Theo thông tin trên Sputnik, bom lượn UMPB D-30SN của Nga đã thu hút sự chú ý quả truyền thông phương Tây, trong bối cảnh có những lo ngại về việc vũ khí tầm xa này có thể khiến Ukraine phải “đau đầu”.
Là loại bom dẫn đường chính xác có cánh, UMPB D-30SN được cho là phù hợp để phóng từ máy bay và các hệ thống tên lửa phóng loạt trên mặt đất (MLRS), chẳng hạn như “cơn lốc lửa” Tornado-S của Nga.
Được biết, một vũ khí tầm xa có thể được phóng từ khoảng cách rất xa, cho phép người điều khiển tránh được hỏa lực phòng thủ của đối phương.
“Nếu UMPB D-30SN cũng có thể được phóng từ mặt đất, loại bom này sẽ mang đến tầm bắn chính xác mở rộng cho các hệ thống pháo tên lửa của Nga mà không cần phải mạo hiểm với máy bay chiến thuật.
Điều đó có thể đặc biệt hữu ích khi tấn công các mục tiêu mà có yêu cầu về thời gian ở khoảng cách xa, chẳng hạn như các vị trí pháo binh và hệ thống phòng không”, trang tin The War Zone (TWZ) viết.
Bom lượn UMPB D-30SN được cho là phù hợp để phóng từ máy bay và các hệ thống tên lửa phóng loạt trên mặt đất (MLRS) như Tornado-S. Ảnh minh họa: Sputnik / RIA Novosti
Theo bài viết trên The War Zone, mặc dù thông tin chi tiết về UMPB D-30SN vẫn còn hạn chế nhưng chúng có nét tương đồng với bom đường kính nhỏ GBU-39 của Mỹ, cũng có thể phóng từ trên không và mặt đất.
Trang tin này cho biết thêm rằng, Ukraine đã được cung cấp bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB) như một phần trong gói viện trợ quân sự của phương Tây dành cho Kiev.
Trong diễn biến liên quan, theo tờ Ukrainska Pravda, các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho rằng Nga sẽ theo đuổi việc sản xuất hàng loạt bom lượn dẫn đường tiên tiến (GGB) nhằm mở rộng sử dụng vũ khí này trên toàn bộ khu vực chiến sự ở Ukraine.
Đại úy Dmytro Lykhovii - phát ngôn viên của nhóm chiến lược tác chiến Tavriia của Lực lượng Ukraine hôm 10/3 cho hay, quân đội Nga đã tấn công thị trấn Myrnohrad (tỉnh Donetsk) bằng ba bom lượn đa năng (UMPB D-30SN).
Theo Đại úy Dmytro Lykhovii, bom lượn dẫn đường tiên tiến UMPB D-30SN về cơ bản là phiên bản được trang bị thêm của bom không dẫn đường FAB thời Liên Xô. Trước đây, quân đội Nga đã sử dụng bom lượn không dẫn đường vào tháng 1/2024.
Đinh Kim (Theo Sputnik, Ukrainska Pravda)