Ngày 31/8, Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết Cao Sỹ Huy (40 tuổi, trú tổ 2, phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) đã chủ động đến cơ quan điều tra đầu thú do liên quan đến hành vi tổ chức cho 50 người Việt vượt biên trái phép sang Campuchia.
Theo lời khai của đối tượng, từ tháng 12/2021, Huy được một công ty môi giới dẫn vượt biên sang Campuchia để làm việc tại một casino, sau này chuyển đến làm tại Công ty Sao Đỏ ở Campuchia. Huy được giao nhiệm vụ lên các trang mạng tìm người Việt có nhu cầu việc làm để đưa sang Campuchia trái phép. Mỗi tháng Huy được nhận 850 USD tiền lương.
Cao Sỹ Huy - kẻ cùng đồng bọn đưa 50 người vượt biên trái phép sang Campuchia. (Ảnh: C.A)
Huy cùng đồng bọn đã tổ chức đưa khoảng 50 người Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Campuchia. Đến tháng 7/2022, nhiều người trong nhóm của Huy bị Công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ.
Về hướng xử lý đối tượng, Luật sư Trương Công Đức (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Vượt biên trái phép là hành vi qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định pháp luật.
Do vậy, những người đưa người Việt vượt biên ra nước ngoài trái phép nếu bị bắt có thể bị xử lý về Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.
Tội này được quy định tại Điều 349, Bộ luật Hình sự năm 2015, với mức hình phạt cao nhất có thể lên tới 15 năm tù.
Theo Luật sư Đức, thông thường một người khi muốn đến một nước nào đó sẽ cần làm thủ tục xuất nhập cảnh và được sự đồng ý của cơ quan chức năng. Việc một người vượt biên trái phép có thể gây ra những hậu quả khó lường cho quốc gia có người vượt biên đến và đi. Điều đó đã xảy ra tại Việt Nam trong những tháng vừa qua, khi tình hình dịch bệnh covid-19 diễn biến phức tạp nhiều người đã tự ý vượt biên về nước, làm lây lan dịch bệnh ra một số địa phương.
Hành vi này thường xảy ra tại biên giới trên bộ, những nơi có địa hình rậm rạp, hiểm trở tiếp giáp với ba nước Lào, Trung Quốc, Campuchia.
“Những người vượt biên trái phép, nếu bị bắt sẽ bị xử lý theo pháp luật của các nước sở tại và có thể bị trục xuất về Việt Nam, cấm nhập cảnh vĩnh viễn vào quốc gia đó”, Luật sư Đức nói thêm.
Điều 349. Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép
1. Người nào tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 120 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với từ 05 người đến 10 người;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Đối với 11 người trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết người.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Tư Viễn