Báo Thanh Niên dẫn thông tin từ Daily Mail cho biết, một chàng trai 17 tuổi (ở thành phố Maastricht, Hà Lan) bị chấn thương đầu gối sau một trận đá bóng và phải nhập viện điều trị.
Các bác sĩ tại Trung tâm Y tế Đại học Maastricht (Hà Lan) đã phẫu thuật đầu gối để khắc phục chấn thương cho chàng trai. Ca phẫu thuật diễn ra thành công, không gặp bất kỳ biến chứng nào.
Thế nhưng, khi tỉnh dậy sau ca phẫu thuật, chàng trai bất ngờ quên hết tiếng mẹ đẻ và chỉ nói tiếng Anh. Các bác sĩ không thể giao tiếp được với chàng vì họ nói tiếng Hà Lan. Thậm chí, chàng trai quên cả ba mẹ và nghĩ rằng mình đang ở bang Utah (Mỹ).
Biểu hiện lạ của chàng trai khiến gia đình và đội ngũ y tế sững sờ. Bố mẹ chàng trai cho biết có cho con trai học tiếng Anh ở trường nhưng chàng trai chưa bao giờ sử dụng ngoại ngữ này ngoài lớp học, cũng chưa bao giờ đến Mỹ.
Ban đầu, các bác sĩ cho rằng đây là một trường hợp mê sảng sau phẫu thuật. Tuy nhiên, hiện tượng này không biến mất sau vài giờ mà tiếp tục kéo dài, dù chàng trai đã tỉnh táo hoàn toàn và không có biểu hiện lẫn lộn về tri giác.
Chàng trai 17 tuổi quên tiếng mẹ đẻ và ba mẹ sau ca phẫu thuật đầu gối. Ảnh minh họa: Getty
Trước sự việc kỳ lạ này, đội ngũ y tế đã mời thêm các chuyên gia thần kinh và tâm thần học tham gia đánh giá, theo thông tin trên báo Dân Trí.
Khi được giao tiếp bằng tiếng Hà Lan, chàng trai chỉ đáp lại bằng ánh mắt bối rối và không thể phản hồi. Tuy nhiên, khi đối thoại bằng tiếng Anh, chàng trai có thể trả lời trôi chảy, dù phát âm vẫn mang âm sắc của người Hà Lan.
Tình trạng như vậy kéo dài suốt 18 giờ. Chàng trai sau đó bắt đầu hiểu trở lại một vài câu tiếng Hà Lan nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc nói.
Tới khoảng 24 giờ sau ca phẫu thuật, khi bạn bè đến thăm, chàng trai bất ngờ bật ra những câu tiếng mẹ đẻ một cách tự nhiên. Đến ngày hôm sau, cậu hồi phục hoàn toàn khả năng sử dụng tiếng Hà Lan và được xuất viện trong trạng thái sức khỏe ổn định, cả về thể chất lẫn tinh thần.
Đáng chú ý, chàng trai vẫn nhớ rõ mọi việc diễn ra trong khoảng thời gian không thể nói tiếng Hà Lan. Cậu kể lại rằng mình biết bản thân chỉ có thể nói tiếng Anh, cảm thấy kỳ lạ vì không thể giao tiếp như bình thường, thậm chí nhận thức rõ việc không nhận ra cha mẹ.
Đây là điều rất hiếm gặp, bởi trong các rối loạn ngôn ngữ hoặc mất trí nhớ tạm thời, bệnh nhân thường không có khả năng quan sát rõ ràng tình trạng của mình trong thời điểm sự việc xảy ra.
Chàng trai được chẩn đoán mắc một tình trạng cực kỳ hiếm gặp gọi là hội chứng tiếng nước ngoài. Hội chứng này xảy ra khi người mắc đột nhiên quên tiếng mẹ đẻ, để giao tiếp thì họ phải sử dụng ngôn ngữ thứ hai mà mình biết.
Hội chứng tiếng nước ngoài hoàn toàn khác với hội chứng nói giọng nước ngoài. Hội chứng nói giọng nước ngoài là người mắc vẫn nói ngôn ngữ mẹ đẻ nhưng bằng giọng của người nước ngoài, thường xuất hiện sau chấn thương đầu hay đột quỵ.
Mọi người rất ít biết về hội chứng tiếng nước ngoài vì nó cực kỳ hiếm gặp. Y văn thế giới chỉ mới ghi nhận 8 trường hợp. Một số ca thì hội chứng này kéo dài chỉ vài phút, trong khi số khác kéo dài đến nhiều ngày.
Chàng trai nói trên là người duy nhất dưới 18 tuổi mắc hội chứng tiếng nước ngoài. Tất cả những ca trước đó đều là người trưởng thành.
Nguyên nhân chính xác của hội chứng này vẫn là một bí ẩn. Tuy nhiên, các trường hợp mắc đều có liên quan đến việc gây mê hoặc chấn thương đầu.
Điển hình như một phụ nữ Anh sau đột quỵ bỗng nói tiếng Trung Quốc dù chưa từng học, hay một người đàn ông Mỹ sau tai nạn tỉnh dậy và chỉ nói được tiếng Pháp. Điểm chung của các ca này là đều có tổn thương rõ rệt trong não bộ nhưng điều này không xuất hiện ở chàng trai 17 tuổi.
Mọi xét nghiệm thần kinh, bao gồm chụp cộng hưởng từ (MRI), đều không cho thấy dấu hiệu tổn thương não, không có đột quỵ, chấn thương vùng đầu hay bất kỳ bất thường nào trong cấu trúc não bộ.
Một số giả thuyết được đưa ra, chẳng hạn như có thể chàng trai đã rơi vào trạng thái "kích hoạt ngôn ngữ tiềm thức" do tác động của thuốc mê; hoặc sự căng thẳng thần kinh trong quá trình phẫu thuật đã tạm thời làm gián đoạn vùng ngôn ngữ trong não, khiến hệ thống xử lý tiếng mẹ đẻ bị vô hiệu hóa, trong khi các thông tin ngôn ngữ học được lưu trữ gián tiếp bằng tiếng Anh lại trỗi dậy.
Tuy nhiên, không có giả thuyết nào giải thích được đầy đủ hiện tượng này. Đặc biệt là khi không có bằng chứng về tổn thương hay rối loạn nhận thức, các chuyên gia đã quyết định không tiếp tục thực hiện các xét nghiệm sâu hơn như điện não đồ (EEG) hay trắc nghiệm thần kinh.
Được biết, những cuộc kiểm tra định kỳ sau đó cho thấy chàng trai hoàn toàn không gặp khó khăn gì khi nói tiếng Hà Lan. Thế nhưng, gần 1 năm sau ca phẫu thuật, chàng trai đã liên tục gặp vấn đề về trí nhớ, khiến cậu quên mất nhiều chuyện xảy ra từ bé đến khi phẫu thuật.