Định kiến khiến nhiều Hoa hậu chọn cho mình cách nói chuyện nhàn nhạt để đảm bảo an toàn, nhưng điều này không có ở Vũ Hương Giang. Trong cuộc trò chuyện với ĐS&PL, Vũ Hương Giang không từ chối những câu hỏi khó và cũng chẳng ngại đề cập đến những vấn đề nhạy cảm.
Nhan sắc là tài sản hao mòn
Đăng quang Hoa hậu nhưng Vũ Hương Giang lại không tận dụng sức nóng để tấn công showbiz. Điều này có vẻ không bình thường lắm?
Vào showbiz ngay khéo tôi lại bị bảo lấy danh Hoa hậu để vào giới giải trí. Sau đêm đăng quang nhiều người nghĩ một cô gái có thể một bước lên tiên, từ Lọ Lem thành công chúa. Kỳ thực cuộc sống vẫn vậy, thậm chí tôi phải tức tốc quay lại trường để kịp làm bài thi. Điểm tốt khi là Hoa hậu chính là có nhiều cơ hội hơn trước và cảm nhận được sức nặng của vương miện nên hành xử cũng cẩn trọng, cân nhắc với bối cảnh, tránh buông tuồng.
Với một cô gái có bố là công chức, mẹ là giáo viên dạy văn. Sự chỉn chu này có vẻ như không hợp với những tranh đoạt ở chốn showbiz và đây chính là lý do chị không bước vào chốn ấy ngay?
Điều này đúng một phần. Khi còn nhỏ các quyết định của tôi phụ thuộc vào bố mẹ là nhiều, vì đó là hai người quyết định tài chính nuôi tôi. Tuy nhiên, khi trưởng thành bạn phải tự chịu trách nhiệm với mọi quyết định của mình. Quyết định đưa ra vì cả nể sẽ dễ tạo sự chán nản khi gặp khó khăn. Hai năm trước tôi không vào showbiz, rất đơn giản vì cảm thấy điều đó chưa đủ hấp dẫn để tạo động lực cho mình. Nhà tôi không có ai hoạt động nghệ thuật nên chuyện định hướng vào showbiz coi như số 0 tròn trĩnh. Và tất yếu, khi không biết, không hiểu cũng sẽ không cảm thấy hứng thú và yêu nó. Không ai cấm cản tôi cả.
Nổi tiếng tốt chứ nhưng dùng chiêu trò thì chắc được thời gian ngắn ngủi thôi. Nổi tiếng bằng cống hiến, đóng góp mới bền được. Vì vậy, showbiz không phải một con đường duy nhất, còn nhiều cách lắm để cống hiến mà.
Được biết, Giang đang học thạc sĩ. Phải chăng chị đang xây dựng cho mình hình ảnh Hoa hậu tri thức?
Kế hoạch học thạc sĩ đã có trước khi Giang chạm đến vương miện. Đó là sự đầu tư giúp Giang có tư duy quản lý công việc và cuộc sống tốt hơn. Nhan sắc là tài sản hao mòn theo thời gian, nhưng tri thức và hành động tử tế là dạng đầu tư sinh lời đem lãi gia tăng cho cuộc đời. Tôi của hiện tại và sau này không thể bám mãi vào danh hiệu để sống, mà vẫn phải đi làm kiếm tiền nuôi bản thân nên việc học cũng giống như rèn luyện kỹ năng, có thêm công cụ để giúp tôi có cuộc sống tốt hơn.
Hoa hậu Vũ Hương Giang |
Hoa hậu không phải siêu nhân
Nói đến Hoa hậu, người ta đóng khung vào chữ đẹp và nghĩ giống như một bông hoa tô điểm cho cuộc sống, tức là chỉ để ngắm chứ không kỳ vọng vào việc họ sẽ làm được điều gì đó lớn lao. Quan điểm của Vũ Hương Giang về điều này?
Điều này làm tôi nhớ đến loài hoa Tam giác mạch, vì thay đổi cách sử dụng từ làm thức ăn chăn nuôi sang phục vụ nhu cầu “ngắm nhìn” của con người mà loài hoa này đã góp phần giúp du lịch Hà Giang phát triển. Bông hoa sinh ra mà được người ta ngắm nhìn, vậy đã trọn vẹn kiếp của đoá hoa đó rồi. Sao chúng ta có thể đòi hỏi nhiều hơn ở một đoá hoa được cơ chứ? Con người cũng vậy, trở nên đẹp hơn cũng là một sự cố gắng giúp ích cho cuộc đời, còn để thay đổi hay làm gì đó lớn lao thì xã hội cần hàng trăm, hàng triệu sự góp sức. Một cô Hoa hậu có năng lực của một siêu nhân thì biết đâu đấy, nhưng số đó hiếm và lâu lâu mới thấy được một lần, trong khi cuộc sống vẫn phải hàng ngày tiếp diễn.
Nhắc đến Hoa hậu mà người ta nghĩ ngay đến vẻ đẹp bên ngoài, vậy có nghĩa mọi người đã có một quy chuẩn ngầm vô thức về điều kiện cần của một cô Hoa hậu. Nhìn vào phải đẹp, rồi mới thêm điều kiện đủ sau. Ai đóng khung suy nghĩ của họ với những quan điểm cá nhân kiểu dán nhãn thì tôi không thể giúp họ tự mở khung được.
Xã hội đã có nhiều thay đổi về quan điểm, vai trò của người phụ nữ, nhưng thực tế “trọng nam khinh nữ” vẫn tồn tại. Tại các nước bị ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo như Việt Nam, Trung Quốc hay Hàn Quốc “trọng nam khinh nữ” vẫn còn rất nặng nề. Sinh ra trong gia đình có 2 cô con gái, chị có cảm nhận được sức nặng của điều này?
Từ nhỏ Giang đã cảm nhận được sức nặng từ vấn đề này, bởi bố mẹ tôi bị áp lực từ họ hàng và người ngoài thúc giục họ có con trai. Là con gái đầu, có chút hiếu động, bố mẹ lại rèn nghiêm nên nhõng nhẽo hay ỷ lại không có trong tuổi thơ của Giang. Nhưng, càng lớn Giang lại cảm nhận rõ lợi thế của con gái. Áp lực là thế nhưng Giang may mắn khi bố mẹ vẫn giữ vững quan điểm, dù trai hay gái thì con cái khoẻ mạnh, tự lập, sống tốt và hiếu thảo là điều quan trọng nhất.
Một vấn đề nhức nhối khác mà phụ nữ đang phải đối mặt đó chính là việc bị lạm dụng. Họ dễ dàng trở thành đối tượng bị chính những người quen, thậm chí người thân làm tổn thương. Theo chị, tại sao lại có tình trạng này? Phụ nữ quá yếu đuối, thiếu hiểu biết nên không khả năng tự vệ hay do pháp luật chưa đủ cứng rắn?
Cá nhân Giang thấy, nguyên nhân của điều này xuất phát từ cả chủ quan lẫn khách quan. Về mặt khách quan, tỷ lệ trong giới cầm quyền vẫn nghiêng về nam giới, quyền phụ nữ vẫn chưa được hoàn thiện, chế tài chưa đủ sức răn đe. Ở cấp độ gia đình, con gái được dạy phải bảo vệ bản thân, nhưng con trai lại không được dạy phải bảo vệ và tránh xâm hại người khác. Văn hoá đổ lỗi
cho nạn nhân, trong đó có Việt Nam vẫn còn tồn tại sâu rộng vô tình đẩy nạn nhân vốn đã bị chấn thương về thể xác, tinh thần, lại càng hoang mang trong việc tìm chỗ dựa để hồi phục. Chỉ riêng bấy nhiêu đó điều kiện khách quan đã đủ tiếp tay cho những kẻ ác rồi.
Tuy nhiên, để thay đổi, phụ nữ cũng cần nâng cao trình độ, kỹ năng phòng vệ và mạnh mẽ lên tiếng tố cáo kẻ ác. Không nên xấu hổ và càng không được bỏ qua dễ dàng. Lùi bước trước cái ác chính là tạo điều kiện hành vi xấu tiếp diễn.
Ngoài ra, việc xâm hại hay lạm dụng thể xác còn diễn ra cả với nam giới hay những người thuộc cộng đồng LGBT. Vì vây, việc đứng lên đẩy lùi hành vi xâm hại cần xã hội chung tay không kể giới tính, địa vị.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!
Lê Anh
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ 2 (67)