Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Họa từ “trên trời rơi xuống”, Giám đốc bị “khủng bố” dù không vay nợ

(DS&PL) -

Dù không vay mượn, bảo lãnh cho ai vay nợ, nhưng một Giám đốc ở Hải Phòng bỗng dưng bị “khủng bố” bằng điện thoại để đòi nợ, bị đăng hình lên Facebook để bêu riếu.

Dù không vay mượn, bảo lãnh cho ai vay nợ, nhưng một Giám đốc ở Hải Phòng bỗng dưng bị “khủng bố” bằng điện thoại để đòi nợ, bị đăng hình lên Facebook để bêu riếu.

Khốn đốn vì bị bêu xấu trên mạng xã hội

Thời gian gần đây, Công an TP. Hải Phòng liên tục nhận được phản ánh của nhiều người về việc họ liên tục bị “khủng bố” bằng điện thoại nhằm đòi nợ dù họ không nợ nần hay đứng ra bảo lãnh cho tổ chức cá nhân nào.

Đơn cử là trường hợp chị P.H.T., Giám đốc trung tâm Ngoại ngữ Gia Bảo, tại phường Cầu Đất, quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng. Vào khoảng tháng 3/2021, chị liên tục nhận được các cuộc gọi, tin nhắn từ số điện thoại khác nhau yêu cầu phải có trách nhiệm với khoản vay của anh Đ.T.H..

Không chỉ dọa dẫm, lăng mạ vì chị không tác động để anh Đ.T.H. trả nợ, các đối tượng lạ mặt còn đưa ảnh đại diện của chị đăng tải lên mạng xã hội bêu riếu nói xấu khiến cuộc sống và công việc của chị bị ảnh hưởng rất nhiều. Nghiêm trọng hơn, chúng còn đăng ảnh nạn nhân lên Facebook của bạn bè, đồng nghiệp.

Nhiều người bị "khủng bố", bêu riếu hình ảnh cá nhân lên Facebook dù không nợ tiền tổ chức, cá nhân nào (ảnh minh họa).

Chị P.H.T. cho biết, từ năm 2019, anh Đ.T.H. là phụ huynh của 1 học sinh từng học tại trung tâm ngoại ngữ của chị. Tuy nhiên, đến ngày 11/5/2020, em học sinh đó đã không còn học ở đây, chị H.T. cũng không còn liên lạc với học sinh và phụ huynh nói trên và càng không hề hay biết chuyện vay nợ của anh Đ.T.H.. “Tôi vô cùng mệt mỏi và lo lắng, hoang mang trước những hành vi đe dọa, xâm hại đến tinh thần bản thân và những người trong gia đình của những đối tượng trên”, chị P.H.T. cho biết.

Không riêng gì chị P.H.T., thời gian qua có nhiều người dân bỗng dưng nhận được những cục nợ từ trên trời rơi xuống qua điện thoại. Những cuộc gọi đó thường là từ các công ty tài chính, công ty quản lý các app cho vay. Hầu hết các khổ chủ đều quen biết hoặc là người nhà của người vay nợ song hoàn toàn mù tịt về các món nợ mà bạn bè, người thân của mình vay. Nên khi được gọi điện yêu cầu phải tác động hoặc trả nợ thay, tất cả đều vô cùng hoảng hốt, ngỡ ngàng.

Theo tìm hiểu, khi người nào đó vay tiền của các tổ chức tài chính hoặc qua app tài chính đều được yêu cầu phải cung cấp thông tin và số điện thoại của một người thân nào đó để liên lạc trong trường hợp khẩn cấp. Đây cũng chính là căn nguyên dẫn tới việc nhiều người không hề vay, nhưng bỗng dưng... mắc nợ.

Giới đi đòi nợ thuê gọi đó là đòi nợ bạn của con nợ. Và để đạt được mục đích thu hồi tiền thì những kẻ đòi nợ không từ bất cứ thủ đoạn nào để ép con nợ và những người chúng biết phải trả nợ.

Theo cơ quan công an, thực trạng vay nợ dưới hình thức tín dụng đen hoặc vay qua các công ty tài chính, app tài chính đang diễn biến hết sức phức tạp và tạo nên nhiều hệ lụy trong xã hội. Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm tình trạng này cũng không hề đơn giản. Người dân không may bị các đối tượng đòi nợ vô cớ gọi điện, nhắn tin uy hiếp hoặc có những hành động xúc phạm trên mạng xã hội cần trình báo sự việc cho cơ quan công an.

Đối với các số điện thoại chuyên quấy phá, người dân cũng có thể báo trực tiếp với sở Thông tin và Truyền thông TP.Hải Phòng để từ đó có sự phối hợp với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp liên quan điều tra làm rõ và xử lý.

Có thể xử lý hình sự

Trường hợp của chị T. không phải là hi hữu. Thời gian gần đây, tình trạng nhiều người bỗng dưng bị một số kẻ lạ mặt khủng bố tinh thần bằng cách đưa hình ảnh, thông tin vu khống họ lên mạng xã hội nhằm bêu xấu, nhục mạ để gây áp lực đòi nợ. Các đối tượng này sử dụng nhiều sim rác, nick Facebook ảo nên việc truy tìm thủ phạm rất mất công. Tuy nhiên, do tâm lý chung, nhiều “bị hại” sau một thời gian thấy yên ổn trở lại thì không muốn khuấy lên sự việc nữa nên không làm đến cùng.

Trao đổi với PV, luật sư Diệp Năng Bình (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, hiện nay, việc đăng những thông tin có nội dung đòi nợ thông thường lên Facebook không bị pháp luật ngăn cấm nếu giữa các cá nhân có vay nợ thực sự với nhau. Còn với các trường hợp không có vay nợ mà lại bị kẻ khác vu khống, đe dọa, thì tại Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng internet đã ghi rõ: Nghiêm cấm hành vi đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân và tiết lộ những bí mật khác do pháp luật quy định.

Trong những trường hợp đã kể trên, có thể thấy một số đối tượng cho vay nặng lãi, hay một số ngân hàng sử dụng công ty đòi nợ thuê để đăng thông tin giả mạo, bịa đặt, đe dọa, thóa mạ, hạ thấp danh dự của người khác nhằm gián tiếp đòi khoản nợ đã cho vay là hành vi vi phạm pháp luật. Hiện những hành vi này
sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự khi xét thấy có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Ngoài ra, người bị đăng thông tin vu khống có thể khởi kiện dân sự, yêu cầu người có hành vi vi phạm phải bồi thường thiệt hại và xin lỗi công khai.

Về xử phạt hành chính, tại điểm g, khoản 3, Điều 66 Nghị định 174/2013 thì mức phạt cho các hành vi vi phạm “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”; “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật” là từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Về truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) tại các Điều 155 - Tội làm nhục người khác hoặc Điều 156 - Tội vu khống, hoặc Điều 170 - Tội cưỡng đoạt tài sản nếu cơ quan có thẩm quyền xem xét và nhận thấy hành vi có đầy đủ các yếu tố cấu thành các tội phạm này.

Minh Sơn

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Tư (48)

Tin nổi bật