(ĐSPL) - Ngày 9/1/2014, tại Hà Nội, Hội Luật gia Việt đã có buổi làm việc với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về dự án Luật Trưng cầu ý dân với nhiều nội dung quan trọng. Đến dự buổi làm việc có ông Phan Trung Lý, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; ông Lê Minh Thông, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; ông Nguyễn Kim Hồng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; ông Đặng Đình Luyến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; ông Ngô Văn Minh, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các lãnh đạo và chuyên viên của Vụ Pháp luật Văn phòng Quốc hội.
Về phía Hội Luật gia Việt Nam có ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Trưởng Ban soạn thảo Luật Trưng cầu ý dân; ông Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, Phó Ban soạn thảo Luật Trưng cầu ý dân; bà Lê Thị Kim Thanh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Ủy viên Ban soạn thảo Luật Trưng cầu ý dân, ngoài ra còn có các lãnh đạo, chuyên viên các ban chuyên môn và Văn phòng Trung ương Hội Luật gia Việt Nam.
|
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho biết: Luật Trưng cầu ý dân được Quốc hội giao cho Hội Luật gia Việt Nam chủ trì, đây là dự án Luật quan trọng về quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân. Xác định rõ trách nhiệm của mình, bằng nỗ lực, Hội Luật gia đã có bản dự thảo lần thứ hai, vì đây là dự án luật khó nên Hội Luật gia Việt Nam rất mong nhận được những ý kiến của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật trước khi gửi các bộ, ngành và xin ý kiến Chính phủ.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Lê Minh Tâm báo cáo tóm tắt công việc của Hội Luật gia đã thực hiện trong việc xây dựng dự án Luật Trưng cầu ý dân và một số nội dung chính của dự thảo luật. Theo đó, Hội Luật gia đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập, ban hành kế hoạch xây dựng dự án Luật Trưng cầu ý dân gồm đại diện của Hội Luật gia Việt Nam, Ủy ban Trưng ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, Viện Khoa học và xã hội Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Hội cũng đã tổ chức được 4 cuộc hội thảo khoa học, tổ chức khảo sát ý kiến một số vấn đề về Trưng cầu ý dân tại 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức khảo sát kinh nghiệm ở nước ngoài và tập hợp tài liệu nghiên cứu về Luật Trưng cầu ý dân trong và ngoài nước, biên dịch Luật Trưng cầu ý dân của 10 quốc gia trên thế giới…
|
Hội Luật gia Việt Nam được giao chủ trì xây dựng Luật trưng cầu ý dân để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 và thông qua tại kỳ họp thứ 10. |
Tại buổi làm việc, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Quốc hội hoan nhgênh Ban soạn thảo và Hội Luật gia Việt
đã thực hiện dự án Luật khẩn trương, đảm bảo tiến độ. Bên cạnh đó, phát biểu tại buổi làm việc, các thành viên của Ủy ban Pháp luật Quốc hội đánh giá cao công tác chuẩn bị, xây dựng dự án luật, tán thành về bố cục chung của bản dự thảo Luật Trưng cầu ý dân. Đồng thời, các thành viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội cũng đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho nội dung bản dự thảo luật.
Được biết, thực hiện Nghị quyết số 70/2014/QH13 ngày 30/5/2014 của Quốc hội điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2014 và chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2015, Nghị quyết số 780/NQ-UBTVQH13 ngày 25/6/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII về việc triển khai Nghị quyết số 70/2014/QH13 của Quốc hội khóa XIII, Hội Luật gia Việt Nam được giao chủ trì xây dựng Luật trưng cầu ý dân để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 và thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.