Kyiv Post đưa tin, Serhiy Gnezdilov, một binh sĩ thuộc Lữ đoàn bộ binh cơ giới độc lập số 56 của Lực lượng vũ trang Ukraine (AFU), đã thông báo trên Facebook rằng anh sẽ đào ngũ. Dưới luật thiết quân của Ukraine, điều này có thể dẫn đến án tù từ 5 đến 10 năm.
Chia sẻ với Kyiv Post, Gnezdilov cho biết anh nhận thức rõ hành động của mình là vi phạm pháp luật và sẵn sàng chịu hậu quả, nhưng vẫn quyết định rời bỏ hàng ngũ.
Một cuộc điều tra nội bộ tại Lữ đoàn 56 đã được mở ra. Các đồng đội của Gnezdilov chia thành hai nhóm: một bên chỉ trích gay gắt hành động của anh vì cổ xúy cho hành vi đào ngũ, trong khi nhóm khác dù cũng không đồng tình nhưng lại thông cảm, bởi nhiều binh sĩ trong đơn vị đã chiến đấu suốt hơn hai năm mà không được nghỉ ngơi.
Một binh sĩ Ukraine mệt mỏi trên chiến trường. Ảnh: Getty
Theo Văn phòng Tổng công tố Ukraine, từ năm 2022 đã có hơn 60.000 vụ án hình sự liên quan đến việc rời bỏ đơn vị hoặc đào ngũ trái phép, với gần một nửa trong số đó diễn ra trong năm nay.
Lý do khiến hàng chục nghìn binh sĩ Ukraine quyết định đào ngũ, theo Kyiv Post, là do thiếu quân số để luân phiên thay thế trên tiền tuyến. Các lữ đoàn thường xuyên phải chiến đấu mà không được nghỉ ngơi, trên một mặt trận trải dài hơn 1.000km, khiến họ kiệt sức và chán nản.
Một số binh sĩ đã liên tục ở trong khu vực giao tranh từ tháng 2/2022, chỉ được nghỉ ngơi ngắn ngủi 10 ngày, khoảng hai lần mỗi năm. Nhiều người đã không gặp gia đình trong hơn một năm.
"Đây là kỳ nghỉ thứ ba của tôi trong hai năm chiến tranh. Năm 2022 tôi có kỳ nghỉ 5 ngày, rồi mùa thu năm 2023 tôi được nghỉ 10 ngày. Bây giờ cũng vậy, chỉ có 10 ngày. Suốt gần cả năm, tôi ở chiến hào, ngủ và ăn đồ thừa, với pháo liên tục rơi trên đầu. Tôi không đào ngũ, nhưng tôi hiểu những người đã làm thế. Nếu họ được nghỉ ngơi, họ sẽ quay lại", Oleksii, một binh sĩ cấp cao thuộc một lữ đoàn cơ giới AFU, chia sẻ.
Một quân nhân khác cũng kể lại rằng, khi đơn vị của họ được hứa hẹn sẽ có một tháng nghỉ ngơi sau nhiều tháng chiến đấu, nhưng không được thực hiện, khoảng 15 người đã bỏ trốn vì quá mệt mỏi.
Việc không cho binh sĩ nghỉ ngơi đầy đủ đã tạo ra một vòng luẩn quẩn: binh sĩ kiệt sức dẫn đến đào ngũ và tình trạng thiếu quân càng làm khó khăn hơn cho việc tổ chức luân phiên nghỉ ngơi.
Ngoài ra, nhiều binh sĩ tuyến đầu cảm thấy bất công khi phải chiến đấu liên tục, trong khi một số quân nhân tuyến sau lại chưa bao giờ được điều động ra tiền tuyến.
Để đối phó với tình trạng này, Quốc hội Ukraine đã thông qua Luật số 11322 vào ngày 20/8, cho phép lần đào ngũ đầu tiên của binh sĩ không bị xử lý hình sự, nếu họ trở lại đơn vị và được chỉ huy chấp thuận. Đồng thời, Ukraine cũng ban hành luật huy động lực lượng, xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về những người có khả năng nhập ngũ, nhằm bổ sung lực lượng cho tiền tuyến.
Tuy nhiên, việc huấn luyện tân binh trong thời gian ngắn khiến họ thiếu kỹ năng chiến đấu, dẫn đến nguy cơ cao bị thương hoặc tử vong, cũng như tình trạng tâm lý chưa ổn định, dễ dẫn tới việc đào ngũ tiếp tục diễn ra.