Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Học sinh đi học trực tiếp: Phụ huynh mừng rỡ nhưng vẫn lo lắng

  • Hiếu Nguyễn
(DS&PL) -

Hầu hết phụ huynh đều vui mừng nhưng cũng rất lo lắng bởi tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Ngày 8/2 vừa qua, học sinh khối 7 đến 12 toàn thành phố Hà Nội đến trường học trực tiếp sau thời gian học trực tuyến. Dự kiến, học sinh lớp 1 đến lớp 6 thuộc 12 quận nội thành Hà Nội cũng  sẽ trở lại trường vào ngày 21/2. Hầu hết phụ huynh đều vui mừng nhưng cũng rất lo lắng bởi tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Phụ huynh mang tâm trạng vừa mừng rỡ, vừa lo lắng

Sau nhiều ngày chờ đợi, mong ngóng, thông tin về lịch học trực tiếp của học sinh khối tiểu học, THCS tại Hà Nội đã gây ra nhiều cảm xúc cho các phụ huynh. Vui mừng, hồi hộp là những phản ứng đầu tiên của đại đa số bậc cha mẹ, bời thực tế, việc học online kéo dài nhiều tháng trời đã bộc lộ nhiều bất cập. Dù vậy, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại Hà Nội cũng gây ra sự lo lắng.

Gần 7 tháng qua, con trai lớp 10 của chị Nguyễn Huyền Thương (quận Cầu Giấy, Hà Nội) mới được trở lại trường học. Chị cho biết bản thân cảm thấy vui mừng nhưng cũng “sốt ruột” bởi các thông tin liên quan đến dịch bệnh.

“Qua báo chí tôi thấy rất nhiều trường học phát hiện học sinh mắc COVID-19 ngay trong ngày đầu tiên đi học lại. Ban đầu tôi rất lo lắng nhưng rồi tự nhủ rằng con mình đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, thể trạng không có bệnh nền nên cũng an tâm hơn. Cá nhân tôi cho rằng cũng không thể trì hoãn việc đi học trực tiếp nữa”, chị Huyền Thương nói.

Trước khi đi học, chị Huyền Thương không quên nhắc con mình mang đầy đủ khẩu trang, bình xịt sát khuẩn, tuân thủ lời thầy cô nhắc nhở, thực hiện tốt 5K, không tụ tập sau giờ học, về thẳng nhà hạn chế nguy cơ lây nhiễm.

Đồng quan điểm trên, chị Nguyễn Thanh Bình (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết việc học trực tuyến kéo dài làm giảm hiệu quả tiếp thu kiến thức của con trẻ, nhất là với khối học sinh cuối cấp rất cần rèn luyện, trau dổi kiến thức để chuẩn bị cho các kỳ thi lớn.

“Lo ngại nhất là việc con trẻ không được tiếp xúc xã hội, chỉ biết ngồi trước máy tính hàng giờ liền. Bản thân tôi cũng khó có thể kiểm soát quá trình sử dụng máy tính của con, không thể biết được cháu đang học thật sự hay làm việc riêng”, chị Bình bày tỏ. Sau khi được trở lại trường học, chị Bình quan sát tinh thần con rất phấn khởi, chủ động chia sẻ các câu chuyện về bạn bè, thầy cô,..khác hẳn với thái độ mệt mỏi, ủ rũ khi học online tại nhà.

“Đây là điều tôi cảm thấy giá trị nhất. Tôi vẫn nhắc nhở con mình phải đeo khẩu trang, hạn chế ôm hôn, chơi đùa trong lớp để tránh nguy cơ lây nhiễm”, chị Bình nói.

Học sinh trường THCS Nguyễn Tri Phương (Hà Nội) trở lại trường ngày 8/2 vừa qua.

Phụ huynh trẻ mầm non vẫn “mòn mỏi” chờ thông báo mới

Mặc dù học sinh khối tiểu học, THCS, THPT đều đã có lộ trình đi học trực tiếp trở lại, tuy nhiên, khối trẻ mầm non hiện vẫn chưa có thông báo cụ thể. Cập nhật mới nhất từ Bộ GD&ĐT, cho biết đến tối 7/2 có 63/63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh khối mầm non và tiểu học đi học trực tiếp trong tháng 2/2022. Trong đó, có 53/63 tỉnh, thành phố cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học bắt đầu học trực tiếp từ ngày 7/2 đến ngày 14/2.

Riêng tại Hà Nội, nhiều phụ huynh có con đang học mầm non tỏ ra sốt ruột, mong thành phố sớm công bố thời gian con đi học để gia đình sắp xếp kế hoạch đón và bố trí người chăm sóc.

Đã nhiều tháng qua, chị Đỗ Thị Chang (quận Hà Đông, Hà Nội) luôn trong trạng thái “quá tải” vì vừa phải lo công việc cơ quan, vừa phải trông con nhỏ.

“Tôi mong ngóng từng ngày thành phố sẽ có chỉ đạo mới cho cấp học mầm non, bởi cứ để con ở nhà thì tôi không thể tập trung toàn vẹn cho công việc ở cơ quan. Tuy vậy, đến giờ vẫn chưa có thông báo gì mới nên tôi cảm thấy rất sốt ruột”, chị Chang tâm sự.

Cũng theo chị Chang, thực tế nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 trong trường mầm non là hoàn toàn có, nhưng con trẻ hoàn toàn có thể bị nhiễm bệnh từ ông, bà, cha mẹ,…chứ không riêng gì ở trường mầm non. “Các giáo viên hiện tại cũng đã tiêm đủ 2, thậm chí 3 mũi vaccine. Tôi cho rằng đã đến lúc cần mở cửa lại trường mầm non để học sinh và phụ huynh ổn định cuộc sống trong trạng thái thích nghi với dịch bệnh”, chị Chang đề xuất.

Theo sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cùng với việc chuẩn bị điều kiện để đón học sinh, sở đã chỉ đạo nhà trường thông tin đầy đủ tới gia đình học sinh về công việc cần chuẩn bị khi đưa học sinh trở lại nhằm tạo sự đồng thuận, bảo đảm cho việc tổ chức dạy học hiệu quả.

Đồng thời, nhà trường cần chuẩn bị thêm bộ xét nghiệm nhanh và quan tâm tới danh mục thuốc, vật tư của phòng y tế, phòng cách ly để sẵn sàng xử lý khi có tình huống bất ngờ, ngăn chặn thấp nhất mức độ lây lan của dịch bệnh tại trường nếu có.

Hiếu Nguyễn - Khánh Ngân 

Tin nổi bật