Ngày 7/10, thông tin với PV Đời sống & Pháp luật, đại diện Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cho biết Tổng công ty vừa chính thức triển khai thực hiện khai thác dịch vụ giám sát không lưu tại Đài Kiểm soát không lưu Điện Biên.
Đây là cơ sở điều hành bay cuối cùng trực thuộc Công ty Quản lý bay miền Bắc tiến hành chuyển đổi phương thức điều hành bay sử dụng giám sát, áp dụng phân cách giám sát giữa các tàu bay là 5NM (phần kiểm soát tiếp cận).
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cho biết, dịch vụ giám sát không lưu được hiểu là một phần thiết yếu của hệ thống quản lý không lưu. Dịch vụ này sử dụng nhiều công nghệ giám sát khác nhau như ra đa, ADS-B, MLAT…để theo dõi và giám sát hoạt động bay trong một vùng trời nhất định. Dịch vụ này đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn và hiệu quả hoạt động bay.
Hiện khu vực sân bay Điện Biên được trang bị 2 nguồn giám sát là ADS-B Pha Đin và ADS-B Điện Biên, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật bảo đảm khai thác giám sát tại khu vực sân bay Điện Biên.
Kíp trực tại Đài Kiểm soát không lưu Điện Biên
Các dữ liệu giám sát từ 2 nguồn giám sát nêu trên được tích hợp, xử lý trên hệ thống quản lý không lưu (ATM) và phân phối dữ liệu tới đầu cuối hiển thị dữ liệu cho Kiểm soát viên không lưu tại Đài Kiểm soát không lưu, hỗ trợ Kiểm soát viên không lưu nhận dạng chính xác vị trí, độ cao, tốc độ, hướng di chuyển của tàu bay. Bên cạnh đó hỗ trợ nhận diện các nguy cơ xung đột và cảnh báo cho kiểm soát viên không lưu để thực hiện các biện pháp cần thiết, đảm bảo phân cách an toàn giữa các tàu bay.
Dịch vụ giám sát không lưu đã được áp dụng phổ biến trên thế giới và thực tế hiện nay Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã triển khai tại 2 vùng thông báo bay của Việt Nam và 7 khu vực sân bay quốc tế là Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Cát Bi, Vinh, Vân Đồn và 2 khu vực sân bay nội địa là Đồng Hới và Thọ Xuân.
Từ kết quả thành công của công tác chuyển đổi áp dụng phương thức giám sát tại các sân bay khác trong khu vực miền Bắc nêu trên, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã chỉ đạo đẩy nhanh thực hiện các thủ tục để triển khai áp dụng phương thức này tại sân bay Điện Biên, nơi có địa hình đồi núi phức tạp nhất trong cả nước.
Cùng với đó, khu vực sân bay này cũng được đưa vào áp dụng phân cách 5NM giữa các tàu bay (phần kiểm soát tiếp cận) và triển khai hệ thống cảnh báo như STCA-cảnh báo xung đột ngắn hạn, MSAW-cảnh báo vi phạm độ cao an toàn tối thiểu, DAIW-cảnh báo vi phạm vùng cấm, vùng hạn chế, vùng nguy hiểm…. Hệ thống này sẽ giúp Kiểm soát viên không lưu Điện Biên ngăn ngừa từ xa các xung đột/vi phạm nếu có, tăng cường an toàn, giảm thiểu rủi ro và hỗ trợ hiệu quả cho công tác điều hành bay.
Để thực hiện kế hoạch chuyển đổi phương thức khai thác dịch vụ giám sát không lưu tại khu vực sân bay Điện Biên một cách thống nhất, đồng bộ, chất lượng, đảm bảo an toàn, điều hòa, hiệu quả cho các hoạt động bay, Tổng công ty đã chỉ đạo tổ chức thực hiện hàng loạt công việc liên quan như huấn luyện chuyển loại sang kiểm soát tiếp cận sử dụng giám sát cho Kiểm soát viên không lưu có năng định ACC Hà Nội, TWR Nội Bài và TWR Điện Biên, triển khai cập nhật cơ sở dữ liệu TWR Điện Biên, kết nối đầy đủ các nguồn giám sát ADS-B vào hệ thống ATM, triển khai đường truyền, thiết bị đầu cuối, huấn luyện nhân viên kỹ thuật, tu chỉnh tài liệu hướng dẫn khai thác cơ sở, ký kết lại văn bản hiệp đồng điều hành bay giữa Trung tâm Kiểm soát Đường dài Hà Nội và Đài Kiểm soát không lưu Điện Biên, thực hiện công tác đánh giá an toàn, lập hồ sơ xin cấp lại giấy phép khai thác cơ sở, giấy phép khai thác thiết bị…
Hình ảnh chuyến bay HVN1805 (VVNB-VVDB) hạ cánh đầu tiên trong ngày chuyển đổi khai thác giám sát không lưu
Mặc dù công tác chuẩn bị chuyển đổi khai thác đã bị ảnh hưởng, gián đoạn bởi siêu bão YAGI trong việc tham gia thi cấp năng định kiểm soát tiếp cận giám sát của các kiểm soát viên không lưu tuy nhiên với sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo từ Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, công tác chuyển đổi khai thác áp dụng điều hành bay giám sát tại Đài Kiểm soát không lưu Điện Biên vẫn được thực hiện theo đúng kế hoạch.
Sau khi kiểm tra, đánh giá công tác chuẩn bị của Đài Kiểm soát không lưu Điện Biên, ngày 2/10/2024, Cục Hàng không Việt Nam đã chính thức cấp Giấy phép khai thác cơ sở cung cấp Dịch vụ bảo đảm hoạt động bay cho phép Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam chính thức triển khai áp dụng phương thức cung cấp dịch vụ giám sát không lưu tại khu vực sân bay Điện Biên từ ngày 3/10/2024.
Chuyến bay mang số hiệu HVN1805 hạ cánh lúc 13h52 (giờ địa phương), chặng bay Hà Nội - Điện Biên là chuyến bay đầu tiên hạ cánh an toàn xuống sân bay Điện Biên được điều hành bằng phương thức giám sát.
Với việc triển khai áp dụng điều hành bay giám sát tại khu vực Điện Biên, hiện nay toàn bộ khu vực sân bay phía Bắc của Việt Nam đã được triển khai áp dụng các công nghệ điều hành bay hiện đại, tự động hóa dữ liệu, đồng bộ, thống nhất, công tác giám sát điều hành bay được liền mạch, góp phần tăng năng lực điều hành bay của toàn bộ vùng thông báo bay Hà Nội và khu vực các sân bay khu vực phía Bắc.