Liên quan đến hoạt động quảng bá, bán hàng rầm rộ của sàn thương mại điện tử (TMĐT) Temu tại Việt Nam, trao đổi với các cơ quan thông tấn báo chí, ngày 24/10, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết Temu đã có văn bản chính thức gửi đơn vị này về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật thương mại điện tử Việt Nam khi gia nhập thị trường.
Như vậy, ít nhất từ thời điểm trước ngày 24/10, Temu đã hoạt động “chui” tại Việt Nam khi chưa được các cơ quan chức năng cấp phép.
Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết theo điểm d khoản 1 Điều 4 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 85/2021/NĐ-CP) của Chính phủ quy định về thương mại điện tử, pháp luật nghiêm cấm các hành vi cung cấp các dịch vụ TMĐT hoặc dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong TMĐT khi chưa đăng ký.
“Giả sử sàn TMĐT hoạt động bán hàng khi chưa được cấp phép/đăng ký thì có thể được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất và mức độ của hành vi mà chủ thể vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính”, Luật sư Diệp Năng Bình nhấn mạnh.
Sàn thương mại điện tử Temu hoạt động rầm rộ ở Việt Nam khi chưa được cấp phép.
Theo điểm a khoản 4 Điều 62 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, về hành vi vi phạm về thiết lập website TMĐT hoặc ứng dụng TMĐT trên nền tảng di động (gọi tắt là ứng dụng di động),
Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký website cung cấp dịch vụ TMĐT hoặc ứng dụng dịch vụ TMĐT với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Đối với tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền gấp đôi.
Ở một diễn biến khác, ngày 26/10, trao đổi bên hàng lang Quốc hội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, ông đã nghe và nhận được nhiều phản ánh từ nhiều phía, trong đó có ý kiến của các đại biểu Quốc hội về sàn thương mại điện tử Temu (Trung Quốc). Ông Phớc đã trực tiếp gọi điện cho lãnh đạo Tổng cục Thuế, đồng thời yêu cầu kiểm tra lại việc lập hồ sơ thu thuế đối với sàn thương mại điện tử Temu đang tiến hành đến bước nào.
Sau khi có chỉ đạo với Tổng cục Thuế, Phó Thủ tướng thông tin sàn thương mại điện tử Temu vừa xuất hiện, quảng cáo khá rầm rộ đối với người tiêu dùng Việt Nam. Temu cũng nằm trong diện phải nộp thuế như Google, Facebook…
"Tổng cục Thuế đang cho kiểm tra dữ liệu và yêu cầu đến kê khai nộp thuế. Trường hợp không nộp sẽ tổ chức thanh tra, xử lý", Phó Thủ tướng nêu rõ.