“Việc xuất khẩu thiết bị quân sự sang Saudi Arabia đã bị hạn chế vào năm 2019 và 2020, nhằm ngăn chặn việc chúng được sử dụng trong cuộc xung đột ở Yemen. Tuy nhiên, hiện tại lệnh cấm vận không còn cần thiết do tình hình đã thay đổi”, chính phủ Italy cho hay, đồng thời ca ngợi những nỗ lực hòa giải gần đây của Saudi Arabia, theo USA News.
Dàn xe bọc thép tối tân của quân đội Saudi Arabia. Ảnh: Reuters.
Nội chiến nổ ra ở Yemen cuối năm 2014 khi lực lượng Houthi, được cho là do Iran hậu thuẫn, giành quyền kiểm soát một số thành phố phía Bắc và buộc Chính phủ được cộng đồng quốc tế công nhận ở Yemen, do Saudi Arabia ủng hộ, phải rút khỏi thủ đô Sanaa.
Năm 2023, một liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu đã tiến hành can thiệp nhằm khôi phục chính phủ.
Xung đột kéo dài đã khiến hàng chục nghìn người Yemen thiệt mạng và ít nhất 4 triệu người phải di tản, đẩy đất nước đến bờ vực thảm họa nhân đạo. Yemen còn là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai như hạn hán, lũ lụt…
Năm 2019, một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã tạm ngừng bán vũ khí cho Saudi Arabia để hạn chế gia tăng xung đột tại Yemen.
Italy cho biết, quyết định chấm dứt lệnh cấm vận vũ khí đối với Saudi Arabia là "phù hợp" với việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) trước đó.
Hồi tháng 3, Iran và Saudi Arabia đã nhất trí khôi phục quan hệ ngoại giao. Nỗ lực "phá băng" quan hệ của hai nước có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực làm dấy lên hy vọng về khả năng "chảo lửa Trung Ðông" hạ nhiệt.
Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đánh giá thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran là cơ hội rõ ràng để thúc đẩy con đường chính trị hướng tới hòa bình ở Yemen.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng, chỉ riêng thỏa thuận Saudi Arabia-Iran là chưa đủ để giải quyết xung đột tại Yemen. Những vấn đề cơ bản dẫn đến xung đột như chia rẽ chính trị, tranh giành quyền lực, bất ổn kinh tế là rất phức tạp và khó giải quyết. Một giải pháp chính trị toàn diện cho các vấn đề của Yemen cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong khu vực, cũng như nỗ lực của cộng đồng quốc tế.
Mộc Miên (Theo USA News)