Cuộc sống khó khăn vất vả nên bốn cô gái khăn gói rời vùng quê nghèo tỉnh Kon Tum sang tỉnh Quảng Nam làm thuê. Trong một lần về thăm gia đình, bốn cô gái bị làng phạt vạ nộp heo vì vi phạm luật tục do làm việc tại quán karaoke. Không có tiền mua heo nộp cho làng, bốn cô đồng loạt làm đơn nhờ chính quyền can thiệp.
Làng phạt vạ phải nộp heo "chịu tội"
Sinh ra và lớn lên tại xã miền núi thuộc thôn Ngọc La, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, vùng đất nghèo, quanh năm sương mù bao phủ, cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn. Với ước mong đổi đời, cải thiện kinh tế giúp đỡ gia đình 4 cô gái người địa phương chưa tròn tuổi đôi mươi khăn gói ra đi mơ về tương lai tươi sáng. Vào một sáng đẹp trời, 4 cô gái gồm: Y Máy (SN 2003), Y Hằng ( SN 2003), Y Măng (SN 2003) Y Luyến (SN 2002) rời vùng quê nghèo tỉnh Kon Tum sang tỉnh Quảng Nam tìm kiếm việc làm.
Sau một thời gian làm việc tại vùng đất mới, dành dụm được một số tiền, các cô gái quay về thăm gia đình. Khi các cô có mặt tại địa phương, già làng, trưởng thôn liên tục triệu tập người làng và những cuộc họp căng thẳng diễn ra. Sau nhiều lần thảo luận già làng, trưởng thôn thống nhất quyết định phạt 4 cô gái, mỗi người phải nộp một con heo "chịu tội". Lý do được già làng đưa ra, là các cô gái trong làng đã vi phạm luật tục làm việc tại các quán karaoke.
Với đồng lương ít ỏi từ việc làm thuê nhưng trước sức ép của già làng, sợ bị cả làng "cô lập" gia đình Hằng đã mua một con heo đóng phạt cho cả làng theo luật tục. Vì sợ bị phạt vạ những người còn lại rất sợ hãi, hoang mang. Với mong muốn thay đổi luật tục cả 4 cô gái đồng loạt làm đơn gửi đến chính quyền địa phương nhờ can thiệp bãi bỏ luật tục này.
Theo tìm hiểu, nội dung những lá đơn trình bày, họ là những người khó khăn đi làm ăn xa, nhưng khi trở về phải nộp một con heo, dù hoàn cảnh của họ khó khăn. Cụ thể, theo đơn trình bày của May, cô là một người dân nghèo khổ nên phải đi làm thuê ở xa để kiếm sống cho bản thân và gia đình. Nhưng ông A Bai (già làng) đã họp dân làng, ép cô và gia đình phải nộp cho ông 1 con heo trị giá 5 triệu.
“Vì không hiểu biết pháp luật nên gia đình tôi đã đưa cho ông A Bai 1 con heo. Tôi làm một tháng chỉ có 4,5 triệu đồng. Tôi đã ứng trước 1,5 triệu, còn 3 triệu mang về nhà để cha mẹ tôi mua gạo ăn và chữa bệnh. Nhưng ông A Bai ép buộc tôi phải nộp con heo trị giá 5 triệu đồng. Do đó, gia đình chúng tôi rất lo sợ, không có tiền nên tôi sợ không dám về nhà…”, May viết.
Để tìm hiểu thông tin liên quan đến vụ việc hi hữu này, PV Người Đưa Tin Pháp luật tìm đến UBND xã Măng Ri để nắm thêm thông tin. Trao đổi với PV về việc này, bà Y Ai, Phó Chủ tịch UBND xã Măng Ri cho biết: "Trước đó, UBND xã nhận được đơn của 4 người tố cáo về việc nộp heo cho làng ăn thịt. Sau đó, xã đã tiến hành mời những người có liên quan đến để làm việc".
|
Cán bộ tư pháp xã (bên trái) cùng Phó Chủ tịch UBND xã (bên phải) trao đổi với phóng viên về luật tục có từ lâu đời của người dân địa phương. |
Luật tục lâu đời
Bà Ai chia sẻ:
“Vụ việc xảy ra là do những người đi làm về họ tự khai nhận làm những công việc mà theo lệ làng là phạm vào điều bị cấm nên họ bị phạt như thế. Họ tự nộp chứ không phải là ép buộc. Họ tự mang heo đến nộp rồi cả làng cùng ăn, chứ không phải nộp cho trưởng thôn ăn.
Không phải nhất thiết là heo, mà có thể là con gà, hay gì đó, coi như để chuộc lỗi cái sai của mình thôi".Theo bà Ai, đây là phong tục tập quán đã có từ xa xưa. Họ có lệ làng để giảm tình trạng như nam nữ quan hệ bất chính trước khi kết hôn, hoặc đi làm những việc không đúng với lệ làng. Ngoài ra, để hạn chế tình trạng những người còn nhỏ tuổi, mới 15 hay 16 tuổi đã nghỉ học để đi làm, như vậy là không đúng. Mục đích của việc làm này là tốt, tránh những huệ lụy như nói ở trên, chứ không phải ai đi làm xa về cũng phải nộp heo cho làng ăn thịt".
“Xã đã tuyên truyền đến người dân nên giảm bớt, ví dụ những người có vi phạm hương ước như thế sẽ không phải nộp phạt nhiều nữa. Nghĩa là, tuyên truyền cho người dân nên tiết chế lại, khi những người vi phạm hương ước cần phải tìm hiểu và có bằng chứng cụ thể, không phải chỉ là nghe nói rồi bắt phạt như trước nữa. Việc phạt không phải bắt buộc là con heo, mà có thể là con gà, hay một vật gì đó để coi như chuộc lỗi. Còn phong tục thì đã có từ lâu đời, dừng lại đột ngột thì rất khó, với lại mục đích không phải là xấu…”, vị này nói thêm.
Tại buổi làm việc với PV, già làng A Bai lý giải: "Lý do dân yêu cầu làm thịt heo không phải do đi làm ăn xa, mà do làm công việc không đúng với tục lệ của làng, luật làng. Lôi kéo những người đang ở tuổi học sinh bỏ học đi làm. Những ai làm sai những hương ước trong làng rồi, thì phải tự nguyện nộp heo cho làng cùng ăn. Chứ không phải bắt buộc người đó phải nộp con heo theo một tiêu chuẩn nào cả. Đó là tự cảm thấy bản thân mình làm sai thì phải làm như vậy thôi. Việc này là cả dân làng cùng họp và cùng thống nhất”.
Hồi kết bất ngờ
Già làng A Bai cho rằng, lý do dân yêu cầu làm thịt heo không phải do đi làm ăn xa, mà do làm công việc không đúng với tục lệ của làng, luật làng, lôi kéo những người đang ở tuổi học sinh bỏ học đi làm. “Quán triệt các cá nhân trên nếu đi làm xa, làm công việc gì cũng phải tuân thủ theo phong tục, tập quán của thôn, làng và làm những công việc pháp luật không cấm. Không để tình trạng làm những công việc trái với quy định pháp luật, trái với phong tục tập quán của thôn làng”, đại diện UBND xã Măng Ri nêu tại buổi làm việc với những người có liên quan. Tại cuộc họp, ông A Bai xin rút kinh nghiệm, còn 4 cô gái đã rút đơn tố cáo. |
|
Hồ Nam
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Tư (165)