Đóng

Hi hữu: Bé trai 1 tuổi cắn chết rắn hổ mang

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Một bé trai mới một tuổi đã khiến nhiều người kinh ngạc khi cắn chết một con rắn hổ mang tại nhà riêng

Vụ việc kỳ lạ xảy ra vào ngày 25/7, ở làng Mohachchhi Bankatwa, huyện West Champaran, ở bang Bihar, Ấn Độ, khi đứa trẻ được người thân phát hiện đang ngậm con rắn trong miệng và bất tỉnh sau đó.

Theo ông Duvakant Mishra, Giám đốc Bệnh viện và Trường Đại học Y khoa công lập tại thị trấn Bettiah, cậu bé Govind Kumar được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng bất tỉnh sau khi cắn con rắn sống.

"Gia đình cho biết cậu bé nhặt được con rắn trong nhà. Khi bà nội phát hiện và can thiệp thì con rắn đã bị cắn chết, còn đứa trẻ thì gục xuống sàn”, ông Mishra cho biết.

Cậu bé hiện đang được theo dõi chặt chẽ tại bệnh viện. Các bác sĩ cho biết sẽ bắt đầu điều trị ngộ độc nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến nọc độc rắn.

Rắn hổ mang. Ảnh minh họa

Rắn hổ mang chúa là một trong những loài rắn độc nguy hiểm nhất thế giới. Theo các chuyên gia, chỉ một vết cắn có chứa từ 200–500mg nọc độc của loài này cũng đủ gây tử vong cho con người trong vòng 30 phút.

Đáng chú ý, rắn hổ mang có khả năng điều tiết lượng nọc khi tấn công và có thể phun tối đa tới 7ml nọc độc – lượng đủ để giết chết một con voi châu Phi hoặc 20 người trưởng thành.

Hiện chưa rõ liệu con rắn trong vụ việc có phun nọc độc hay không. Các chuyên gia cho rằng trường hợp đứa trẻ sống sót sau khi tiếp xúc trực tiếp với một con rắn hổ mang là cực kỳ hy hữu.

Vụ việc đang thu hút sự chú ý lớn từ dư luận địa phương và giới y học.

Tháng 8/2024, bé trai một tuổi ở bang Bihar cũng cắn chết một con rắn. Cậu bé tưởng con vật là đồ chơi nên đã tóm lấy và dùng răng sữa cắn, khi con vật tiến lại gần. Gia đình đưa đến bệnh viện kiểm tra nhưng bé không bị thương. Con rắn được xác định là loài mù Brahminy không có nọc độc.

Tương tự, tháng 8/2022, cậu bé 8 tuổi Deepak ở Chhattisgarh bị một con rắn hổ mang cuộn quanh tay và cắn. Để tự vệ, Deepak cắn lại hai nhát khiến con rắn chết. Cậu bé được đưa đi cấp cứu và tiêm huyết thanh kháng nọc rắn. Bác sĩ nhận định đây là một "vết cắn khô", tức con rắn đã không bơm nọc độc khi tấn công.

Tin nổi bật