Indonesia đã nâng cảnh báo lên mức cao nhất sau khi núi lửa Semeru trên đảo Java phun trào vào sáng sớm 4/12. Ông Thoriqul Haq, một quan chức cấp cao khu vực này, cho biết việc sơ tán người dân đã bắt đầu được thực hiện.
Núi lửa Semeru từng phun trào ngày 10/12/2021. Ảnh: Reuters
Nhà chức trách khuyến cáo người dân không nên di chuyển tới các khu vực trong vòng bán kính 5 km tính từ núi lửa và cách xa các bờ sông 500m do nguy cơ các dòng dung nham trào xuống.
Cùng ngày, sau vụ núi lửa Semeru phun trào, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) đã ban bố cảnh báo sóng thần có thể ập vào bờ biển các đảo Miyako và Yaeyama thuộc tỉnh Okinawa, miền Nam nước này.
Núi lửa Semeru cao 3.676m nằm cách thủ đô Jakarta của Indonesia khoảng 850 km về phía Đông Nam. Vào tháng 12/2021, núi lửa Semeru từng phun ra những đám mây tro bụi và dòng chảy pyroclastic (dòng chảy nhanh của khí nóng và vật chất núi lửa), khiến ít nhất 46 người thiệt mạng và một số người mất tích, trong khi hàng nghìn người phải đi sơ tán.
Một người dân bất lực nhìn gia súc chết do tro bụi từ núi lửa sau vụ phun trào năm 2021.
Các nhân viên cứu hộ làm việc suốt đêm để tìm người sống sót trong vụ phun trào năm 2021.
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân ở Lumajang, Đông Java, Indonesia năm 2021.
Nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi các mảng kiến tạo va chạm tạo ra nhiều vụ động đất và phun trào núi lửa, Indonesia có đến 130 núi lửa đang hoạt động. Năm 2018, một ngọn núi nằm giữa đảo Java và Sumatra bùng nổ đã gây lở đất, sóng thần khiến hơn 400 người thiệt mạng.
Mộc Miên (T/h)