RT đưa tin ngày 9/8, Bộ trưởng Lục quân Mỹ Christine Wormuth cho biết, Washington có thể thử tên lửa siêu thanh tại Australia theo Hiệp ước quân sự AUKUS (gồm 3 nước Australia-Anh-Mỹ).
"Một điều mà Australia có lợi thế là khoảng cách xa và đất đai tương đối thưa dân cư. Trong khi đó, một thách thức đối với Mỹ khi nhắc đến vũ khí siêu thanh là tìm được những không gian rộng để có thể thử nghiệm loại vũ khí này", bà Wormuth chia sẻ với AFP.
Bộ trưởng Lục quân Mỹ nói thêm: "Australia rõ ràng sở hữu lãnh thổ rộng lớn giúp việc thử nghiệm vũ khí trở nên khả thi hơn".
Được biết, Mỹ, Anh và Australia đã ký hiệp ước an ninh AUKUS vào năm 2021, trong đó ba nước nhất trí hợp tác chế tạo tàu ngầm hạt nhân và phát triển tên lửa siêu thanh.
Hiện tại, chưa rõ Mỹ dự định thử nghiệm thiết bị nào tại Australia do các tên lửa siêu thanh khác nhau của Lầu Năm Góc vẫn đang được phát triển.
Mỹ có thể thử tên lửa siêu thanh tại Australia. Ảnh minh họa: National Defense
Nga và Trung Quốc được đánh giá là dẫn đầu trong cuộc chạy đua về vũ khí siêu thanh. Moscow đã sử dụng tên lửa Kinzhal trong cuộc xung đột tại Ukraine, ngoài ra còn triển khai các phương tiện tàu lượn tầm chiến lược Avangard từ năm 2019 và tên lửa hành trình chống hạm Zircon từ năm 2022.
Mỹ coi Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ siêu thanh. Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) đặc biệt lo ngại về tên lửa đạn đạo tầm trung DF-17 của Bắc Kinh.
Hồi tháng 3/2023, ông Paul Freisthler - nhà khoa học trưởng của DIA cho biết, trọng tải siêu thanh của tên lửa này có thể dễ dàng "tiếp cận các lực lượng quân sự của Mỹ tại phía Tây Thái Bình Dương".
XEM THÊM: Tiêm kích F-16 liệu có phải “viên đạn bạc” hỗ trợ đắc lực cho Ukraine?
Cuộc chạy đua giành ưu thế về thiết bị siêu thanh không phải cuộc chạy đua vũ trang đầu tiên mà Australia được sử dụng làm bãi thử. Trước đó, Anh đã tiến hành 12 vụ thử vũ khí hạt nhân ở nước này trong khoảng thời gian từ năm 1952 - 1958, ngoài ra còn có hơn 20 vụ nổ chất phóng xạ nhỏ hơn.
Theo Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ Vũ khí Hạt nhân, phần lớn người Australia phản đối các cuộc thử nghiệm này khi chúng gây ra nhiều bệnh tật và nguy cơ tử vong cho các cộng đồng thổ dân và công nhân làm việc gần đó.
Đinh Kim (Theo RT)