Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Học dốt mới thi vào sư phạm: Các nhà giáo nói gì?

(DS&PL) -

(ĐSPL) – Những năm gần đây, điểm thi vào các trường sư phạm thấp hơn hẳn những năm trước nhưng rất nhiều người giỏi vẫn chọn thi vào ngành này.

(ĐSPL) – Những năm gần đây, điểm thi vào các trường sư phạm thấp hơn hẳn những năm trước nhưng rất nhiều người giỏi, đủ khả năng thi đỗ những trường top đầu vẫn chọn thi sư phạm.

Liên quan đến một bài viết trên báo VnExpress “học dốt mới thi vào sư phạm” đầu tháng 3 gây xôn xao dư luận thời gian qua, đã có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau xung quanh bài viết này.

Bài báo dẫn câu chuyện về một thầy giáo khi đến nhà học sinh, trong lúc ngồi nói chuyện với phụ huynh, thầy giáo hỏi: "Gia đình dự định cho em thi vào trường đại học nào?".

Phụ huynh trả lời: "Nói thật với thầy, thằng anh học giỏi chúng tôi nghe thầy đã cho thi vào trường Bách khoa, còn thằng em học dốt chắc cho nó đi sư phạm thầy à”.

Tác giả bài viết còn nêu thực tế, xu thế người tài không đi vào sư phạm, những người thầy tương lai, đi dạy học sinh trong tương lai mà chỉ là những người “dốt” (như lời phụ huynh trên nói). Ngoài ra, một thầy giáo dạy toán tương lai mà thi đại học môn toán chỉ được có 2 điểm. Một cô giáo dạy hóa đi viết phương trình phản ứng trong khi phản ứng không xảy ra, vì khi thi đại học môn hóa chưa được nổi 3 điểm…

Ngay khi đọc bài báo, nhiều nhà sư phạm, trong đó có cả những người đã làm nghề giáo hoặc không theo nghề đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.

Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh – Giáo sư Văn Như Cương cho rằng, bài báo phản ánh chưa đúng thực tế hiện nay vì những năm trước đây, ngành sư phạm lấy điểm rất cao (từ 27 – 28 điểm), dù những năm gần đây đầu vào có thấp hơn nhưng chưa bao giờ lấy thấp đến mức thầy giáo dạy toán được có 2 điểm hay cô giáo dạy hóa chưa được nổi 3 điểm.

Giáo sư Văn Như Cương.

Một sinh viên sư phạm bày tỏ bức xúc: “Ngày xưa, mình thi vào sư phạm là do ba mẹ yêu nghề giáo, thế nhưng càng học, càng dấn thân vào nghề mới biết rằng mình cũng là người tâm huyết, nhiệt tình với nghề. Đọc xong bài viết này thấy mình bị tổn thương nghiêm trọng về sự nỗ lực và cố gắng của mình”.

Cho rằng bài báo đã xúc phạm tới những người nặng lòng với sự nghiệp “trồng người”, TS. Trần Hoàng - Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa học - Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho biết: “ Bài viết 'Học dốt mới thi vào sư phạm' đã vơ đũa cả nắm! Trường sư phạm nào tôi không dám khẳng định, chứ Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh thì tôi dám chắc những học sinh yếu chẳng dại gì nộp đơn thi vào, vì có thi cũng rớt. Theo tôi, bài viết này đã xúc phạm nghiêm trọng những người yêu nghề dạy học”.

TS Trần Hoàng - Phó Tổng biên tập tạp chí Khoa học - Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, thầy Hoàng cũng nhìn nhận một thực tế trong vấn đề tuyển sinh ngành sư phạm hiện nay cũng cần có nhiều thay đổi, cần nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên tại trường sư phạm. Việc cho "nâng cấp" ồ ạt lên đại học các trường sư phạm ở nhiều địa phương dẫn đến hệ quả tranh nhau tuyển sinh để tồn tại, bất chấp thực lực như vừa qua cũng đã góp phần làm cho chất lượng giáo viên suy giảm, ngành sư phạm bị tai tiếng.

Chị Hoàng Thị Vân Anh (tốt nghiệp thạc sĩ Văn học, Đại học Sư phạm Hà Nội) đang theo đuổi ngành truyền thông thẳng thắn chia sẻ: “Bài viết cũng có cơ sở vì vài năm gần đây điểm thi vào sư phạm thấp hơn hẳn những năm trước. Tuy nhiên, nếu đánh giá tất cả là “học dốt mới thi vào sư phạm” như thế là hơi phiến diện. Còn rất nhiều người giỏi, có đủ điều kiện để thi đỗ những trường khác nhưng vẫn chọn sư phạm để thi vì nhiều lý do khác nhau.

Thạc sĩ Văn học Hoàng Thị Vân Anh.

Không phủ nhận chất lượng thi đầu vào hiện nay có phần giảm sút so với trước đây vì xã hội xưa, vai trò của người thầy được coi trọng, sinh viên sư phạm ra trường được phân công việc đến các địa phương luôn, còn giờ thì kể cả tốt nghiệp thạc sĩ nhưng vẫn có rất nhiều người không được đi dạy, phải làm trái ngành nghề, hoặc ở nhà chờ đợi, mà chờ cũng chưa biết bao giờ mới được làm nghề mình học.

Liệu với thực trạng như vậy, những người giỏi đến mấy họ cũng có bản lĩnh và dũng cảm theo đuổi ước mơ được làm thầy cô giáo đứng trên bục giảng hay không?

Tôi nghĩ, nếu nhà nước không có định hướng rõ ràng và "lo xa" một chút thì trong tương lai, ngành giáo dục sẽ hết sức đáng lo ngại và điểm thi vào sư phạm còn tiếp tục xuống thấp hơn nữa do không mấy ai mặn mà thi vào ngành này”.

Xem thêm clip Cô gái xương thủy tinh trở thành Giám đốc trung tâm dạy nghề:

Tin nổi bật