Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Khoảng lặng phía sau nghề đạo diễn: Chấp nhận rủi ro, đánh đổi cả sự nghiệp để thỏa đam mê

(DS&PL) -

Trong suy nghĩ của nhiều người, đạo diễn phim được ví như “tổng quản” quyền năng khi họ được chỉ đạo, thị phạm người khác theo ý mình.

Trong suy nghĩ của nhiều người, đạo diễn phim được ví như “tổng quản” quyền năng khi họ được chỉ đạo, thị phạm người khác theo ý mình. Nhưng, ít ai biết rằng, ẩn sau những thước phim hấp dẫn, lôi cuốn trên màn ảnh là những giây phút giằng co, đấu tranh trong tư tưởng, thậm chí đôi khi còn chấp nhận đánh đổi cả sự nghiệp của người “cầm trịch”.

“Ông vua” phim trường

Không phải con nhà nòi, cũng chẳng được đào tạo bài bản về điện ảnh, nhưng 16 năm lăn lộn với nghệ thuật đã đem lại cho Huỳnh Tuấn Anh những kinh nghiệm quý báu khi bén duyên với nghiệp đạo diễn phim. “Với tôi, nghề đạo diễn phim điện ảnh nhiều may mắn, nhưng cũng lắm đắng cay. Vốn dĩ được xem là "con chiên" ngoại đạo của “ngôi đền” điện ảnh, nên bước đầu tôi gặp không ít thử thách với nghề.

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh.

Hơn nữa, ở môi trường điện ảnh nước ta, cái khó nhất của kẻ ngoại đạo chính là rào cản về cái nhìn của giới trong nghề về mình. Trong những giây phút ngỡ ngàng đầu tiên, người đạo diễn rất khó có được một ê-kíp ưng ý. Nếu không chèo lái cá tính của bản thân, thì lần đầu tiên sẽ bị nhạt nhòa và dễ trở thành tác phẩm của kẻ khác. Nhưng, may mắn tôi là người đi lên từ nghề viết và luôn tin vào cảm xúc nên tất cả mọi khó khăn rồi cũng trôi qua rất nhanh”, đạo diễn phim Lô tô tâm sự.

Trong khi đó, cái nghiệp đạo diễn phim lại đến với Mai Thế Hiệp ở thế... bất đắc dĩ. Anh kể: “Trước đây, tôi từng tuyên bố chắc nịch với bạn bè rằng “Không bao giờ có ý nghĩ sẽ làm đạo diễn phim”. Vốn dĩ, tôi mê diễn xuất và tổ chức sản xuất hơn là làm đạo diễn. Mặt khác, tôi không rành về kỹ thuật, máy móc nên nghĩ nếu làm đạo diễn sẽ không hỗ trợ được gì cho đoàn phim. Thế nhưng, người tính không bằng trời tính, tôi lại trở thành đạo diễn phim. Đó cũng là cái duyên rất tình cờ.

Ban đầu, tôi hỗ trợ sản xuất phim Có căn nhà năm nghe nắng mưa cho đạo diễn Bình Nguyên. Nhưng, khoảng hai tháng trước ngày bấm máy, bạn ấy khá hồi hộp và sợ khi đảm nhận vai trò đạo diễn cho bộ phim điện ảnh dài 90 phút với dàn nghệ sĩ khá gạo cội. Bạn ấy có ngỏ lời muốn tôi đồng đạo diễn. Khi đó, đã ở thế “đâm lao thì phải theo lao”, nên tôi nhận lời.

Sau khi bộ phim hoàn thành, tôi mới nhận ra, có những điều bản thân mình có thể làm được. Những thứ trước đây từng sợ hãi, lo lắng dần tan biến, vì tôi hiểu rằng làm đạo diễn không cần phải biết hết tất cả các yếu tố, bên cạnh họ luôn có ê- kíp hỗ trợ. Nhưng, đạo diễn là người kể chuyện, nên quan trọng nhất phải có cảm xúc, góc nhìn riêng để làm sao cho mạch phim hấp dẫn, lôi cuốn khán giả”.

Người ngoài cuộc nhìn vào đều chắc mẩm, đạo diễn là người “thét ra lửa”, bởi cứ hễ nhắc tới họ lại có câu cửa miệng “ông vua” phim trường. Vậy khi được ví như “ông vua”, những người trong cuộc sẽ nói gì?

Đạo diễn Lương Đình Dũng – “cha đẻ” phim Cha cõng con chia sẻ: “Người đạo diễn phải chịu trách nhiệm rất lớn khi thực hiện một bộ phim, nhưng có là “ông vua” trên phim trường hay không lại tuỳ thuộc vào quan điểm của mỗi người. Bản thân tôi không có suy nghĩ mình là vua. Bởi, khi làm việc cùng nhau thì phải tôn trọng lẫn nhau, bởi phim là sản phẩm tổng hợp.

Trên phim trường, tôi thấy mình là người phải chịu trách nhiệm khi mọi chuyện không ổn. Còn thực tế, tôi không có quan điểm đẩy mình quá lên, kiểu như tôi "quan trọng". Đó không phải bản chất con người tôi. Từng trải qua nhiều nghề trước khi bén duyên đạo diễn, nên tôi hiểu mọi người xung quanh mình và dễ chia sẻ hơn”.

Còn đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh vui vẻ khi mọi người gọi anh là “đạo diễn biết hút máu của nhân lực”. Nói về điều này, nam đạo diễn Đời cho ta bao lần đôi mươi thổ lộ: “Quyền lực cũng giống như một con dao. Mà chơi dao thì rất dễ đứt tay, nên người đạo diễn phải hiểu thật sự về uy quyền đó. Mỗi đạo diễn có một cách sử dụng quyền lực khác nhau. Nghệ thuật không thể áp đặt và đặc biệt với điện ảnh thì nghệ thuật lại là môn chơi phối hợp. Nếu người đạo diễn quá cứng nhắc, bảo thủ, áp đặt thì chẳng khác gì bạn đang giết chết sự cống hiến và cộng hưởng của đồng nghiệp. Đó là sự hoài phí chất xám của cộng sự.

Trước mọi vấn đề trong quá trình làm phim, tôi luôn đưa ra để lấy ý kiến chung của cả ê-kíp và nhào nặn nó thành của mình. Đó là một chọn lựa ưu tiên trong cách làm của bản thân tôi. Thật ra, không mất mát gì cả mà đó là những dấu cộng”.

“Canh bạc” cuộc đời

Được thỏa niềm đam mê thổi hồn vào nhân vật, truyền tải những câu chuyện đời nhân văn, ý nghĩa tới khán giả là niềm hạnh phúc của người đạo diễn. Thế nhưng, đằng sau những thước phim hấp dẫn, lôi cuốn trên màn ảnh, luôn ẩn dấu những giây phút giằng co, đấu tranh trong tư tưởng, thậm chí còn chấp nhận đánh đổi cả sự nghiệp của người đạo diễn.

“Thành công của một bộ phim là cuộc vui được chia đều cho mọi người trong ê- kíp. Thế nhưng, khi thất bại người nhận sự chỉ trích nặng nề nhất chính là đạo diễn. Trong một giây phút nào đó, sự thất bại sẽ khiến người “cầm trịch” chán nản và mất tự tin vào bản thân mình. Thậm chí, đôi khi, họ còn phải đánh đổi cả sự nghiệp của mình. Với nền điện ảnh Việt, sự thất bại của một đạo diễn thường được đánh giá trên doanh thu, nên trách nhiệm rất nặng nề và sự rủi ro cũng rất cao”, Huỳnh Tuấn Anh bộc bạch.

“Người đạo diễn luôn muốn kể cho khán giả những câu chuyện hay, thú vị, nhưng họ lại gặp áp lực về doanh thu. Thế nên, có những chuyện đạo diễn muốn kể, nhưng lại kén khán giả nên khó thực hiện. Điều này dễ khiến đạo diễn bị thỏa hiệp, chiều theo những gì khán giả mong muốn. Đó thực sự là cuộc đấu tranh rất gay gắt trong tư tưởng của những người làm đạo diễn”, đạo diễn Mai Thế Hiệp chia sẻ.

Nói về áp lực khi ngồi ghế chỉ đạo diễn xuất, đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết: “Sân chơi của điện ảnh Việt Nam rất rộng, còn nhiều cơ hội cho những ai muốn thử sức làm đạo diễn. Tuy nhiên, đây cũng là nghề mạo hiểm, bởi không phải làm phim ai cũng thành công đâu. Đầu tư tiền bạc, bán nhà và hoa màu, nhưng nếu phim thất thu thì phá sản như chơi”.

Đạo diễn Lương Đình Dũng trên phim trường "Cha cõng con".

Đạo diễn luôn muốn mang đến cho công chúng những bộ phim hay, những sản phẩm nghệ thuật hoàn hảo, nhưng trong điều kiện thực tế không dễ để làm được điều này. Đạo diễn Mai Thế Hiệp cho biết: “Quả thật, rất khó để cân bằng yếu tố doanh thu và nghệ thuật. Khó ở chỗ, nếu kể mãi những chuyện khán giả muốn thì dễ nhàm chán, cảm giác đạo diễn dễ dãi quá. Còn, những câu chuyện nhân văn lại kén khán giả, kéo theo doanh thu kém, khiến đạo diễn chán nản. Đây chính là điều tôi trăn trở nhất khi làm nghề”.

Nhìn vào các dự án phim với kinh phí đầu tư bạc tỷ nhiều người nghĩ, lương của đạo diễn hẳn rất khủng, thậm chí không ít ý kiến cho rằng, nghề đó dễ “hốt bạc”. Tuy nhiên, “ở trong chăn mới biết chăn có rận”. “Lương của đạo diễn Việt không nhiều như các bạn nghĩ đâu. Trừ những cái tên phòng vé bảo đảm chất lượng doanh thu thật sự, còn lại chỉ ở mức đủ sống. Một dự án điện ảnh có khi kéo dài ít nhất 6 tháng và người đạo diễn phải đeo bám với biết bao lao tâm khổ trí, số tiền sẽ tiêu tan theo từng đó thời gian. Quả thật, lương đạo diễn phải ăn tiêu dè sẻn mới có thể ở mức đủ sống”, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh nói.

Hà Linh

Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật Tháng số 39

Tin nổi bật