Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hội Luật gia Việt Nam tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý

(DS&PL) -

Ngày 12/12, tại TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang, đã diễn ra Hội nghị tập huấn kiến thức, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho Hội Luật gia.

Ngày 12/12, tại TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang, đã diễn ra Hội nghị tập huấn kiến thức, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho Hội Luật gia các tỉnh, thành phố phía Nam và các đơn vị trực thuộc Trung ương Hội.

Nhiều mô hình hoạt động của Hội hiệu quả

Hội nghị do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức, nhằm thực hiện Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 – 2021.

Kế hoạch năm 2019 triển khai thực hiện Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2017 – 2021”.

Đồng chí Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam chủ trì hội nghị.

Đến dự có đồng chí Lê Văn Nưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cùng Hội Luật gia các tỉnh, thành phố phía Nam và các đơn vị trực thuộc Trung ương Hội.

Quang cảnh buổi hội nghị. (Ảnh: Thanh Lâm).

Về đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hướng về cơ sở, góp phần thực hiện xã hội hóa về công tác này, đồng chí Nguyễn Văn Huệ –Trưởng ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam cho biết, trong quá trình triển khai Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2013 – 2016” đến năm 2021, với sự nỗ lực, trách nhiệm, sáng tạo tổ chức triển khai các hoạt động cụ thể và có hiệu quả.

Vai trò của các cấp hội và hội viên Hội Luật gia Việt Nam trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng được khẳng định, tăng cường trong công tác xã hội.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Huệ, trong những năm qua, Hội Luật gia Việt Nam đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Hội và góp phần thực hiện những chủ trương, kế hoạch chung về phổ biến, giáo dục pháp luật,...

Đáng chú ý, trong nhiệm kỳ qua, các cấp Hội Luật gia đã tổ chức được 525.000 buổi tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cho 19.800.000 lượt người dân, phát hành gần 5 triệu các loại bản tin pháp luật, tờ rơi,…

Hội Luật gia các tỉnh, thành phố đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân tổ chức các báo cáo chuyên đề pháp luật, liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân, phòng, chống tội phạm ma túy, phòng chống bạo lực gia đình.

Tổ chức nhiều đợt tuyên truyền pháp luật và tư vấn pháp luật tại chỗ cho nhân dân, đặc biệt là công nhân khu công nghiệp, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào ít người.

Đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến – Chủ tịch Hội Luật gia TP.Hà Nội nêu ý kiến tại hội nghị. (Ảnh: Thanh Lâm).

Bên cạnh đó, trong việc khảo sát mô hình phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý của Hội Luật gia ở cơ sở và xây dựng mô hình Trung tâm pháp luật cộng đồng, đồng chí Nguyễn Văn Huệ chia sẻ một số mô hình thực hiện hiệu quả.

Điển hình như: Mô hình Tổ phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý thuộc Hội Luật gia TP.Hà Nội với 30 tổ được thành lập ở những nơi có Chi Hội Luật gia xã, phường.

Hoạt động chủ yếu của các tổ này là chủ trì hoặc phối hợp, lồng ghép tổ chức, thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân ở cộng đồng dân cư; Tư vấn, giải đáp pháp luật miễn phí và tổ chức hòa giải bắt buộc ở cơ sở trong lĩnh vực đất đai.

Hay Mô hình Tổ pháp luật cộng đồng thuộc Hội Luật gia quận 6 (TP.HCM) với thành phần chủ yếu là các Luật gia sinh hoạt tại các Chi Hội Luật gia cơ sở, hoạt động linh hoạt phù hợp với điều kiện ở cơ sở, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận pháp luật, phát huy được vai trò của Hội Luật gia ở cơ sở, nâng cao vị trí, vai trò của Hội Luật gia trong thực hiện xã hội hóa công tác phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý,…

Đồng chí Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Thanh Lâm).

Về công tác trợ giúp pháp lý của Hội Luật gia các cấp sau hai năm thực hiện Luật trợ giúp pháp lý 2017, đồng chí Dương Đình Khuyến – Trưởng Ban tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý (Hội Luật gia Việt Nam) cho biết:

“Luật trợ giúp pháp lý được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 khóa XIV có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 đánh dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế công tác trợ giúp pháp lý nói riêng và nghĩa vụ cơ bản của công dân".

Với nhiều nội dung quan trọng, Luật trợ giúp pháp lý 2017 khắc phục những hạn chế, bất cập trong hoạt động trợ giúp pháp lý, tạo khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển bền vững công tác trợ giúp pháp lý theo hướng chuyên nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, xã hội.

Bảo đảm tính khả thi, tạo bước chuyển căn bản, đột phá trong việc nâng cao chất lượng trợ giúp pháp luật, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý làm trung tâm, quy định các cơ chế bảo đảm quyền trợ giúp pháp lý cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý,...

Bớt gánh nặng cho các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước

Liên quan đến công tác nâng cao kỹ năng cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, đồng chí Nguyễn Đình Lục – Chủ tịch hội Phổ biến và tham vấn pháp luật Việt Nam (Hội Luật gia Việt Nam) cho biết, khi tuyên truyền phải gắn kết với thực tế.

Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật phải có đầy đủ năng lực, chuyên môn nghiệp vụ.

Có bản lĩnh chính trị vững vàng để truyền đạt một cách đầy đủ, chính xác các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Đồng thời, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật đòi hỏi phải có kỹ năng sáng tạo tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Phải có kiến thức pháp luật sâu rộng, phải có kiến thức xã hội, kiến thức cuộc sống phong phú, phải có kỹ năng sáng tạo trong quá trình tác nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật,…

Đồng chí Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam (bìa phải) tặng quà lưu niệm cho đồng chí Lê Văn Nưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang. (Ảnh: Thanh Lâm).

Trong công tác giải quyết tranh chấp đất đai và vai trò của Hội Luật gia ở cơ sở, đồng chí Lê Văn Hợp – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế - pháp luật ASEAN (Hội Luật gia Việt Nam) cho biết, theo báo cáo của bộ Tài nguyên và Môi trường, hàng năm bộ này nhận trên dưới 10.000 lượt đơn khiếu nại, tố cáo, tranh chấp thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường của công dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong đó, có đơn thuộc lĩnh vực đất đai chiếm 90% tổng số đơn. Nội dung tiếp công dân chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai với 5.493 lượt, chiếm 93%.

Trước tình trạng trên, với vai trò của Hội Luật gia các cấp trong việc tham gia giải quyết tranh chấp đất đai ở cơ sở đã tích cực tham gia tư vấn pháp luật, hòa giải ở cơ sở, giải quyết các tranh chấp pháp lý.

Nếu công tác hòa giải thực hiện tốt, hiệu quả, thành công sẽ đem lại sự đoàn kết trong nhân dân, bớt gánh nặng cho các cơ quan quản lý hành chính nhà nước và hệ thống Tòa án nhân dân,…

Tuy nhiên, trong quá trình tham gia giải quyết tranh chấp đất đai ở cơ sở còn gặp những khó khăn, vướng mắc.

Tổ chức bộ máy của Hội Luật gia không có Chi hội ở cấp xã phường, trong khi thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai chủ yếu ở cấp xã phường, mà hiện nay trong thành phần Hội đồng hòa giải ở cấp xã, phường chưa có thành phần Hội Luật gia ở cơ sở,…

Đồng chí Lê Văn Hợp – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế - pháp luật ASEAN, Hội Luật gia Việt Nam. (Ảnh: Thanh Lâm).

Nói về Quyền con người và bảo vệ quyền con người trong luật tố tụng hình sự, đồng chí Nguyễn Văn Tuân, Phó Trưởng ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật cho biết: “Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện sâu sắc quan điểm của Đảng ta về tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Việt Nam đã và đang thực hiện nhất quán chủ trương chủ động hội nhập quốc tế, tham gia nhiều tổ chức quốc tế, ký kết và gia nhập nhiều điều ước quốc tế, nhất là trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Nhiều Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù được ký kết giữa nước ta với các nước trên thế giới,…”.

“Đặc biệt, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã cụ thể hóa nhiều quy định của Hiến pháp năm 2013 và quyền con người, quyền công dân, bảo đảm thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Điển hình: Đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội; Đảm bảo quyền bào chữa của người bị buộc tội; Bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên; Thời hạn trong tố tụng hình sự bảo đảm quyền con người, quyền công dân,…”, đồng chí Nguyễn Văn Tuân cho biết thêm.

Dịp này, Đồng chí Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam tặng quà lưu niệm cho đồng chí Lê Văn Nưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang.

Thanh Lâm

Theo Người Đưa Tin

Tin nổi bật