Cần có những dấu ấn tầm cỡ quốc gia
Chúng ta thường nghĩ rằng doanh thu của thành phố Las Vegas phụ thuộc phần lớn vào công nghiệp bài bạc. Nhưng, thực ra, tỉ lệ doanh thu từ gambling (hoạt động chơi bài, cá cược tại sòng bài) của Las Vegas đã tụt từ gần 60% vào đầu thập niên 90 xuống chưa tới 40% trong những năm vừa qua. GDP năm 2019 của Las Vegas là 128,49 tỷ USD, chủ yếu đến từ dịch vụ khách sạn, ăn uống, giải trí. Thành phố này kiếm tiền từ các hoạt động hội nghị, hội thảo, lưu trú, và sức hấp dẫn của nó đến từ rất nhiều các hoạt động văn hoá được tổ chức khắp thành phố, bao gồm các show âm nhạc, tạp kỹ, nghệ thuật...
ArtScience Museum, nằm trong khuôn viên của Marina Bay Sands, Singapore, thuộc tập đoàn Las Vegas Sands. Mở cửa từ 2011, đây là bảo tàng đầu tiên trên thế giới kết hợp nghệ thuật với khoa học, văn hoá với công nghệ. ArtScience Museum bao gồm 21 không gian triển lãm, trải rộng trên 6.000 m2 . Thời điểm cao nhất (2015), bảo tàng này thu hút hơn 903.000 du khách.
Ở Việt Nam, có show diễn đẳng cấp thế giới Ký ức Hội An của tập đoàn Gami. Ký ức Hội An quy tụ 500 diễn viên diễn trên sân khấu ngoài trời với diện tích 25.000m2 cùng sự hỗ trợ của kỹ thuật âm thanh, ánh sáng tân tiến bậc nhất... được báo chí quốc tế đánh giá là show diễn đẹp nhất thế giới. Nó đã đưa hàng triệu lượt du khách gần xa chạm vào hồn cốt văn hóa Hội An và khơi dậy mạch cảm xúc khác biệt về vùng đất di sản này.
Ông Lê Quốc Vinh.
Trên đây là một vài ví dụ về sản phẩm công nghiệp sáng tạo – công nghiệp văn hoá trong và ngoài nước, không những tạo ra dấu ấn đặc biệt của mỗi vùng đất, mỗi quốc gia, mà nó còn là lực hút mạnh mẽ về kinh tế, với những đóng góp nhất định vào phát triển kinh tế - xã hội. Các dự án này hầu như là của các công ty tư nhân đầu tư, và tạo ra những giá trị lớn cho các địa phương, tạo ra nguồn thu đáng kể cho ngân sách.
Tuy nhiên, các công trình văn hoá và các sản phẩm văn hoá như thế ở Việt Nam không có nhiều. Ngay tại Hà Nội, nơi được công nhận là Thành phố Sáng tạo trong mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO, hầu như chúng ta chưa có những dự án được đầu tư đúng nghĩa, có sức hút về du lịch hay là tạo cho thành phố một hình ảnh đúng nghĩa như danh hiệu chúng ta được ghi nhận.
Các viện bảo tàng vắng bóng khách tham quan. Các nhà hát kém sôi động, thiếu các chương trình biểu diễn thường xuyên. Từ sau khi Trung tâm Triển lãm Giảng Võ đóng cửa, Hà Nội hầu như không còn nơi tổ chức triển lãm quy mô lớn. Hà Nội không có những trung tâm hội nghị, sự kiện tầm cỡ kiểu như Andora, White Palace, Gem Center, càng không có được những show diễn hoành tráng, đáng được coi là điểm nhấn cho du khách.
Tìm kiếm phương thức đầu tư cho văn hoá
Nguồn lực kinh tế yếu, khiến cho việc lựa chọn đầu tư cho các công trình và sản phẩm văn hoá khó khăn. Nhưng năng lực sáng tạo, khả năng quản lý hiệu quả của Nhà nước mới là những lý do quan trọng nhất khiến cho việc đầu tư vào các công trình văn hoá và sản phẩm văn hoá lâu nay chưa thành công. Hà Nội cần huy động được nguồn lực đầu tư, cả nguồn vốn lẫn năng lực sáng tạo, kỹ năng vận hành và phát triển của khối kinh tế tư nhân. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thu hút sự đầu tư mạnh mẽ hơn của khối tư nhân vào lĩnh vực văn hoá, nơi sẽ tạo ra những sản phẩm trí tuệ sáng tạo có tiềm năng tạo ra giá trị gia tăng lớn?
Có 2 việc phải đồng thời giải quyết: (1) Vận động các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào công nghiệp văn hoá, bằng cách kiến tạo một thị trường cho công nghiệp văn hoá, xây dựng những chính sách khuyến khích phù hợp và một quy hoạch rõ ràng, hấp dẫn cho từng ngành kinh tế sáng tạo. (2) Mạnh dạn mở ra một phương thức hợp tác mới trong lĩnh vực văn hoá, giữa Nhà nước và tư nhân, đó là phương thức hợp tác đối tác công tư (PPP).
Phần lớn, các dự án văn hoá thường có quy mô lớn, thời gian thu hồi vốn dài hơn, cần mức độ cam kết, đồng hành từ phía Nhà nước nhiều hơn, chỉ có các phương thức hợp tác đối tác công tư mới có thể giải quyết được bài toán này. Theo đó, cho dù là các dự án hạ tầng công trình văn hoá, hay các sản phẩm sáng tạo văn hoá, nghệ thuật, hoặc đào tạo nhân lực, đều có thể áp dụng mô hình Nhà nước chủ trì, tư nhân đầu tư, tham gia vận hành hoặc chuyển giao, với những lợi ích cụ thể làm lực hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP được Chính phủ ban hành ngày 14/02/2015, đã cho phép các dự án xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình kết cấu hạ tầng, cung cấp trang thiết bị hoặc dịch vụ công trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, bên cạnh các lĩnh vực khác như công trình kết cấu hạ tầng y tế, giáo dục, đào tạo và dạy nghề... Tuy nhiên, PPP cần được mở rộng ra các lĩnh vực, hoạt động khác nữa của kinh tế sáng tạo, các sản phẩm văn hoá có quy mô và mức độ đầu tư lớn.
Ở Việt Nam, trong hơn 5 năm thực hiện, chủ yếu chúng ta thấy các dự án thuộc mô hình BOT trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hoặc nhà máy điện, mô hình BT trong các dự án khu công nghiệp, khu đô thị, cao ốc chung cư, toà nhà văn phòng – thương mại... Số lượng các dự án đầu tư theo mô hình PPP còn rất ít, chủ yếu là do các cơ sở pháp lý chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện và ổn định. Bên cạnh đó có những lý do khác như nhân lực quản lý, quy trình khó khăn và kéo dài, quỹ đất cho các dự án BT không có sẵn... Hầu như chưa có các dự án liên quan đến lĩnh vực văn hoá. Dự án xây dựng tổ hợp triển lãm ở Đông Anh vẫn còn đang dang dở.
Ông Lê Quốc Vinh và MC Diễm Quỳnh.
Hợp tác công tư: Chìa khoá huy động nguồn lực tư nhân
Thực tế là, công nghiệp văn hoá chưa thể hấp dẫn bằng các dự án xây dựng chung cư cao cấp, toà nhà thương mại, khu đô thị. Đầu tư vào lĩnh vực văn hoá đòi hỏi quá trình đầu tư lâu dài, vốn lớn và lợi nhuận thấp (so với các dự án khác). Hà Nội lại không có một quy hoạch cụ thể và hấp dẫn trong lĩnh vực văn hoá, tạo cơ sở cho khối tư nhân nghiên cứu, phát triển dự án. Vì vậy, các hoạt động đầu tư cho các dự án công trình văn hoá và sản phẩm sáng tạo văn hoá thường nhỏ bé, không có tầm nhìn dài hạn và manh mún.
Một số lĩnh vực do tư nhân đầu tư có thể kể đến các không gian văn hoá, các rạp chiếu phim, một vài chương trình biểu diễn nghệ thuật không đòi hỏi hạ tầng cố định và quy mô... Nếu có thì nó thường là các hợp phần giải trí trong các dự án phát triển khu du lịch, đô thị mới.
Phần lớn các dự án hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân chỉ giới hạn trong lĩnh vực xã hội hoá. Các dự án quy mô lớn, thời gian thu hồi vốn dài hơn, cần mức độ cam kết, đồng hành từ phía Nhà nước nhiều hơn, phải thực hiện theo quy định về PPP.
Từ khi Triển lãm Giảng Võ bị dỡ bỏ, trung tâm triển lãm mới ở Đông Anh chưa được xây dựng, các chương trình triển lãm tầm cỡ chỉ có thể tổ chức tại Trung tâm Triển lãm & Hội nghị Saigon (SECC). Nếu tổ chức ở Hà Nội thì phải chen chúc trong khuôn viên chật hẹp của Cung văn hoá Lao động Hữu nghị Việt Xô hoặc Trung tâm triển lãm quốc tế ICE Hà Nội.
Những ng cam kết mạnh mẽ hơn, với quyền lợi và trách nhiệm cụ thể. Cam kết đó phải được cụ thể hoá bằng một quy hoạch chi tiết với danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP.
Chúng ta đều hiểu rõ, để thúc đẩy sự hình thành một cách đúng nghĩa thành phố sáng tạo, mang nội hàm thiết kế, Hà Nội cần phải xây dựng ngay các công trình mang ý nghĩa biểu tượng của ngành công nghiệp công nghiệp sáng tạo. Đó là các không gian sáng tạo (creative hubs), các không gian văn hoá công cộng, các sân khấu trình diễn ngoài trời... Sự hình thành của các không gian sáng tạo là điều kiện tiên quyết để xác lập hình ảnh của thành phố sáng tạo. Các không gian sáng tạo này có thể hiện diện với tư cách một quần thể các doanh nghiệp sáng tạo (như Miami Design District, Florida, Hoa Kỳ hoặc Hanoi Creative City), một khu vực trưng bày sản phẩm sáng tạo (kiểu như Dubai Creative Hub hoặc Phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm), hoặc các khu “chợ” buôn bán, trao đổi hàng hoá sáng tạo (kiểu như đồi Monmartre ở Paris, Pháp). Nếu có một cơ chế phù hợp, sẽ có khá nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh sẵn sàng bỏ kinh phí đầu tư bài bản theo các mô hình BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ) hoặc BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao). Đó chính là các hạt nhân để phát triển một đô thị đậm chất văn hoá – sáng tạo.
Hiện nay chúng ta vướng mắc rất nhiều đối với mô hình bảo tàng tư nhân. Chúng tôi cho rằng PPP sẽ có thể là một hình thức hoàn toàn khả thi, theo đó tư nhân có thể đầu tư từ khâu thiết kế, xây dựng, đầu tư nội dung và vận hành.
Những trung tâm thể thao, đường đua xe tiêu chuẩn quốc tế, có khả năng thu hút môn thể thao tốc độ hoặc sử dụng cho những sự kiện văn hoá lớn, cũng là những dự án có khả năng thu hút đầu tư tư nhân.
Tuy nhiên, đầu tư theo mô hình hợp tác đối tác công tư trong lĩnh vực văn hoá không nhất thiết phải là những dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, sử dụng đất đai. Quản lý, khai thác di sản, hoặc bảo tồn văn hoá bản địa chẳng hạn, hoàn toàn có thể mời các nhà đầu tư có kinh nghiệm mang lại sức sống mới, hiện đại hơn, sáng tạo nhiều sản phẩm văn hoá hấp dẫn khách du lịch hơn, theo mô hình Hợp đồng Kinh doanh - Quản lý (O&M), hợp đồng được ký giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để kinh doanh một phần hoặc toàn bộ công trình trong một thời hạn nhất định.
Một chính sách khuyến khích đầu tư cho các nền tảng công nghệ cho công nghiệp văn hoá – công nghiệp sáng tạo là vô cùng cần thiết. Trong đó, cái mà chính quyền thành phố có thể làm ngay là xây dựng một chính sách khuyến khích các doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cho công nghiệp sáng tạo, như công nghệ in ấn, công nghệ quảng cáo, công nghệ trí tuệ nhân tạo, v.v...
Ngay trong lĩnh vực đào tạo, chúng tôi nhận thấy cũng có cơ hội cho sự hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân theo mô hình PPP. Tham khảo các mô hình trường đại học hoặc cao đẳng nghề tư thục đang phát triển gần đây, như VinUniversity, Fulbright, Đại học FPT, RMIT, Arena Multimedia, chúng tôi nhận thấy rằng các nhà đầu tư tư nhân khá nhạy bén với nhu cầu đào tạo cho các ngành công nghiệp sáng tạo. Sự hợp tác giữa các đại học công lập với các nhà đầu tư tư nhân sẽ mang lại những đột phá về chương trình đào tạo, cách thức đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường trong tương lai.
Tham vọng của Việt Nam là đến năm 2030, doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 7% vào GDP, tức là vào khoảng 25 tỷ USD. Để điều này xảy ra, tại Hà Nội, ngành công nghiệp văn hoá phải chiếm tỉ trọng tối thiểu gấp đôi so với trung bình cả nước. Đây là con số tham vọng và rất khó đạt được nếu không có giải pháp huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt là trong khối tư nhân. Tôi xin thay mặt cho anh chị em doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hoá – sáng tạo, đề xuất mô hình PPP, như là một trong những giải pháp để chính quyền Thành phố có thể bắt tay với khối tư nhân, thúc đẩy nhanh tiến trình biến Hà Nội thành một thành phố sáng tạo phồn vinh. Hy vọng nó sẽ mở đầu cho việc xây dựng các nền tảng pháp lý cần thiết cho mô hình này.
Lê Quốc Vinh
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật báo Tết Nhâm Dần số đặc biệt