(ĐSPL) - Việc Mỹ tiến hành các cuộc không kích ở Iraq có thể trì hoãn, nhưng sẽ không làm thay đổi chiến lược “xoay trục” sang Châu Á-Thái Bình Dương.
Đó là nhận định của một bài xã luận đăng trên trang web của Đại công báo ở Hong Kong.
Vào ngày 7/8, Tổng thống Barack Obama tuyên bố Mỹ sẽ bắt đầu tiến hành các cuộc không kích ở Iraq chống lại nhóm “Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria” (ISIS), một nhóm thánh chiến Hồi giáo Sunni tuyên bố có thẩm quyền tôn giáo đối với tất cả các tín đồ Hồi giáo trên toàn thế giới.
|
Biện minh cho các cuộc không kích ở Iraq, Tổng thống Obama nói rằng nước Mỹ phải hành động vào thời điểm này để "ngăn chặn nạn diệt chủng"... |
Biện minh cho các cuộc không kích ở Iraq, Tổng thống Obama nói rằng nước Mỹ phải hành động vào thời điểm này để "ngăn chặn nạn diệt chủng", bảo vệ các nhà ngoại giao và cung cấp viện trợ nhân đạo cho những người tị nạn đang bị mắc kẹt ở miền bắc Syria, khi phiến quân ISIS tiến đánh thủ phủ Irbil của người Kurd trong khu vực.
Tính đến ngày Chủ Nhật vừa qua (10/8), ba đợt không kích đã được thực hiện và Tổng thống Obama từ chối đề ra một thời gian biểu cụ thể cho hành động quân sự này. Ông Obama nói rằng ông sẽ không cho phép Mỹ bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh ở Iraq lần nữa, kể từ khi rút tất cả quân đội khỏi Iraq trong năm 2011.Tuy nhiên, Tổng thống Obama cũng nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục ngăn chặn, không để cho những kẻ khủng bố có một nơi trú ẩn an toàn.
Đại công báo viết người Mỹ tin rằng họ phải không kích ngay bây giờ để ổn định tình hình chính trị ở Iraq, khi ISIS được cho là còn nguy hiểm hơn Taliban vì có trong tay vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có vũ khí hóa học.
Tuy nhiên, theo Đại công báo, kể từ khi ông Obama giành giải Nobel hoà bình năm 2009 cho quyết định rút quân đội Mỹ khỏi Trung Đông, chiến lược của Mỹ rõ ràng đã chuyển sang khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và không có gì xảy ra ở Trung Đông có thể thay đổi điều này.
Chiến lược "tái cân bằng” ở Châu Á của Tổng thống Obama đã được phản ánh trong chuyến thăm châu lục này hồi tháng Tư, khi ông tuyên bố rằng Mỹ sẽ bảo vệ Nhật Bản nếu cần thiết trong tranh chấp lãnh thổ đang diễn ra với Trung Quốc ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông. Mỹ cũng đã tiến hành tập trận quân sự với Hàn Quốc và gần đây đã ký một hiệp ước tăng cường phòng thủ với Philippines, nước đang bị lôi kéo vào một cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông.
Rõ ràng, thông qua hành động, Mỹ đang coi Trung Quốc là đối thủ lớn nhất, mặc dù kể từ khi tuyên bố chiến lược “xoay trục” sang Châu Á, Washington vẫn không thể không can dự ở Trung Đông. Trong năm nay, Mỹ lại còn phải “bận rộn” với cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Ukraina, bắt đầu vào tháng Hai khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Tuy Trung Đông và Ukraina đã trở thành hai điểm nóng, nhưng điều này cuối cùng cũng sẽ không làm hỏng kế hoạch ban đầu của Washington ở châu Á. Khả năng kiềm chế của Mỹ ở Biển Hoa Đông và việc Mỹ kêu gọi ngừng các "hành động khiêu khích" ở Biển Đông cho thấy rằng Washington có ý định “hoàn thành nhiệm”ở Trung Đông và Ukraina, trước khi tái tập trung trở lại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Liệu Washington có đạt được mục tiêu đề ra ở Châu Á?
Đại công báo lưu ý rằng sau khi tái đắc cử, Tổng thống Obama đã mất quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ từ năm 2012.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hồi tháng 5/2014, cựu Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney cho rằng ông Obama là là tổng thống "yếu nhất" trong số các vị tổng thống Mỹ mà ông từng chứng kiến trong đời.