Cùng với việc triển khai một số mô hình sản xuất nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn theo hướng hàng hóa, hiện đang cho thu nhập trung bình từ 330 - 445 triệu đồng/ha/năm và được liên kết tiêu thụ tới các siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể trên địa bàn TP.Hà Nội. Hàng trăm hécta đất đồi đã được quy hoạch, đầu tư trồng cây dược liệu, cây lâu năm và các loại rau... theo hướng sản xuất hữu cơ. Bằng quy trình sản xuất nông nghiệp luôn bảo đảm sạch, nguồn giống cây trồng chuẩn không có đột biến gene. Tất cả đều hướng đến mục tiêu để người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm an toàn.
Với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ những vùng trũng, khó canh tác sang mô hình trang trại cho hiệu quả kinh tế cao thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã góp phần quan trọng thay đổi tư duy của các hộ sản xuất, kinh doanh, trọng điểm là các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa, nhỏ và hộ gia đình. Nhờ mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu đã tạo điều kiện cho các chủ thể có cơ hội phát huy tiềm năng, lợi thế. Trên cơ sở những kết quả bước đầu này là nền tảng tích cực giúp kinh tế nông nghiệp của huyện Thạch Thất được đẩy mạnh, khuyến khích các chủ thể tham gia chương trình OCOP và mạnh dạn tham gia các thị trường trong và ngoài nước.
Trung Tâm huyện Thạch Thất -Hà Nội
Đẩy mạnh thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, cũng là huyện nằm trong nhóm các địa phương có nhiều sản phẩm OCOP của thành phố, với 122 sản phẩm của 15 hộ sản xuất, kinh doanh và 2 HTX nông nghiệp. Đến nay huyện tiếp tục nâng hạng các sản phẩm đã được đánh giá, phấn đấu đến hết năm 2025 có thêm 150 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng. Có trang trại trồng hơn 50 loại rau khác nhau ở sáu chủng loại: rau đặc sản, rau ăn lá, củ quả, rau gia vị, hoa quả, thảo mộc.
Mô hình trồng bưởi ở xã Phú Kim, Thạch Thất
Để từng bước nâng cao đời sống người dân, ngoài phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, huyện Thạch Thất tập trung tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, thực hiện công tác dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới (NTM) trong giai đoạn tiếp theo. Ðến nay, huyện Thạch Thất đã hoàn thành dồn điền đổi thửa hơn 2.000 ha, đạt 105,5% diện tích thực hiện dồn điền đổi thửa so với kế hoạch. Toàn bộ diện tích gieo cấy lúa của huyện đều bằng các giống lúa ngắn ngày, năng suất, chất lượng cao. Ðặc biệt, địa phương đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn theo hướng hàng hóa. Trong đó, không ít HTX nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, tạo sự liên kết, hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp. Huy động vốn góp của các thành viên, cung ứng vật tư, giống, phân bón có chất lượng cho thành viên, hình thành các tổ sản xuất tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao cho thành viên như việc liên doanh, liên kết trong tiêu thụ nông sản, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông dân.
Phóng viên Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hồng - Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất, Hà Nội và được biết: “Với quy mô đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả bền vững cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình xây dựng NTM và NTM nâng cao của huyện. nhưng để thực hiện mục tiêu này, địa phương luôn đẩy mạnh và khuyến khích đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, đồng thời khuyến khích nông dân duy trì, phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ, sản xuất rau an toàn. Có như vậy sản phẩm mới tạo được lòng tin đối với người tiêu dùng, cũng như đáp ứng được nhu cầu của người dân Thủ đô. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa khâu quảng bá, tiêu thụ, tháo gỡ đầu ra cho sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân…”
Mô hình trồng rau an toàn tại xã Hương Ngải, Thạch Thất
Việc phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung không những tạo thuận lợi cho người dân trong việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà còn cao gấp 5-7 lần so với cấy lúa. Phong trào sản xuất trên không chỉ giúp thay đổi thói quen sinh hoạt, bảo vệ môi trường của bà con mà còn giúp nâng chất lượng NTM của địa phương này lên tầm cao mới.
Ông Hoàng Chí Lượng - Trưởng phòng Kinh Tế huyện Thạch Thất cũng cho biết thêm: “Với mô hình trồng bưởi Diễn ở thôn Thúy Lai, xã Phú Kim phát triển mạnh nhờ việc triển khai chuyển đổi 153 mô hình sản xuất từ đất canh tác lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh và thâm canh cá, lúa trên địa bàn xã. Diện tích trồng loại cây này ở Thúy Lai đã lên đến vài chục héc-ta, trong đó có 20ha đến vụ cho thu hoạch với thu nhập bình quân khoảng 420 triệu đồng/ha/vụ, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người ở địa phương lên 66,92 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2021. Thời gian tới huyện Thạch Thất sẽ đẩy mạnh phát triển mô hình “Mỗi xã một sản phẩm” dựa trên lợi thế, thế mạnh của mỗi địa phương; thực hiện chuyển mạnh lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, góp phần tăng năng suất lao động tại địa phương, đặt mục tiêu đến năm 2025 thu nhập bình quân trên địa bàn đạt 120 triệu đồng/người.
Nhận thấy được hiệu quả, năng suất cao, xã Phú Kim đã tiến hành xây dựng thương hiệu OCOP truy xuất nguồn gốc cho quả bưởi Diễn ở Thúy Lai, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm, mang lại giá trị cao và thị trường tiêu thụ ổn định. Việc áp dụng tiến bộ khoa học cộng nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi, các mô hình sản xuất, nuôi trồng ứng dụng công nghệ đã cho năng suất, chất lượng cao và ngày càng phát triển, đem lại hiệu quả rõ nét. Nhiều cơ sở sản xuất trên địa bàn đã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới.
Với hướng đi này huyện Thạch Thất tiếp tục đẩy mạnh và khuyến khích cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp; khuyến khích nông dân duy trì, phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ, sản xuất nông sản an toàn đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thời gian tới, huyện tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh việc quảng bá, tiêu thụ, tháo gỡ đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân hiệu quả, bền vững.
Minh Thu