Thông tin trên báo VTC News, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ dự kiến thu học phí bình quân cho khoá sinh viên mới năm học 2023 - 2024 là 37,6 triệu đồng/năm học (tăng 13 triệu so với năm ngoái). Trường chưa công bố học phí chi tiết với từng ngành học.
Đại học Dược Hà Nội dự kiến mức học phí mới với hệ đại trà 24,5 triệu đồng/năm học - ngành Dược học (tăng hơn 10 triệu đồng so với năm ngoái), và 18,5 triệu đồng - ngành Hoá dược, thấp nhất 13,5 triệu đồng - ngành Công nghệ sinh học. Với chương trình chất lượng cao là 49,5 triệu đồng/năm học.
Một lớp học của khoa Y học cổ truyền - Đại học Y Dược TP.HCM. Ảnh: UMP
Đại học Y Dược TP.HCM cũng tăng học phí cho năm học tới. Cụ thể, ngành Y tế công cộng tăng học phí mạnh nhất với 45 triệu đồng/năm học (tăng 8 triệu đồng so với năm ngoái).
Các ngành Điều dưỡng, Điều dưỡng chuyên ngành Gây mê hồi sức, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Dinh dưỡng thu học phí 41,8 triệu đồng/năm học, (tăng 4,8 triệu đồng).
Ngành có mức tăng thấp hơn là Y học dự phòng, Y học cổ truyền với học phí 45 triệu đồng/năm học, (tăng 3,2 triệu đồng).
Ba ngành giữ nguyên học phí là Răng - Hàm - Mặt, Y khoa, Dược học, thu lần lượt 77, 74,8 và 55 triệu đồng/năm.
Khoa Y dược (Đại học Đà Nẵng) dự kiến tăng lên từ 20,9 - 27,6 triệu đồng/năm. Năm trước, trường có học phí từ 18,5 - 24,5 triệu đồng/năm tùy ngành. Đề án tuyển sinh cũng ghi rõ, mức học phí các năm còn lại tăng theo lộ trình do Nhà nước quy định.
Trường Đại học Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng cũng dự kiến nâng học phí từ 18,5 - 24,5 triệu đồng/năm lên 20,9 đến 27,6 triệu đồng/năm trong năm học 2023 - 2024.
Tại Khoa Y (Đại học Quốc gia TP.HCM), học phí các ngành y khoa, dược, răng hàm mặt và y học cổ truyền dự kiến 55 triệu đồng, tăng 6 triệu đồng so với năm học trước. Riêng ngành điều dưỡng có mức tăng ít hơn, từ 37 lên 40 triệu đồng/năm. Mức thu này thấp hơn mức trần quy định từ vài trăm nghìn đồng đến 1,8 triệu đồng/năm.
Trong đề án tuyển sinh, Đại học Y tế công cộng chỉ thông báo mức học phí sẽ tăng theo lộ trình và quy định tại Nghị định 81 của Chính phủ, không thông tin cụ thể về số tiền và lộ trình tăng học phí.
Trước đó, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đồng ý phương án các đại học và cơ sở giáo dục nghề tăng học phí từ năm học tới, theo lộ trình đã định từ năm 2021.
Thông tin được đưa ra tại cuộc họp của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chiều 10/5. Phó thủ tướng đồng ý phương án cho các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng học phí theo lộ trình nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ.
Theo đó, từ năm tới, mức trần học phí đối với các trường đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên (chưa tự chủ) là 1,41 - 2,76 triệu đồng một tháng, tuỳ từng khối ngành. Mức thu cũ là 980 nghìn đến 1,43 triệu đồng.
Những trường đã tự bảo đảm chi thường xuyên được thu mức tối đa bằng hai lần mức trên (2,8-5,5 triệu đồng). Những trường tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư được thu cao nhất gấp 2,5 lần (3,5 - 6,9 triệu đồng), theo VnExpress.
Vân Anh (T/h)