người ta làm thì phải lo 20 triệu để được xây một căn nhà cấp 4, còn giao tôi làm thì giá 17 triệu đã xây được nhà cấp 4 và 25 triệu xây nhà có gác lửng. Đảm bảo chỉ lo một lần là xong, không có người nào (thanh tra xây dựng, cán bộ địa chính phường – PV) vào kiểm tra nữa hết”, ông Cường nói khi chúng tôi hỏi giá cả chung chi để được xây dựng trái phép.
Để tìm hiểu rõ sự việc, chúng tôi ghé “nhà đất Sáu Điếu” tại góc đường Nguyễn Xiển và đường 24. Tại đây, ông Nguyễn Văn Biếu cho biết : “Khu vực đó không có giấy tờ gì cả, chủ yếu là tự phát, phải lo lót cho chính quyền rồi mới xây được, nhưng vấn đề giấy tờ sau này thì hơi khó”.
|
Nhà không giấy tờ, không được cấp phép vẫn ngang nhiên xây dựng |
Trao đổi về thủ tục xin phép xây dựng trên đất chỉ mới kê khai chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng, chính quyền có cấp phép xây dựng tạm thời cho người dân hay không?. Một thanh tra viên sở Xây dựng TP HCM thuộc đội Quản lý khu vực quận 9 cho biết: “Trước đây, người ta cho phép, nhưng khoảng từ năm 2009, chị Liên (bà Đặng Thị Hồng Liên, hiện là chủ tịch UBND quận 9) đã cấm các trường hợp đó”.
Được biết, khu vực này nằm khuất phía sau nhà thờ Thiên chúa giáo, gần bờ tường quân đội, và việc xây nhà không phép đã và đang tồn tại, tạo lên một khu phố sầm uất với hơn 100 căn nhà. Vậy nhưng khi chúng tôi trực tiếp gặp ông Cao Văn Hoàng, chủ tịch UBND phường Long Thạnh Mỹ, một người có thời gian công tác tại chính nơi đây hơn 7 năm lại như người trên trời rơi xuống khi trả lời: “Tôi không biết. Số liệu ở các bộ phận chuyên môn, để tôi hỏi rồi cung cấp thông tin cho anh sau”.