Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hé lộ nội dung văn kiện đầu tiên được ký về thỏa thuận khoáng sản Mỹ-Ukraine: Kiev nhận lợi thế chiến thuật?

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Việc Mỹ và Ukraine ký văn kiện đầu tiên, đánh dấu bước đầu tiên hướng tới một thỏa thuận phát triển khoáng sản tại Kiev.

Tối muộn ngày 18/4, Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yulia Svyrydenko và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã ký kết văn kiện đầu tiên trong khuôn khổ đàm phán về tài nguyên khoáng sản trị giá hàng nghìn tỷ USD mà Kiev sở hữu dưới lòng đất.

Bà Yulia Svyrydenko xác nhận trên mạng xã hội: “Chúng tôi vui mừng thông báo về việc ký kết một bản ghi nhớ với các đối tác Mỹ của chúng tôi, mở đường cho thỏa thuận đối tác kinh tế và thành lập Quỹ đầu tư tái thiết Ukraine”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết: "Chúng tôi vẫn đang làm việc về các chi tiết. Việc ký kết có thể diễn ra vào tuần tới. Về cơ bản, đó là những gì chúng tôi đã đồng ý trước đó. Chúng tôi đã có một bản ghi nhớ. Chúng tôi đi thẳng đến thỏa thuận lớn và tôi nghĩ đó là một thỏa thuận dài 80 trang”.

Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yulia Svyrydenko. (Ảnh: Getty)

Dù chỉ là một bản ghi nhớ vừa được ký kết chỉ mang tính chính trị dài vỏn vẹn một trang, không có chi tiết tài chính cụ thể, nhưng nó đánh dấu bước đi quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy một thỏa thuận toàn diện giữa hai nước.

Văn bản này được cho là mang đến cho Kiev một số lợi thế chiến thuật đáng kể.

Điểm đáng chú ý nhất là lần đầu tiên, bản ghi nhớ đề cập tới việc viện trợ quân sự của Mỹ được gắn trực tiếp với Biên bản Budapest năm 1994, văn kiện mà Ukraine đã từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình để đổi lấy các cam kết an ninh từ các cường quốc, trong đó có Mỹ. Điều khoản này có thể giúp Ukraine phản bác lại yêu cầu "hoàn trả" viện trợ từ phía ông Tổng thống Mỹ Donald Trump trong các cuộc đàm phán sắp tới.

Thêm vào đó, bản ghi nhớ nêu rõ rằng thỏa thuận tương lai không được xung đột với nghĩa vụ hiện tại và tương lai của Ukraine với EU, IMF hay các tổ chức tài chính khác. Mỹ cam kết sẽ "tôn trọng" những ràng buộc quốc tế này của Ukraine trong quá trình soạn thảo thỏa thuận, một điểm được Kiev đánh giá là thành công chiến thuật.

Trước đó, đã có những lo ngại rằng việc Mỹ muốn kiểm soát khoáng sản của Ukraine có thể sẽ khiến Ukraine gặp khó khăn trong việc đàm phán gia nhập EU. Việc Kiev đàm phán được điều khoản trên sẽ giúp họ có căn cứ để đảm bảo việc vào liên minh châu Âu không gặp trở ngại.

Duy chỉ có một điểm gây lo ngại là thời hạn quá ngắn: Hai bên kỳ vọng sẽ báo cáo tiến độ vào ngày 26/4, với mục tiêu ký kết ngay sau đó.

Hoạt động khai thác đất hiếm tại Zhytomyr, Ukraine (Ảnh: Getty).

Tuy nhiên, theo các nguồn tin của European Pravda, thỏa thuận chi tiết vẫn còn cách rất xa vạch đích. Trong bối cảnh lễ Phục sinh sắp tới, việc hoàn tất đàm phán chỉ trong một tuần là gần như bất khả thi, trừ khi Ukraine chịu nhượng bộ hoàn toàn, điều không có khả năng xảy ra sau những vòng thương lượng đầy căng thẳng vừa qua.

Dù bản ghi nhớ không đề cập trực tiếp đến chuyện hoàn lại viện trợ, nhưng đây vẫn là rào cản lớn. Phía Ukraine kiên quyết không chấp nhận đề xuất của ông Trump rằng Kiev phải chia lợi nhuận tương lai từ tài nguyên khoáng sản để "trả lại" viện trợ quân sự đã nhận.

Biên bản ghi nhớ ký kết tối 18/4 có thể không mang giá trị ràng buộc pháp lý hay tài chính, nhưng lại mang ý nghĩa chính trị sâu sắc. Với Mỹ, nó là một thành tựu ngoại giao. Với Ukraine, đó là một cơ hội để đưa các lợi ích chiến lược vào khung đàm phán, đồng thời giữ vững các lằn ranh đỏ trước sức ép từ Washington.

Mặc dù vậy, hai bên vẫn còn rất nhiều điểm cần đàm phán và ván cờ giằng co này dự đoán sẽ khó có thể nhanh chóng ngã ngũ.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent. Ảnh: Reuters

Trước đó, Bloomberg đưa tin, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã hạ mức yêu cầu bồi hoàn tiền viện trợ từ 300 tỷ USD xuống còn 100 tỷ USD đối với Ukraine. Thông tin này được Mỹ đưa ra sau các cuộc đàm phán giữa phái đoàn hai nước hôm 11 và 12/4, nhằm giải quyết những vướng mắc trong thỏa thuận về tài nguyên thiên nhiên của Ukraine.

Theo ấn phẩm, đề xuất hiện tại của Mỹ sẽ trao quyền kiểm soát khoáng sản của Ukraine cho một quỹ đầu tư chung do Washington quản lý. Chính quyền Tổng thống Trump mô tả thỏa thuận này là một giải pháp để thu hồi hàng tỷ USD viện trợ quân sự và tài chính đã cung cấp cho Ukraine kể từ khi bắt đầu xung đột với Nga vào tháng 2/2022.

Thỏa thuận khai thác khoáng sản ban đầu dự kiến ​​được ký kết trong chuyến thăm Washington của Tổng thống Volodymyr Zelensky vào ngày 28/2. Nhưng kế hoạch đã bị hoãn lại sau cuộc tranh cãi gay gắt trong Phòng Bầu dục giữa Tổng thống Zelensky, Tổng thống Trump và Phó Tổng thống JD Vance.

Tin nổi bật