Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

HoREA lo ngại giá nhà sẽ tăng cao nếu bắt buộc mua bán qua sàn

(DS&PL) -

Theo HoREA, việc quy định “bắt buộc” giao dịch nhà ở, công trình xây dựng phải qua sàn giao dịch bất động sản làm tăng giá bán nhà gây bất lợi cho người tiêu dùng.

Mua bán qua sàn giao dịch gây nhiều hệ lụy?

Mới đây, Bộ Xây dựng đã công bố đề cương sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản 2014, bổ sung thêm một số quy định mới nhằm phù hợp với thị trường hiện tại, trong đó bổ sung quy định, chủ đầu tư dự án bất động sản phải thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng thông qua sàn giao dịch bất động sản.

Theo Bộ Xây dựng, việc bỏ quy định giao dịch bất động sản phải qua các sàn giao dịch (theo Luật Kinh doanh bất động sản 2006) đã dẫn đến nhiều hệ lụy như: Tạo cơ sở cho việc hình thành nên các dự án ma, các vụ việc lừa đảo khách hàng từ chính các chủ đầu tư không tuân thủ quy định pháp luật; tạo ra khó khăn, thậm chí không quản lý được thông tin về thị trường bất động sản đúng với những gì đang diễn ra, trốn thuế...

Liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) đã có văn bản bổ sung góp ý đề cương Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) của Bộ Xây dựng.

HoREA cho rằng việc bổ sung quy định "chủ đầu tư dự án bất động sản phải thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng thông qua sàn" không phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ.

HoREA lo ngại giá nhà sẽ tăng cao nếu bắt buộc mua bán qua sàn.

Quy định này nếu được thông qua thì có nghĩa là chủ đầu tư “bắt buộc” phải thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua 100% sản phẩm nhà ở, công trình xây dựng của dự án bao gồm nhà ở, căn hộ du lịch (condotel), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel), căn hộ dịch vụ (serviced apartment), các loại hình công trình xây dựng đưa vào kinh doanh như các công trình thương mại, y tế, giáo dục, dịch vụ... đều phải thông qua sàn giao dịch bất động sản.

Sẽ xâm phạm “quyền tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư kinh doanh, tự chủ kinh doanh, lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh, tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng” của chủ đầu tư dự án bất động sản được quy định tại Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2020 và là một bước đi “thụt lùi”, không phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và thực tiễn.

Theo HoREA, việc quy định “bắt buộc” giao dịch nhà ở, công trình xây dựng phải qua sàn giao dịch bất động sản còn làm tăng giá bán nhà gây bất lợi cho người tiêu dùng.

“Phí dịch vụ của sàn giao dịch bất động sản hiện nay thường bằng khoảng trên dưới 2% giá trị hợp đồng và được chủ đầu tư tính vào giá bán nhà, công trình xây dựng mà người mua nhà, nhà đầu tư phải gánh chịu.

Do vậy, không thể quy định “bắt buộc” chủ đầu tư phải thực hiện giao dịch nhà ở, công trình xây dựng thông qua sàn giao dịch bất động sản, mà chỉ nên khuyến khích các bên thực hiện giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản", HoREA nhấn mạnh.

HoREA kiến nghị siết chặt quản lý hoạt động của "cò đất" thông qua chứng chỉ hành nghề

HoREA cho biết sàn giao dịch và các nhà môi giới bất động sản là một bộ phận của thị trường bất động sản và là cầu nối giữa chủ đầu tư dự án, chủ sở hữu tài sản là nhà ở, công trình xây dựng với người tiêu dùng, nhà đầu tư thứ cấp.

“Đến nay, cả nước có khoảng 320.000 nhân viên môi giới bất động sản, nhưng mới chỉ có khoảng 10% được cấp chứng chỉ hành nghề”, HoREA nhấn mạnh.

Theo HoREA, Khoản 2 Điều 69 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 chỉ yêu cầu “Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản phải có ít nhất 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản” đã nói lên mặt “bất cập, hạn chế” về năng lực và chất lượng hoạt động, tính chuyên nghiệp của các sàn giao dịch bất động sản, nên đã dẫn đến không ít vụ việc làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ sở hữu tài sản và người tiêu dùng, nhà đầu tư, thậm chí có trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng như vụ việc Công ty Alibaba.

Nhận định về thị trường bất động sản quốc tế, ông Châu cho hay hoạt động môi giới và dịch vụ bất động sản ở các nước công nghiệp phát triển đạt chuẩn mực rất cao về tính minh bạch, chuyên nghiệp và cả văn hóa kinh doanh, điển hình là hoạt động của Hiệp hội các nhà môi giới bất động sản Hoa Kỳ (National American Realtors - NAR) có tới hơn 2 triệu hội viên.

Cũng theo HoREA, Luật Kinh doanh bất động sản 2006 đã công nhận tính chính danh của các nhà môi giới và hoạt động môi giới, dịch vụ, sàn giao dịch bất động sản và đã làm thay đổi cách nhìn “tích cực hơn” của xã hội đối với hoạt động bị coi là “cò đất, cò nhà” trước đây.

HoREA cho rằng hoạt động khởi nghiệp trong lĩnh vực bất động sản thường bắt đầu từ hoạt động môi giới bất động sản. Sau một thời gian trải nghiệm hoạt động môi giới bất động sản, tích lũy được vốn, kiến thức, nhất là am hiểu thị trường, nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, nhà đầu tư và biết được cả phương thức hoạt động của các chủ đầu tư, nên nhiều doanh nghiệp môi giới đã trưởng thành và trở thành chủ đầu tư phát triển dự án bất động sản, trong đó có một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản tầm cỡ hiện nay.

Theo đó, Hiệp hội kiến nghị bổ sung quy định chặt chẽ về nội dung chương trình đào tạo, cấp chứng chỉ đã hoàn thành khóa đào tạo về hoạt động môi giới bất động sản và cấp “chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản”, nhất là cần quan tâm việc cập nhật kiến thức hàng năm cho nhân viên môi giới và xây dựng văn hóa kinh doanh của sàn giao dịch.

Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 69 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 chỉ yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản phải có ít nhất 2 người có “chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản” đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp bất động sản.

Theo HoREA, quy định này chỉ nên áp dụng trong năm đầu tiên (tròn 12 tháng) kể từ ngày thành lập sàn giao dịch bất động sản. Sau thời gian “ân hạn” này thì đề nghị bổ sung quy định tất cả các nhân viên môi giới của sàn giao dịch bất động sản đều phải có “chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản” để “chuẩn hóa” hoạt động của sàn giao dịch. "Nâng cao chất lượng hoạt động của sàn giao dịch bất động sản và năng lực hành nghề của nhân viên môi giới để sàn giao dịch bất động sản và nhà môi giới thực sự là “cầu nối” giữa chủ đầu tư và người tiêu dùng, nhà đầu tư", HoREA nhấn mạnh.

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số Thứ 2 (183)

Tuệ Minh

Tin nổi bật