Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Khu đô thị có nhiều "đầu gấu": Dân cắn răng chịu đựng, trách nhiệm của Chủ tịch và Trưởng CAP Hoàng Liệt ở đâu?

(DS&PL) -

Để các "thế lực đen" tồn tại khiến người dân bất an, vậy trách nhiệm của Chủ tịch UBND và Trưởng CA phường Hoàng Liệt ở đâu?

Khu đô thị Linh Đàm thuộc địa bàn phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội trong nhiều năm qua luôn diễn ra tình trạng ô nhiễm môi trường, bất ổn về an toàn giao thông và trật tự đô thị, nguy cơ gặp phải những rủi ro từ dân "anh, chị" thường xuyên tranh giành địa bàn khiến người dân vô cùng bức xúc. Để các "thế lực đen" tồn tại khiến người dân bất an, vậy trách nhiệm của Chủ tịch UBND và Trưởng CA phường Hoàng Liệt ở đâu?

Liệu có "lợi ích nhóm", bảo kê?

Phóng viên báo Đời sống & Pháp luật trực tiếp thâm nhập Khu đô thị Linh Đàm để kiểm chứng lại những phản ánh trên của người dân hiện đang sinh sống ở đây. Bên cạnh đó, ngoài các khu dân cư vốn đã có từ lâu đời và đã xuống cấp và các khu biệt thự, chỉ tính riêng 12 tòa nhà chung cư cao tầng mọc lên san sát mà chỉ có một hầm để xe. Điều này khiến những người dân sinh sống ở đây không đủ chỗ để gửi hay đỗ xe.

Nhếch nhác, lộn xộn là vậy nhưng từng đó vẫn chưa phải là hết, người dân ở đây còn bức xúc với tình trạng trên địa bàn xuất hiện nhiều ổ nhóm anh chị tranh giành địa bàn hoạt động, tiềm ẩn nguy cơ mất ANTT nhưng chưa được xử lý triệt để.

Chính vì lượng dân cư tăng đột biến khiến các khu trông giữ xe bị quá tải khiến những người dân sống ở khu đô thị Linh Đàm thuộc địa bàn phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội không có chỗ để gửi xe. Dù việc trông giữ xe chỉ là tự phát nhưng điều đáng nói ở đây là việc, các bãi xe đều có người đi kiểm tra, đối chiếu sổ sách.

Điều này đặt ra một nghi vấn liệu rằng ở đằng sau đó là một nhóm lợi ích? Theo nguyên tắc, việc đi lại của người dân hay bố trí chỗ để xe đúng quy định là phải do cơ quan chức năng có thẩm quyền quyết định. Nhưng ở Linh Đàm, một nhóm “anh chị” tự cho mình quyền quyết định. Ai để xe chưa đúng bãi, thì họ bắt cho xe vào bãi. Ai có ý định để xe ở lòng đường, vỉa hè mà không trả tiền thì rất dễ gặp phải những sự "cảnh cáo ngầm" của họ. Điều đáng nói, một người dân, cũng là một nhà báo làm mảng pháp luật, người không chấp nhận hành vi thu tiền trái pháp luật, từng bị một dân “anh chị” rút hung khí tấn công.

Trong quá trình thâm nhập thực tế, phóng viên được chứng kiến tận mắt và nghe kể về hoạt động của dân “anh chị” với các hoạt động kinh doanh, từ quán trà đá vỉa hè đến những gánh rau. Để dằn mặt các hàng quán, mà chủ yếu là người dân ngoại tỉnh, dân “anh chị” thường đi thành nhóm đông. Trước sẽ đe dọa tinh thần, sau sẽ sẵn sàng đụng tay đụng chân.

Khu đô thị Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội)

Các "thế lực đen" có từ đâu?

Qua tìm hiểu của PV từ chính những người dân bàn địa, gốc Linh Đàm cũng như những cư dân mới đến vài năm gần đây thì thực trạng dân "đầu gấu", "các thế lực đen" xuất hiện ở địa bàn này mới chỉ diễn ra khi các tòa chung cư cao tầng của đại gia Thanh Thản được xây dựng và đưa vào sử dụng, mà người ta vẫn hay gọi với cái tên "đại gia điếu cày".

Doanh nghiệp của "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản về đây xây dựng 12 tòa chung cư cao tầng tại khu Linh Đàm nhưng hầu hết đều xây dựng sai phép, sai mật độ, phá vỡ quy hoạch, vi phạm luật Đất đai, luật Xây dựng. Doanh nghiệp thì bất chấp pháp luật, làm đủ mọi cách để thu lợi nhiều nhất. Người dân, khách hàng thì chủ yếu là tầng lớp trung bình hoặc dưới mức đó, chắt bóp, vay mượn để mua nhà.

Dù mắc nhiều sai phạm gây phá vỡ quy hoạch, vi phạm luật Đất đai, luật Xây dựng nhưng các căn hộ nơi đây đã được bán hết còn doanh nghiệp thì đã thu hết tiền. Thế nhưng, những hệ lụy thì ngày càng nhiều và cư dân sinh sống ở đây là những người phải gánh chịu tất cả.

Những con người "thấp cổ, bé họng" không làm được giấy chứng nhận cho chính căn nhà mình đang ở, phải sống trong một khu đô thị lộn xộn, mất ATGT, mất ANTT, thường xuyên sống trong nỗi sợ hãi khi những "thế lực đen" và "dân anh chị" liên tục hoành hành.

Không biết đã bao người sinh sống tại nơi đây cầu cứu đến ông Thản, nhưng rồi cũng chỉ biết tự than và thở dài ngao ngán... Doanh nghiệp phá vỡ quy hoạch, xây dựng sai phép, dẫn đến mật độ dân cư của địa bàn đông đến mức dân số ngang với cả một quận.

Áp lực giao thông rất lớn, hạ tầng giao thông quá tải, phương tiện cá nhân của người dân không có chỗ để... Tình trạng quá tải trên cũng dẫn đến quá tải của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như cơ quan đảm bảo pháp luật. Lãnh đạo phường Hoàng Liệt và lực lượng công an phường Hoàng Liệt cũng phần nào trở thành quá mỏng, quá tải trong kiểm soát tình hình.

Tổng hợp những yếu tố khách quan và chủ quan trên vô tình tạo điều kiện, môi trường lý tưởng cho "dân anh chị", "các thế lực đen" hoạt động từ giấu mình cho đến công khai. Lợi dụng sự quá tải trong quản lý của một số cơ quan chức năng, hàng loạt hoạt động phi pháp dưới bàn tay của "những thế lực đen" đã diễn ra một cách ngang nhiên.

Cơ quan chức năng “bế quan tỏa cảng”?

Đến đây, chắc hẳn nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi rằng các cơ quan chức năng ở đâu mà để thực trạng này diễn ra như vậy? Trong quá trình thâm nhập và tìm hiểu thực tế, PV báo Đời sống & Pháp luật đã nhận được nhiều quan điểm, sự chia sẻ có phần tiêu cực và thiếu niềm tin của cư dân nơi đây về lực lượng chức năng.

Có ý kiến cho rằng nhờ có người có chức quyền "chống lưng" nên "dân anh chị" mới thoải mái và lộng hành đến như vậy. Đương nhiên, đây cũng chỉ là những đồn thổi không có căn cứ nên Phóng viên cũng không tin rằng chính quyền địa phương lại có thể bị "những thế lực đen" chi phối.

Thế nhưng, các cụ đã có câu "không có lửa, làm sao có khói", trong quá trình quan sát nhiều ngày, PV ít nhiều thấy lực lượng ít nhiều có sự nể nang, làm ngơ cho các hoạt động của “dân anh chị” cũng như các hành vi vi phạm TTĐT, vi phạm ATGT. Thậm chí người ta dễ dàng nhìn thấy những “cử chỉ thân mật” giữa người thi hành pháp luật với “những thế lực đen” này. Điều này diễn ra vô tình dẫn đến sự hiểu lầm của người dân với cơ quan chức năng.

Thông tin một Phó Trưởng Công an phường Hoàng Liệt có liên quan đến những bãi trông giữ xe trái phép trên địa bàn khu đô thị, phóng viên đã liên hệ với công an phường nhiều ngày nhưng đơn vị này vẫn không có hồi âm và “cửa đóng then cài”.

Theo ghi nhận của phóng viên, sẽ thật thiếu công bằng nếu nói các vị lãnh đạo phường Hoàng Liệt đối có sự “bảo kê” hay “chống lưng” với hoạt động của dân anh chị. Bởi lẽ dù sao đây cũng chỉ toàn lời đồn của người dân và chưa ai thấy trực tiếp hay nắm trong tay "bằng chứng thép". Thế nhưng, nếu nói "các vị quan phụ mẫu" thiếu trách nhiệm, chưa làm hết trách nhiệm quản lý Nhà nước, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, thì chắc... không oan!

Để tình trạng trên diễn ra, việc xem xét trách nhiệm của ông Trần Huy Hoàng - Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt và Thượng tá Nguyễn Văn Thái - Trưởng CAP Hoàng Liệt là cần thiết.

Từ thực tế khu đô thị cho thấy Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt là ông Trần Huy Hoàng và Trưởng Công an phường Hoàng Liệt là Thượng tá Nguyễn Văn Thái có vai trò quan trọng nhất trong đảm bảo Trật tự đô thị, An toàn giao thông và An ninh trật tự ở địa phương đã không làm tròn trách nhiệm Nhà nước và nhân dân giao phó.

Trong quá trình xác minh "những lời đồn đại trên", phóng viên gặp phải khó khăn do UBND và Công an phường Hoàng Liệt đang có dấu hiệu “đóng cửa”, tránh né.

Việc "bế quan tỏa cảng" của các cơ quan chức năng khiến nhiều người đặt ra câu hỏi rằng có thực sự 2 vị này có đủ năng lực chuyên môn hay không. Phóng viên khi thực hiện bài viết này tin rằng là không. Bởi tìm hiểu qua nhiều kênh thông tin, chủ tịch UBND phường và Trưởng CA phường Hoàng Liệt đều được đánh giá là có năng lực, chuyên môn nghiệp vụ tốt. Vậy, vì sao sự phối kết hợp giữa 2 vị lãnh đạo được đánh giá là tốt, lại dẫn đến sự méo mó, nhếch nhác, mất ANTT tại khu đô thị Linh Đàm?

Câu hỏi này chúng tôi xin nhường phần trả lời cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Nhóm PV

Bài đăng trên ấn phẩm báo giấy Đời sống & Pháp luật số 112

Tin nổi bật