Câu chuyện về anh Zhang, một người bố ngoài 40 tuổi ở Chiết Giang (Trung Quốc), là lời cảnh tỉnh cho nhiều bậc phụ huynh về những nguy cơ tiềm ẩn từ việc kèm con học bài.
Theo đó, con trai anh Zhang đang học lớp cuối cấp, chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng để vào trường THPT. Như bao phụ huynh khác, anh Zhang dành nhiều thời gian và tâm sức để kèm cặp con trai học tập. Những buổi tối, căn nhà nhỏ của gia đình anh lại vang lên tiếng giảng bài, tiếng đọc sách và cả những tiếng cãi vã.
Anh Zhang thường xuyên kiểm tra bài vở của con, kèm cặp từng li từng tí. Mong muốn con trai đạt kết quả tốt, anh còn đăng ký cho con tham gia nhiều lớp học thêm, tự mình đưa đón con đi học bất kể nắng mưa. Tuy nhiên, phương pháp dạy con nghiêm khắc, áp đặt của anh Zhang khiến cậu bé cảm thấy ngột ngạt, áp lực. Mối quan hệ cha con ngày càng trở nên căng thẳng.
Một buổi tối, trong lúc đang hướng dẫn con học, anh Zhang bỗng cảm thấy khó thở, ngực đau thắt. Gia đình vội vàng đưa anh đến Bệnh viện Sir Run Run Shaw (thuộc trường Y, Đại học Chiết Giang). Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán anh bị nhồi máu cơ tim và ngay lập tức tiến hành phẫu thuật bắc cầu động mạch vành khẩn cấp. Ca phẫu thuật may mắn thành công, cứu sống anh Zhang.
Ông bố Trung Quốc suýt chết vì đau tim khi kèm con làm bài tập. Ảnh minh họa
Theo bác sĩ điều trị, nguyên nhân chính dẫn đến cơn đau tim của anh Zhang là do bệnh động mạch vành. Tuy nhiên, tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn bởi áp lực tâm lý mà anh phải chịu đựng trong quá trình kèm con học.
Câu chuyện của anh Zhang không phải là trường hợp cá biệt. Trước đó, báo chí Trung Quốc đã ghi nhận nhiều trường hợp phụ huynh gặp phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng do căng thẳng khi kèm con học.
Cụ thể, hồi tháng 2, một người đàn ông ở Chiết Giang bị bệnh võng mạc, thị lực suy giảm do thường xuyên bực tức khi thúc giục con trai làm bài tập về nhà. Năm 2018, một bà mẹ 33 tuổi ở tỉnh Giang Tô thậm chí còn bị đột quỵ vì stress khi kèm con gái học bài.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này? Tại Trung Quốc, nhiều giáo viên thường giao phó trách nhiệm kèm cặp, hướng dẫn con học cho phụ huynh. Điều này vô hình chung tạo nên áp lực rất lớn cho các bậc cha mẹ. Họ coi thành tích học tập của con cái là thước đo thành công của bản thân, thúc ép con cái phải học tập ngày đêm, xem kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia (gaokao) là con đường duy nhất dẫn đến thành công.
Chuyên gia giáo dục Trung Quốc Ling Zongwei khuyến cáo các bậc cha mẹ nên học cách kiểm soát cảm xúc, tạo ra môi trường học tập lành mạnh, tích cực cho con cái. Thay vì áp đặt, cha mẹ nên khuyến khích con cái tự giác học tập, tự chịu trách nhiệm về bài tập về nhà và kết quả học tập của mình.