Những thành tựu nổi bật
Đến dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XII (nhiệm kỳ 2014-2019) có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh văn phòng Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh; Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hà Thị Liên... cùng nhiều lãnh đạo ban ngành trung ương, các tỉnh, thành phố.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XII. |
Về phía Hội Luật gia Việt Nam có Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh; Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Hiện cùng các lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam, các Luật gia lão thành nguyên là lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam qua các thời kỳ, lãnh đạo các Hội Luật gia các tỉnh, thành phố, các chi hội, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội và 357 Đại biểu đại diện cho 46.000 hội viên Hội Luật gia Việt Nam.
Mở đầu Đại hội, thay mặt lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hiện, Bí thư Đảng Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam trình bày Diễn văn Khai mạc. Theo đó, trong nhiệm kỳ XI (2009 - 2014) vừa qua, có nhiều sự kiện quan trọng đã diễn ra trong tổ chức và hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam. Kết luận số 19-KL/TW ngày 23/5/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tổng kết thực hiện Chỉ thị số 56-CT/TW ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam; Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 24/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới đã tạo cơ sở chính trị - pháp lý vững chắc cho tổ chức và hoạt động của các cấp Hội Luật gia; xác định rõ Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp - đặc thù, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có vị trí, vai trò quan trọng trong việc đoàn kết, tập hợp rộng rãi đội ngũ Luật gia trong cả nước tự nguyện tham gia công tác hội vì mục đích góp phần bảo vệ lẽ phải, công bằng và tiến bộ xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, quyền tự do dân chủ của nhân dân; bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ đường lối chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước trên diễn đàn pháp lý quốc tế, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam Lê Minh Tâm trình bày báo cáo tổng kết công tác Hội Luật gia Việt Nam nhiệm kỳ XI (2009 - 2014), phương hướng, nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ XII (2014 - 2019). Theo báo cáo, trong nhiệm kỳ qua, Hội Luật gia Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận, như: Chủ trì xây dựng thành công Luật Trọng tài Thương mại cũng như nhận được sự tín nhiệm được giao trọng trách chủ trì xây dựng dự án Luật Trưng cầu ý dân. Bên cạnh đó, Hội cũng đã tổ chức tốt việc lấy ý kiến góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; Tham gia trực tiếp vào ban soạn thảo, tổ biên tập các dự án luật, pháp lệnh và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác...
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam Lê Minh Tâm. |
Trong nhiệm kỳ qua, các cấp Hội Luật gia đã tổ chức được 68.315 buổi tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cho 9.123.128 người dân, phát hành 3.006.000 các loại bản tin pháp luật, tờ rơi, tờ gấp... Theo báo cáo của 50 tỉnh, thành hội, các trung tâm tư vấn pháp luật đã thực hiện tư vấn pháp luật cho 370.117 vụ việc và trợ giúp pháp lý cho 274.836 vụ việc. Nhiều cấp hội đã chú trọng gắn công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý với công tác hoà giải, góp phần thiết thực vào việc giải quyết thành công nhiều vụ việc tranh chấp ở cơ sở. Nhiều trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý đã có sự chủ động thu hút được các Luật gia có trình độ, kinh nghiệm và nhiệt tình tham gia tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, được nhân dân tin tưởng, tín nhiệm, trong đó có các trung tâm tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý của Hội Luật gia các tỉnh/thành phố: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Ninh Bình, Lai Châu, Bình Thuận, Kiên Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Tiền Giang...
Là thành viên của Hội đồng tuyển chọn thẩm phán và kiểm sát viên, Trung ương hội và Hội Luật gia các tỉnh, thành phố đã phát huy tốt vai trò, thể hiện rõ trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến trong việc đánh giá, nhận xét để tuyển chọn thẩm phán, kiểm sát viên. Trong nhiệm kỳ, Trung ương Hội và các cấp Hội đã tham gia tuyển chọn để bổ nhiệm mới và bổ nhiệm lại: 88 kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, 65 thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, 47 thẩm phán Tòa án quân sự Trung ương, 96 thẩm phán Tòa án quân sự các cấp và hàng nghìn thẩm phán, kiểm sát viên ở địa phương.
Khẳng định vị thế trên trường quốc tế
Theo báo cáo của Hội Luật gia Việt Nam, hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế trong nhiệm kỳ 2009-2014 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Là thành viên của Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL), Hội Luật gia Việt Nam đã tham gia đầy đủ các cuộc họp thường niên của Ban Thường vụ IADL và tích cực đóng góp ý kiến về các vấn đề pháp lý mà IADL quan tâm và đưa ra thảo luận. Đặc biệt, Hội đã tranh thủ tối đa tư cách là thành viên viên IADL để vận động IADL ủng hộ các vấn đề có liên quan của Việt Nam trên trường quốc tế. Năm 2013 Hội Luật gia Việt Nam đã đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông ra các cuộc họp IADL để tranh thủ sự ủng hộ của giới luật gia quốc tế đối với Việt Nam. Ngày 11/11/2013, IADL đã ra tuyên bố kêu gọi các bên không tiến hành các hành động làm gia tăng căng thẳng tại khu vực Biển Đông; giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế.
Đáng chú ý, ngày 9/5/2014 và ngày 25/6/2014 Hội Luật gia Việt Nam ra tuyên bố cực lực phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển Việt Nam và có các hành động leo thang đâm chìm tàu cá của Việt Nam, đồng thời thông báo sự việc cho toàn thể các thành viên của IADL và đề nghị IADL ra tuyên bố ủng hộ Việt Nam bảo vệ quyền chủ quyền trong thềm lục địa của mình. IADL đã công bố bản tuyên bố về vấn đề này và Chủ tịch IADL gửi thư đến Chính phủ và các cơ quan liên quan của Trung Quốc yêu cầu tôn trọng luật pháp quốc tế, không làm phức tạp tình hình và leo thang căng thẳng ở Biển Đông. Trước đó, năm 2012 Hội Luật gia Việt Nam đã ra tuyên bố phản đối Quốc vụ viện Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa; phản đối công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc mời thầu thăm dò dầu khí tại thềm lục địa của Việt Nam. Tại Đại hội IADL lần thứ 18 tổ chức tại Bỉ vào tháng 4 năm 2014, Hội Luật gia Việt Nam đã phối hợp với Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam đưa vấn đề về trách nhiệm của Chính phủ Hoa Kỳ đối với các nạn nhân Việt Nam bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/Dioxin mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam. Kết quả là IADL đã đồng ý ra tuyên bố ủng hộ Việt Nam về vấn đề này.
Bản báo cáo cũng chỉ rõ phương hướng, nhiệm vụ công tác của Hội Luật gia Việt Nam khóa XII trên tinh thần, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, xây dựng và phát triển tổ chức Hội Luật gia Việt Nam ngày càng vững mạnh, xây dựng đội ngũ luật gia Việt Nam giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững vàng về chính trị tư tưởng, tận tụy với nghề, vì dân, vì công lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Các mục tiêu xác định cụ thể phấn đấu đạt được trong nhiệm kỳ 2014-2019: 100\% các quận huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có tổ chức Hội Luật gia; Về hội viên: Có 50.000 hội viên trở lên, bảo đảm chất lượng, đáp ứng các tiêu chí: Giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững vàng về chính trị tư tưởng, tận tụy với nghề, vì dân, vì công lý; Trong công tác xây dựng chính sách pháp luật Hội cũng phấn đấu hoàn thành đúng quy trình, tiến độ với chất lượng cao việc soạn thảo Luật Trưng cầu ý dân. Hoàn thành 100\% các nhiệm vụ được giao trong tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; tăng cường các hoạt động tư vấn chính sách, giám sát và phản biện xã hội được giao...
Mở ra thời kỳ mới cho sự phát triển của Hội
Tại Đại hội, các đại biểu cũng được nghe bà Đồng Thị Ánh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam trình bày bản Báo cáo kiểm điểm Ban Chấp hành Trung ương Hội nhiệm kỳ XI, đồng thời các đại biểu cũng trình bày tham luận và thảo luận tại Đại hội. Cụ thể, luật sư Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hà Nội trình bày tham luận Hội Luật gia Thành phố Hà Nội với công tác xây dựng chính sách pháp luật và trợ giúp pháp lý. Luật gia Nguyễn Kiến Quốc, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Bình Thuận trình bày tham luận về tư vấn pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho các can phạm, phạm nhân tại các nhà tạm giữ, trại tạm giam và trại giam ở tỉnh Bình Thuận. Luật sư, PGS. TS. Chu Hồng Thanh tham luận về vai trò của Hội Luật gia Việt Nam tham gia giám sát và phản biện xã hội...
Tân Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền. |
Tại Đại hội, các Đại biểu tham dự đã bỏ phiếu bầu ra Ban chấp hành Trung ương Hội Luật gia Việt Nam gồm 111 đồng chí. Ban Chấp hành họp phiên thứ nhất bầu Ban Thường vụ và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Hội Luật gia Việt Nam. Theo đó, Ban Thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2019 gồm 24 vị. Trong đó, ông Nguyễn Văn Quyền được bầu làm Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam và 6 ông, bà được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam bao gồm các ông: Phan Chí Hiếu; Nguyễn Doãn Khánh, Trần Công Phàn; Nguyễn Sơn; Lê Minh Tâm; bà Lê Thị Kim Thanh, trong đó, ông Lê Minh Tâm được bầu làm Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII cũng đã thông qua Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII (nhiệm kỳ 2014-2019). Tại Đại hội, các đại biểu đã thống nhất ghi nhận ông Phạm Quốc Anh làm Chủ tịch danh dự Hội Luật gia Việt Nam.
Bế mạc Đại hội, tân Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam khóa XII Nguyễn Văn Quyền khẳng định, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XII nhiệm kỳ 2014 - 2019 thành công tốt đẹp, kết quả Đại hội có ý nghĩa to lớn, mở ra thời kỳ mới cho sự phát triển của Hội.
Danh sách lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2019: Ông Nguyễn Văn Quyền (Phó trưởng ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp TW) - Chủ tịch 6 Phó Chủ tịch (xếp theo thứ tự A,B,C): 1. Ông Phan Chí Hiếu (Thứ trưởng bộ Tư pháp, Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội) - Phó Chủ tịch. 2. Ông Nguyễn Doãn Khánh (Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương) - Phó Chủ tịch. 3. Ông Trần Công Phàn (Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao) - Phó Chủ tịch. 4. Ông Nguyễn Sơn (Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao) - Phó Chủ tịch. 5. Ông Lê Minh Tâm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam. 6. Bà Lê Thị Kim Thanh - Phó Chủ tịch, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Đối ngoại và hợp tác Quốc tế Hội Luật gia Việt Nam. |