Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. HCM, ông T. khàn tiếng kéo dài 3 tháng. Ban đầu, ông nghĩ do viêm họng, viêm thanh quản nên mua thuốc uống nhưng triệu chứng không cải thiện. Giọng nói khàn nhiều hơn, khó lấy hơi để nói. Ông đến Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 khám.
Kết quả nội soi hoạt nghiệm thanh quản, chụp cộng hưởng từ (MRI) ghi nhận tổn thương thanh quản nghi ngờ ác tính, dây thanh trái sùi loét, sụn phễu sung huyết, sóng niêm mạc và rung động dây thanh giảm nhiều, đóng thanh môn hở. Kết quả sinh thiết ghi nhận ông T. ung thư biểu mô tế bào vảy xâm nhập độ 3. Ông T. có bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, rối loạn lipid máu, di chứng tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành mạn.
GS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy, Cố vấn Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. HCM và Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 cho biết, người bệnh ung thư thanh quản giai đoạn T2, khối u ở ⅓ dây thanh trái, xâm lấn mô ở hạ thanh môn.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. HCM.
Thông thường, điều trị ung thư thanh quản giai đoạn sớm thường phẫu thuật bằng tia laser cắt bỏ khối u trên mô mềm, ít chảy máu, không cần mở khí quản. Tuy nhiên, với người bệnh này, khối u đã xâm lấn mép hạ thanh môn nên cần phẫu thuật mở sụn giáp để cắt bán phần thanh quản, bảo tồn sụn phễu, kèm tái tạo dây thanh giúp bảo tồn một phần chức năng phát âm.
Vùng thanh quản là khu vực giải phẫu hẹp, nhiều mạch máu và thần kinh quan trọng, người bệnh nhiều bệnh nền, ekip cần kiểm soát chặt chẽ các chỉ số toàn thân, tính toán kỹ lưỡng từng bước để đảm bảo an toàn hô hấp và hiệu quả phẫu thuật, không chỉ loại bỏ vùng bệnh mà đảm bảo không di chứng.
BS.CKI Phan Quốc Thái, Khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. HCM cho biết, phẫu thuật viên thao tác trên đường thở – nơi có khối u. Nếu đặt ống nội khí quản theo đường miệng như thường lệ, ống sẽ đi xuyên qua vùng tổn thương vừa cản trở phẫu trường, vừa có nguy cơ mất kiểm soát đường thở trong quá trình phẫu thuật. Đảm bảo đường thở được thông khí liên tục và không ảnh hưởng phẫu trường của phẫu thuật viên, ekip quyết định mở một lỗ nhỏ ở đoạn trước của khí quản dưới mức tổn thương, sau đó đặt ống nội khí quản nhỏ để thông khí cho hai phổi qua lỗ mở khí quản này.
Sau khi mở khí quản, kíp bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt thanh quản bán phần. Khi vị trí và mức độ xâm lấn đã được đánh giá chính xác, GS Chung Thủy bóc tách khối u và phần thanh quản đã bị xâm lấn, lấy ra 4 mẫu bệnh phẩm (khối u ở dây thanh trái và các mô giới hạn phía trên, trước và dưới). Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy các vùng giới hạn quanh khối u không phát hiện tế bào ung thư, bảo tồn chức năng thanh quản cho người bệnh.
Ca phẫu thuật kéo dài hơn 3 giờ. Hậu phẫu, người bệnh được chuyển đến phòng hồi sức để theo dõi sát các chỉ số sinh tồn, kiểm soát đau và chăm sóc đường thở. Bác sĩ đặt ống thông dạ dày qua mũi giúp đưa thức ăn lỏng trực tiếp xuống dạ dày, tránh việc nuốt qua miệng trong giai đoạn đầu sau mổ. Bác sĩ dinh dưỡng xây dựng một phác đồ ăn uống qua ống, cá nhân hóa cho ông T.
Sau phẫu thuật, vết mổ lành thương tốt, sức khỏe ổn định, xuất viện sau 10 ngày hậu phẫu và được hẹn tái khám định kỳ để bác sĩ theo dõi. Ông T. được các bác sĩ hướng dẫn tập nói thời gian nằm viện, giọng nói khá rõ, người đối diện có thể nghe hiểu được.
Ông T. tuân thủ đúng lịch tái khám. Sau 2 tháng hậu phẫu, giọng nói ông T. cải thiện nhiều, ăn uống bình thường, thể trạng tốt.