Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hé lộ bí mật về "quái vật" siêu vượt âm của Nga, có thực sự "bất khả chiến bại"?

  • Thủy Tiên (T/h)
(DS&PL) -

Việc Ukraine mổ xẻ mảnh vỡ tên lửa Oreshnik của Nga đã hé lộ thông tin bất ngờ, vũ khí này có thể đã được phát triển từ lâu.

"Vũ khí mới" của Nga được phát triển từ lâu hay mới phát triển?

Những mảnh vỡ tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mà Nga phóng vào thành phố Dnipro (Ukraine) ngày 21/11/2024 đang hé lộ những bí mật bất ngờ về nguồn gốc và thời điểm phát triển của loại vũ khí này. Mặc dù Tổng thống Nga Vladimir Putin từng ca ngợi Oreshnik là loại vũ khí mới mà phương Tây "không có câu trả lời", nhưng những phân tích mới đây từ phía Ukraine cho thấy điều ngược lại.

VOV dẫn thông tin từ trang Defense Express của Ukraine, một trong những bộ phận của tên lửa Oreshnik được tìm thấy tại Dnipro có số series và ngày sản xuất là 12/4/2017. Điều này cho thấy quả tên lửa này có thể đã được lắp ráp từ năm 2017 hoặc 2018, chứ không phải mới được phát triển gần đây như Nga tuyên bố.

Defense Express cũng công bố những bức ảnh chụp các mảnh vỡ của Oreshnik với dòng chữ "EFIT 302811.002". Cái tên EFIT được cho là liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp tên lửa và vũ trụ NPCAP của Nga, một đơn vị thành viên của Roscosmos - tập đoàn nhà nước chịu trách nhiệm về các chương trình vũ trụ của Nga. Điều này cho thấy NPCAP có thể đã tham gia vào việc cung cấp thiết bị điều khiển cho tên lửa Oreshnik.

Một điều tra viên Ukraine với các bộ phận của tên lửa mà Nga sử dụng trong cuộc tấn công vào Dnipro. Ảnh: Reuters/Dân trí

Đáng chú ý, năm 2017 cũng là thời điểm Nga có kế hoạch khởi động sản xuất hàng loạt tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-26 Rubezh. Nhiều nhà phân tích nhận định rằng Oreshnik có thể là một dạng phái sinh của RS-26 Rubezh, đồng thời tích hợp các yếu tố của tên lửa Bulava, được phát triển từ thập niên 1990.

Sau vụ tập kích Dnipro, Lầu Năm Góc và tình báo Anh cũng đưa ra kết luận tương tự, cho rằng Oreshnik là một biến thể của RS-26 Rubezh và có thể đã được Nga phát triển từ nhiều năm trước.

Những phát hiện này mâu thuẫn với tuyên bố của Tổng thống Putin hôm 21/11, khi ông khẳng định Oreshnik là hệ thống tên lửa mới được phát triển sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vào năm 2019.

Hiệp ước INF, được ký kết năm 1987 giữa Mỹ và Liên Xô, nhằm xóa bỏ và ngừng sử dụng tất cả các loại tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình phóng từ mặt đất, với tầm bắn từ 500-5.500km. Mỹ cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước này từ năm 2014 và sau đó đã rút khỏi INF. Nga luôn bác bỏ cáo buộc này và khẳng định chỉ phát triển Oreshnik sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước.

Oreshnik mạnh cỡ nào?

Báo Dân trí dẫn thông tin cho hay, Oreshnik, với ý nghĩa "cây phỉ" trong tiếng Nga, là một trong những vũ khí mới nhất được Moscow đưa vào sử dụng. Tên lửa này có khả năng đạt tốc độ hơn 10 lần vận tốc âm thanh, tương đương gần 11.000 km/h, và được cho là có thể mang đầu đạn hạt nhân. Điều này đặc biệt đáng lo ngại trong bối cảnh Nga liên tục gia tăng đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bí ẩn xung quanh Oreshnik. Giới chức Nga nhận định đây là tên lửa đạn đạo tầm trung, trong khi Ukraine cho rằng nó là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Phía Mỹ lại mô tả Oreshnik là tên lửa đạn đạo tầm xa. Sự khác biệt trong cách phân loại cho thấy thế giới vẫn chưa nắm rõ toàn bộ thông tin về loại vũ khí mới này.

Oreshnik có khả năng đạt tốc độ Mach 10 và tầm bắn từ 1.000 đến 5.500 km. Ảnh : NEWSINFO.RU/Thế giới & Việt Nam

Theo Lầu Năm Góc, Oreshnik có thể là phiên bản cải tiến của tên lửa RS-26 Rubezh, một ICBM đã được Nga thử nghiệm từ năm 2011. Timothy Wright, chuyên gia về tên lửa Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ở London, cho rằng cái tên "cây phỉ" có thể ám chỉ đến các loại đạn phụ của Oreshnik, với hình dạng giống như chùm hạt phỉ.

Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Rossiya 1, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh Oreshnik là loại vũ khí mới, được phát triển từ thời hậu Xô Viết và "không có loại vũ khí tương tự trên thế giới". Ông Putin cũng cho biết Nga sẽ tiếp tục thử nghiệm Oreshnik, kể cả trong điều kiện thực chiến, tùy thuộc vào mối đe dọa đối với an ninh của Moscow.

Tin nổi bật