Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Huyện Thạch Thất - Hà Nội: Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng nông thôn

(DS&PL) -

Trong những năm trở lại đây huyện Thạch Thất đã tập trung các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn thiết yếu theo tiêu chí nông thôn mới, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động sản xuất của người dân.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh

Để xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, huyện Thạch Thất tập trung vào một số hạ tầng thiết yếu như xây dựng đường giao thông, kết quả đã xây dựng mới nhiều đường liên xã, liên thôn và ngõ xóm; cải tạo, nâng cấp các tuyến đường đều đạt tiêu chuẩn về chiều rộng theo quy định của Bộ Giao thông Vân tải, tỷ lệ đường ngõ xóm được bê tông hóa đạt trên 98%. Hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất cho 100% diện tích sản xuất nông nghiệp. Toàn huyện đã cứng hóa được trên 170km kênh mương thủy lợi; Hệ thống điện cũng được quan tâm nâng cấp và cải tạo, phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Huyện Thạch Thất đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cụm công nghiệp Dị Nậu

Đối với cơ sở vật chất văn hóa, trong số 23 xã, thị trấn thì huyện đã có 21/23 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, riêng xã Thạch Hòa là địa bàn của Khu công nghệ cao Hòa Lạc và thị trấn Liên Quan được quy hoạch xây dựng theo mô hình đô thị nên không đăng ký tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 100% các xã có nhà ở dân cư đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng, không có nhà tạm, dột nát, xuống cấp. Về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, toàn huyện có 19 chợ dân sinh nằm trên địa bàn các xã, thị trấn, hàng năm đều thực hiện kế hoạch khai thác, đầu tư cải tạo hệ thống chợ đáp ứng với nhu cầu trao đổi hàng hóa của nhân dân. “Nhìn chung, các hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng cơ bản đều được kiểm soát chặt chẽ, quy mô từng dự án theo đúng mục tiêu, lĩnh vực được phê duyệt. Đến nay, trên địa bàn huyện Thạch Thất không có nợ xây dựng cơ bản thuộc trách nhiệm ngân sách huyện và ngân sách xã”.

Công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, môi trường, giải phóng mặt bằng được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Đến nay, toàn huyện đã triển khai lập và được cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch theo quy định đảm bảo đồng bộ, được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc, phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển của huyện và Thủ đô Hà Nội. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư nâng cấp. Việc quản lý đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng vốn đầu tư đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, đúng trình tự, thủ tục quy định; phân bổ vốn đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện và kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2020 - 2025. 

Thực hiện chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia. Sau hơn 10 năm triển khai, diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện đổi thay tích cực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Các ngành nghề dịch vụ thương mại, nhất là nghề mộc truyền thống được tạo điều kiện thuận lợi phát triển, mang lại thu nhập khá cho người dân. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi phù hợp, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn xa khu dân cư ở các xã: Yên Bình, Yên Trung, Tân Xã, Cần Kiệm; vùng trồng cây ăn quả hơn 700 ha ở các xã Kim Quan, Lại Thượng, Cẩm Yên; vùng trồng rau an toàn ở các xã Hương Ngải, Hạ Bằng, Canh Nậu, Dị Nậu… Việc ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ giới vào sản xuất được quan tâm. Trên địa bàn huyện cũng hình thành 5 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, 6 mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến người tiêu dùng. Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid - 19, nhưng huyện vẫn hoàn thành và giữ vững chỉ tiêu huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng đô thị xanh

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc đến năm 2030, với quy mô nghiên cứu khoảng 17.274 ha. Đây là 01 trong 05 khu đô thị vệ tinh lớn của Thành phố được triển khai đầu tư trong những năm tới. Việc đầu tư xây dựng khu đô thị Hòa Lạc và tiếp tục phát triển khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ là điều kiện thuận lợi, tác động mạnh mẽ để huyện Thạch Thất phát triển nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh. Do vậy, huyện cần chú trọng triển khai thực hiện tốt các chương trình, đề án đẩy mạnh phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp, xây dựng.

 

Đường giao thông nông thôn, ngõ xóm tại huyện Thạch Thất được bê tông hóa

Đồng thời, cần huy động các nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông; tăng cường công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và hoạt động xây dựng đô thị, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển huyện theo hướng đô thị xanh. Đẩy mạnh phát triển văn hóa - xã hội; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ, tạo nền tảng tinh thần xã hội vững chắc; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, quan tâm bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện, bền vững.

Ghi nhận những nỗ lực và kết quả đạt được của cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Thạch Thất. Vừa qua Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp làng nghề Dị Nậu có tổng diện tích đất thực hiện là 10,7 ha/265 thửa/212 hộ (trong đó, đất giao cho hộ theo Nghị định 64/NĐ-CP là 10,3 ha; đất công xã quản lý là 0,4 ha) đươc triển khai xây dựng; do Công ty cổ phần Hoàng Hưng Tiến làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 267,6 tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn tự có của chủ đầu tư, vốn huy động từ các nhà đầu tư thứ phát, vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Tính đến thời điểm hiện tại, huyện đã thực hiện xong công tác kiểm đếm, áp giá đền bù, phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng với tổng số tiền là hơn 83,5 tỷ đồng. Việc đầu tư xây dựng cụm công nghiệp làng nghề Dị Nậu sẽ góp phần giải quyết một phần nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn Huyện, dần đưa các cơ sở sản xuất trong các làng nghề, khu dân cư vào khu vực sản xuất tập trung có đầu tư hạ tầng đồng bộ. Qua đó, góp phần thúc đẩy tiềm năng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề của huyện Thạch Thất nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung.

Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tiệm cận các tiêu chí đô thị. Củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, từng bước xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, phục vụ nhân dân, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức...

Thường xuyên quan tâm, chăm lo sự nghiệp phát triển văn hóa - xã hội; thực hiện tốt chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân; xây dựng người Thạch Thất thanh lịch, văn minh, có ý chí, khát vọng, vươn lên, coi đây là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Bước vào nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Thạch Thất quyết tâm thực hiện mục tiêu - huyện có tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân tốc độ tăng trưởng của thành phố; phát triển kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ - công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp; có thu nhập bình quân đầu người đạt 120 triệu đồng/năm; thương hiệu và giá trị sản phẩm công nghiệp được nâng cao, huyện cơ bản trở thành huyện công nghiệp kỹ thuật cao”. Tầm nhìn đến năm 2030, huyện có thu nhập bình quân đầu người đạt 210 triệu đồng/năm; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; khớp nối đồng bộ, hiện đại, bền vững hạ tầng kỹ thuật và các hoạt động kinh tế - xã hội giữa các xã với khu vực đô thị vệ tinh Hòa Lạc; huyện cơ bản trở thành đô thị xanh.

MINH THU

Tin nổi bật