Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Khám phá lễ hội chọi trâu, bò của đồng bào Mông ở miền Tây xứ Nghệ

(DS&PL) -

Hội chọi trâu, bò được tổ chức vào ngày mồng 2 Tết, tại xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.

Hội chọi trâu, bò được tổ chức vào ngày mồng 2 Tết, tại xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Đây là lễ hội của đồng bào Mông được hình thành từ xa xưa, trở thành nét văn hóa độc đáo, nhất là độ Tết đến Xuân về.

Những con trâu chiến thắng được trả giá hàng trăm triệu đồng

Cứ vào dịp đầu năm mới, tại huyện miền núi Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An lại tổ chức hội chọi trâu, bò.

Ông Lỳ Bá Và, nguyên Trưởng bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn là một trong những người thường xuyên đưa trâu tới tham gia dự thi cho biết, hội chọi trâu bò của đồng bào Mông được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những năm gần đây, phong trào nuôi trâu, bò của bà con phát triển mạnh và giao thông đi lại thuận lợi nên hội chọi trâu không chỉ trong phạm vi một xã mà còn có sự tham gia của bà con liên xã, có năm bà con nước bạn Lào cũng mang bò sang tham gia.

Sau khi thắng, trâu, bò nơi đây không bị xẻ thịt như những cuộc thi khác.

“Đối với người Mông nơi đây, hội thi trâu bò đầu năm vốn đã có từ rất xa xưa, là nét văn hóa độc đáo vào những ngày lễ, Tết. Mấy năm gần đây, để giúp người dân thêm kiến thức chăn nuôi, Ban tổ chức mới đề nghị thêm phần thi lý thuyết này”, ông Và nói.

Theo đó, hội thi diễn ra qua 2 vòng. Vòng đầu thi tìm hiểu kiến thức về chăn nuôi trâu bò khỏe, đẹp. Các chủ trâu, bò sẽ phải trả lời về kiến thức chăn nuôi, cách vệ sinh chuồng trại, bảo vệ gia súc, gia cầm. Ngoài ra, ở phần thi này trâu bò cũng sẽ được chấm thêm điểm về hình thể.

Quán quân trâu đẹp nhất ở huyện Kỳ Sơn vào năm trước là của anh Xồng Bá Rê, bản Mường Lống 2, xã Mường Lống. Trâu của Xồng Bá Rê thời điểm dự thi 7 tuổi, cân nặng 894kg đã vượt qua các vòng thi một cách xuất sắc, đạt giải nhất với phần thưởng 2 triệu đồng.

Con trâu của anh có cặp sừng, cong vút, 4 chân vững chãi, lông bóng mượt. Theo đánh giá của ban giám khảo, đây là con trâu to khỏe và đẹp nhất hội thi. Không chỉ đẹp, khi vào cuộc trâu của Bá Rê cũng hăng hái và dũng mãnh. Những cú húc, tì và hất của chú trâu này luôn khiến các đối thủ khác phải khiếp sợ.

Xồng Bá Rê cho hay: “Con trâu này được tôi mua từ Lào về với giá 55 triệu đồng. Hàng ngày, mọi người trong gia đình thay nhau vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, chăm sóc trâu. Ngoài ra, tôi còn trồng thêm sắn tươi để bổ sung nguồn thức ăn, nhờ đó nó phát triển rất tốt”.

Những lúc ở bản, xã tổ chức lễ hội chọi trâu, anh đều cho trâu tham gia. Và trong các cuộc thi, trâu của anh đều giành giải Nhất. Anh muốn cho biết, sau khi giành chiến thắng ở cuộc thi năm trước, có nhiều lái trâu mua với giá 110 triệu đồng nhưng gia đình không bán.

“Với chúng tôi, trâu bò giành thắng lợi trong hội thi là biểu trưng cho sức mạnh, tiếng tăm và sự giàu có của gia chủ. Sau một trận đấu, giá trị của con trâu bò thắng cuộc tăng lên nhanh chóng. Nhưng không vì thế mà chúng tôi bán chúng đi”, anh Rê nói.

Theo quan niệm, con trâu, con bò gắn bó với người Mông. Để bảo vệ cho mình và gia chủ, trâu bò thường xuyên đấu đọ sức với thú dữ... Vì vậy, người Mông chọn gỗ chắc, xẻ ván bưng làm chuồng và chăm sóc cẩn thận. Việc chọn và huấn luyện trâu, bò được thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau.

Tết là phải có chọi trâu

Sau phần thi trâu bò khỏe đẹp là hội thi chọi trâu, bò truyền thống. Đây cũng chính là màn hấp dẫn nhất thu hút đông đảo người theo dõi. Trâu bò được chủ dẫn vào sân đấu trong tiếng reo hò vang dậy của hàng nghìn khán giả.

Có trận diễn ra vỏn vẹn chưa đến 1 phút bởi sự dũng mãnh, nhanh nhẹn và mạnh mẽ của những con đã được huấn luyện, nhưng cũng nhiều trận diễn ra nảy lửa kéo dài 10 - 15 phút tạo nên không khí vô cùng sôi động.

Lễ hội chọi trâu, bò là nét truyền thống của người dân đồng bào Mông Nghệ An.

Theo người dân địa phương, để chọn được con đủ tiêu chuẩn rất khó. Một con trâu đẹp phải đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn như thân dài và to, lông đen tuyền, sừng hướng tiền, chân to, mắt nhỏ và nhô nom tựa ốc loa, móng khép, đuôi chấm kheo...

Bò cũng như vậy, nhưng khi tham gia chọi thì yêu cầu phải cùng “hạng cân”. Năm 2018, bò giành chiến thắng là của anh Già Bá Tồng, trú bản Huồi Xài, xã Na Ngoi. Chú bò này lông mượt, cặp sừng to khỏe và cong vút như bò tót, mông nở, chân trụ thấp nên xứng đáng giành giải Nhất.

Khi vào chọi, các đối thủ khác thấy nó đã bỏ chạy hoặc đấu nhưng bị thua bởi những cú tông thẳng, gài sừng hiểm hóc. Anh Già Bá Tồng cho biết, con bò này được anh mua về nuôi hơn 3 năm nay với giá 40 triệu đồng. Khi mua, anh nhờ những người có kinh nghiệm trong bản chọn hộ.

“Qua 3 năm đổ công sức chăm nuôi, chú bò mới có được thành tích như   vậy. Vừa thi đấu xong, có người trả giá ngay 60 triệu đồng này nhưng tôi nhất quyết giữ lại nuôi”, anh Tồng nói.

Ông Vừ Giống Dìa - Trưởng Ban tổ chức hội chọi trâu, bò xã Huồi Tụ lý giải: “Đối với đồng bào Mông, trâu bò là vật nuôi rất gần gũi với người. Nhất là trong những năm gần đây, việc nuôi trâu, bò đã trở thành phong trào phát triển kinh tế của đồng bào chúng tôi. Nuôi trâu bò không chỉ để tham gia hội chọi mà còn trực tiếp giúp bà con xóa đói giảm nghèo. Do vậy, những con thắng cuộc sẽ không bị giết thịt mà được bà con, coi đó là may mắn mang đến nhiều tài lộc cho dân bản trong năm mới”.

Ông Vi Hòe – Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết, lễ hội chọi trâu, bò ở Kỳ Sơn của đồng bào Mông được hình thành từ xa xưa. Đối với đồng bào dân tộc Mông, chọi trâu bò là nét văn hóa truyền thống và là ngày hội trong đời sống văn hóa tinh thần, thể hiện sự cần cù lao động, sáng tạo trong một năm làm việc vất vả.

“Nét độc đáo tại lễ hội là những chú trâu, bò chọi sau khi kết thúc cuộc thi sẽ được chủ nhân giữ lại để chăm sóc, dùng làm sức kéo, huấn luyện để mùa lễ hội năm sau trổ tài chứ không xẻ thịt như ở các cuộc thi khác. Bởi đây cũng là dịp để các chủ bò thể hiện khả năng trong quá trình chăn nuôi và huấn luyện bò chọi. Sau khi thắng, trâu, bò này sẽ được nhiều người tìm mua với giá cao gấp 2 lần so với bình thường, mang lại thu nhập cho người dân”, ông Hòe nói.   

Bí thư huyện tiết kiệm tiền lương mua bò tặng hộ nghèo

Thời gian gần đây, cán bộ, đảng viên huyện Kỳ Sơn cụ thể hóa Chỉ thị 17- CT/HU, về việc giúp đỡ hộ nghèo. Ông Vi Hòe - Bí thư Huyện ủy đã đi đầu tiết kiệm từ lương mua 1 con bò giống sinh sản trị giá 10 triệu đồng hỗ trợ gia đình bà Lương Thị Xai (SN 1941), là hộ đặc biệt khó khăn tại bản Bà, xã Hữu Kiệm. Cùng với việc tặng bò giống, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn còn đề xuất cán bộ hướng dẫn người dân về chăn nuôi, áp dụng các biện pháp khoa học để bò phát triển, sinh sản tốt. 


Anh Ngọc

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số Thứ 7 (52)

Tin nổi bật