Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, phương tiện xe máy tại Việt Nam chiếm số lượng lớn, khoảng hơn 70 triệu xe; hàng năm trung bình tăng từ 10-15%. Đảm bảo an toàn giao thông xe máy là chủ đề rất thiết thực.
Qua phân tích nguyên nhân các vụ TNGT cho thấy, phương tiện xe máy gây ra trong 10 tháng đầu năm 2024 vẫn chiếm 60% tổng số các phương tiện gây tai nạn. Để phòng ngừa xe máy gây TNGT, lực lượng CSGT đã tập trung mở nhiều cao điểm để xử lý; tuy nhiên, cái chính vẫn là ý thức tham gia giao thông của người điều khiển xe máy cần được cải thiện hơn.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) phát biểu tại Hội thảo quốc tế "An toàn giao thông xe máy: Những thách thức và bài học kinh nghiệm"
"Nếu chúng ta không hành động, thách thức ngày càng lớn, không chỉ là 60% số vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy mà có thể còn gia tăng cao hơn khi việc chấp hành pháp luật của người điều khiển mô tô, xe máy không được cải thiện, tốc độ gia tăng phương tiện này không hạn chế...
Với bối cảnh hoạt động giao thông hỗn hợp như hiện nay, nếu chỉ trông chờ vào xử phạt của lực lượng chức năng và không có đột phá chiến lược thì không thể giải quyết được. Cần tiến tới lực lượng CSGT sẽ tập trung vào hướng dẫn, hỗ trợ người tham gia giao thông là chủ yếu. Thời gian qua, lực lượng CSGT đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đảm bảo TTATGT", Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung chia sẻ.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh, thời gian qua, lực lượng CSGT đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đảm bảo trật tự ATGT.
Trong đó, đã tập trung tham mưu cho Bộ Công an báo cáo Trung ương Đảng, Chính phủ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác đảm bảo TTATGT như: Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo TTATGT trong tình hình mới; Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đảm bảo TTATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới… Đây là những chỉ đạo, định hướng lớn của Trung ương Đảng, Chính phủ về công tác bảo đảm TTATGT; đồng thời huy động cả hệ thống chính trị tham gia bảo đảm trật tự ATGT.
Hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ; Cục CSGT đang chủ trì soạn thảo, hoàn thiện để trình Chính phủ và các Bộ ban hành các nghị định, thông tư để triển khai thực hiện Luật. Đây là những hành lang pháp lý rất quan trọng để nhân dân và lực lượng thực thi công vụ thực hiện.
Bên cạnh việc tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo, lực lượng CSGT đã tăng cường công tác tuyên truyền và xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến TNGT. Như: Lực lượng CSGT đã kiên trì, kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn, làm xuyên đêm, xuyên ngày nghỉ với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" để hình thành thói quen văn hóa "đã uống rượu bia, không lái xe".
Với các giải pháp quyết liệt như vậy, tình hình TTATGT đã có nhiều chuyển biến quan trọng. Tuy nhiên, nguy cơ vẫn luôn thường trực, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu để có các giải pháp đồng bộ.
Lực lượng CSGT xử phạt trường hợp trong độ tuổi học sinh vi phạm giao thông
Để khắc phục những hạn chế trong quản lý phương tiện xe máy, trong Luật TTATGT đường bộ, cơ quan chủ trì đã đề xuất một số quy định mới.
Theo đó, hiện đại hóa trung tâm chỉ huy giao thông; bảo đảm kết nối chia sẻ cơ sở dữ liệu về TTATGT đường bộ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan. Đây là một điểm mới trong chính sách của Nhà nước về đảm bảo trật tự ATGT đường bộ.
Cùng đó là các quy định về xây dựng, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự, ATGT đường bộ, từ quản lý an toàn kĩ thuật phương tiện, hoạt động của các phương tiện đến quản lý người điều khiển, đặc biệt là quản lý việc chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện, như điểm của Giấy phép lái xe…
Chính sách phát triển phương tiện giao thông công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, ưu tiên chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh, thân thiện môi trường, hạ tầng cung cấp năng lượng sạch.
Chính sách giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự ATGT đường bộ, hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh tại các cơ sở giáo dục trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hiện nay, cả nước có khoảng trên 4 triệu trẻ em, học sinh có độ tuổi từ 16-18 tuổi, điều kiện và thực tế các cháu sử dụng xe gắn máy rất phổ biến.
Luật quy định cho lực lượng CSGT phối hợp với các cơ sở giáo dục để hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn là một chế định hướng tới sự an toàn cho thế hệ tương lai của đất nước và để quản lý các cháu chấp hành quy định về pháp luật trật tự ATGT được tốt hơn.
Ông Trung cho biết thêm, lực lượng CSGT đang tập trung đảm bảo an toàn cho học sinh, chỉ trong đợt cao điểm đã xử lý khoảng 80.000 trường hợp. Cần tập trung xử lý vì đây là đối tượng dễ tổn thương, lấy hướng dẫn, giáo dục là chính khi xử lý.
Theo ông Trung, những vấn đề này cần truyền thông, định hướng. Khi có giải pháp bài bản sẽ có thế hệ học sinh chấp hành luật giao thông tốt hơn, giảm tai nạn hơn.
Bên cạnh đó, các quy định này không chỉ hoàn thiện về mặt pháp lý mà còn là nền tảng xây dựng một xã hội giao thông an toàn, văn minh. Chúng ta cần sự đồng lòng và hợp tác từ tất cả các bên, từ lực lượng chức năng cho đến từng người dân, nhằm tạo ra môi trường giao thông an toàn, giảm thiểu TNGT liên quan đến xe máy.