Theo Times of India, bà Mansi (50 tuổi) bị sốt cao kèm theo những cơn đau nhức cơ thể dữ dội. Đến ngày thứ 3 sốt cao không hạ, bà đi xét nghiệm sốt xuất huyết, COVID-19 và sốt thương hàn nhưng đều có kết quả âm tính. Cuối cùng, bác sĩ thực hiện một cuộc kiểm tra chi tiết và xác định người phụ nữ bị viêm phổi.
Được biết, viêm phổi là một thuật ngữ y khoa chỉ nhiễm trùng phổi. Đây là một trong những bệnh hay gặp nhất trong thực hành lâm sàng, cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nhập viện.
Một số triệu chứng điển hình của viêm phổi là khó thở, đau ngực và ho nhưng không phải trường hợp nào mắc bệnh cũng có những biểu hiện này. Trong những trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể phải nhập viện hoặc hỗ trợ oxy, thở máy.
“Triệu chứng của bệnh viêm phổi đa dạng từ nhẹ đến nghiêm trọng. Đôi khi bệnh nhân chỉ có các triệu chứng giống như cúm hay cảm lạnh thông thường. Người bệnh lớn tuổi có thể gặp một số triệu chứng như lú lẫn, thay đổi trạng thái tâm lý và nhiệt độ thấp. Bệnh nhân cũng có khả năng bị tiêu chảy hoặc đau ngực cục bộ”, bác sĩ Praveen Pandey – Trưởng khoa Phổi Bệnh viện Max (Patparganj, New Delhi, Ấn Độ) chia sẻ.
Một số triệu chứng điển hình của viêm phổi là khó thở, đau ngực và ho nhưng không phải trường hợp nào mắc bệnh cũng có những biểu hiện này. Ảnh minh họa: OSF Healthcare
Sốt là triệu chứng phổ biến nhất của nhiều bệnh truyền nhiễm và không lây nhiễm khác nhau. Trong giai đoạn đầu, đặc điểm của sốt không rõ ràng nên khá khó để xác định nguyên nhân gây bệnh nếu chỉ dựa vào triệu chứng này. Một số triệu chứng không đặc trưng khác gồm đau cơ, đau đầu, đau nhức cơ thể, mệt mỏi, đau họng.
Tuy nhiên, bác sĩ Rohit Kumar Garg – cố vấn tại khoa Bệnh truyền nhiễm Bệnh viện Amrita (Faridabad, Haryana, Ấn Độ) cho hay, những triệu chứng như ho, thở hụt hơi, đau ngực kiểu màng phổi, chán ăn có thể báo hiệu viêm phổi và người bệnh cần được đánh giá y tế.
Phân biệt viêm phổi với cúm, COVID-19, sốt xuất huyết
Viêm phổi, cúm, COVID-19 và sốt xuất huyết đều có một triệu chứng chung là sốt. Dù vậy, một số triệu chứng nhất định kèm theo sẽ cung cấp manh mối quan trọng về nguyên nhân gây sốt.
“Sốt khi mắc cúm và sốt xuất huyết thường cao và khởi phát đột ngột. Khi bị cúm, các triệu chứng đi kèm phổ biến gồm ho khan, đau cơ nghiêm trọng, các biểu hiện ở mũi, đau họng và nhức đầu. Trong khi đó, ở bệnh sốt xuất huyết, các triệu chứng đi kèm thường là đau cơ, đau nhức cơ thể, nhức đầu (nhất là vùng sau hốc mắt), phát ban…
Với COVID-19, sốt thường nhẹ và có thể đi kèm các triệu chứng như ho khan, đau cơ, đau đầu, bất thường về khứu giác/ vị giác, tiêu chảy, phát ban, viêm kết mạc… Các triệu chứng như ho, khó thở, đau ngực kiểu màng phổi có thể là dấu hiệu của bệnh viêm phổi”, bác sĩ Rohit giải thích.
Bác sĩ Shivanshu Raj Goyal – Chuyên gia tư vấn về hô hấp, khoa Phổi & Thuốc ngủ Bệnh viện Artemis (Gurugram, Haryana, Ấn Độ) cho biết thêm: “Viêm phổi giống như một bệnh nhiễm trùng phổi với màng trắng trên phim chụp X-quang ngực. COVID-19 là bệnh nhiễm virus, có thể phát triển thành viêm phổi hoặc không. Người bệnh chủ yếu bị ho, kèm theo sốt và giảm nồng độ oxy.
Cúm như cúm theo mùa, cúm lợn liên quan nhiều hơn đến đau họng, đau đầu, kèm theo đau nhức cơ thể. Trong khi đó, sốt xuất huyết chủ yếu đi kèm triệu chứng sốt, nhức đầu, đau nhức cơ thể. Tình trạng giảm số lượng tiểu cầu thường thấy sau khi bệnh nhất hết sốt, tuy nhiên không thể loại trừ khả năng mắc sốt xuất huyết dù số lượng tiểu cầu vẫn bình thường”.
Đối tượng có nguy cơ mắc viêm phổi cao
Nhóm người trên 65 tuổi và dưới 3 tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh viêm phổi. Các yếu tố nguy cơ khác gồm lớn tuổi, uống rượu, hút thuốc, các bệnh đi kèm như tiểu đường, bệnh tim, bệnh phổi mãn tính, tình trạng suy giảm miễn dịch, hoặc có yếu tố dịch tễ như từng tiếp xúc với một số sinh vật như chim, phân dơi, phân chim, nước bị ô nhiễm…, tình trạng tiêm chủng.
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh viêm phổi như virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng… “Nguyên nhân gây viêm phổi khác nhau đối với viêm phổi mắc phải tại cộng đồng và viêm phổi bệnh viện”, bác sĩ Rohit nói.
Tương tự các bệnh khác, phòng ngừa vẫn là điều quan trọng nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong liên quan tới viêm phổi. Dưới đây là một số biện pháp phòng bệnh có thể bảo vệ mọi người khỏi bệnh viêm phổi:
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ và uống đủ nước.
- Chú ý đi tiêm phòng. Tiêm phòng phế cầu khuẩn, virus cúm, SARS-CoV-2, vi khuẩn Hib, ho gà, bạch hầu, sởi, quai bị và Rubella được khuyến nghị cho tất cả người lớn. Tiêm vaccine phế cầu khuẩn được khuyến nghị cho người lớn có các yếu tố nguy cơ, bao gồm cả những người trên 65 tuổi.
- Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, không hút thuốc lá.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Kiểm soát tốt bệnh tiểu đường (nếu mắc).
- Tránh sử dụng các loại thuốc không được kê đơn cho mình.
Đinh Kim (Theo Times of India)