Hình ảnh được chia sẻ trên Twitter vào tối 22/5 cho thấy, một cột khói đen đang lan ra cạnh một tòa nhà trong khu phức hợp Lầu Năm Góc. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân sự việc nhưng hầu hết các tài khoản chia sẻ thông tin này đều có tích xanh, gây hoang mang dư luận.
Ngay sau đó, cảnh sát và lực lượng cứu hỏa ở Arlington, bang Virginia đã tiến hành điều tra và lên tiếng xác nhận hình ảnh trên là giả và không có sự cố nào xảy ra tại trụ sở của Bộ Quốc phòng Mỹ. Tuy nhiên, cả Lầu Năm Góc và lực lượng cảnh sát đều không cho biết thêm bất kì thông tin chi tiết nào khác về vụ việc.
Hình ảnh giả về Lầu Năm Góc được lan truyền. Ảnh: @WhaleChart
Không chỉ gây bão mạng xã hội Mỹ, bức ảnh này còn xuất hiện trên một số hãng truyền thông, như kênh truyền hình Republic TV của Ấn Độ và hãng tin RT của Nga. Tuy vậy, sau khi được xác thực, hai hãng này đều đã xóa bài đăng về vụ việc.
Chưa dừng lại ở đó, sự lan truyền của bức ảnh còn khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao đao trong một khoảng thời gian ngắn ngay sau khi mở cửa giao dịch.
Theo đó, chỉ số S&P 500 trên thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm khoảng 0,3%, xuống thấp nhất trong phiên, khi các tài khoản mạng xã hội và trang web đầu tư lan truyền các thông tin sai lệch về vụ nổ giả. Ngược lại, giá trái phiếu kho bạc Mỹ và giá vàng bắt đầu tăng nhanh cho thấy các nhà đầu tư đang tìm kiếm một nơi an toàn hơn để dự trự tài sản.
Sau khi có tin tức khẳng định tấm hình đó là một trò lừa bịp, các chỉ số này đã nhanh chóng bình thường trở lại.
Các chuyên gia cho biết hình ảnh giả mạo có khả năng được tạo ra bằng cách sử dụng các phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI). Giáo sư khoa học máy tính Hany Farid tại Đại học California nhận định nếu quan sát bức ảnh kĩ hơn, mọi người sẽ nhận thấy sự không nhất quán giữa các tòa nhà, hàng rào và khu vực xung quanh.
Cụ thể, màu sắc các chi tiết cỏ và bê tông bị chồng vào nhau, hàng rào trong ảnh không đều, có một cột đen kỳ lạ nhô ra phía trước vỉa hè, song lại là một phần của hàng rào. Các cửa sổ trong tòa nhà cũng không trùng khớp với những bức ảnh khác của Lầu Năm Góc.
OSINTdefender - một trang Twitter chuyên chia sẻ tin tức về xung đột quân sự quốc tế và có hơn 336.000 người theo dõi đã chia sẻ bức ảnh. Chủ sở hữu của trang sau đó đã xin lỗi vì lan truyền thông tin sai lệch. Người này cho biết vụ việc là một ví dụ về việc những hình ảnh tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo có thể dễ dàng được sử dụng để thao túng không gian thông tin và điều này có thể gây ra nhiều nguy hiểm trong tương lai.
Phương Uyên (Theo Guardian)