Căn nguyên của sở thích sưu tầm đồ dùng thời chiến được bắt nguồn từ niềm đam mê thiết bị âm thanh từ nhỏ của anh Lê Tuấn Nghĩa. Niềm đam mê ấy đã thúc đẩy anh đi khắp các tỉnh thành trên cả nước để sưu tầm.
Nửa đời người đi từ Bắc vào Nam tìm phụ tùng loa quân đội
Chúng tôi mất khá nhiều thời gian lòng vòng trên con phố Lãn Ông (Hoàn Kiếm, Hà Nội) mới tìm ra được căn nhà của anh Lê Tuấn Nghĩa (SN 1967) - “gã” trai gốc phố cổ đam mê sưu tầm những vật dụng liên quan đến quân sự. Anh Nghĩa dẫn chúng tôi qua dãy hành lang nhỏ hẹp, tối om, thoang thoảng mùi thuốc bắc đến với căn phòng trưng bày toàn bộ gia tài vô giá mà anh đã mất hơn nửa cuộc đời để sưu tầm, gìn giữ.
Bước vào căn phòng, chúng tôi choáng ngợp bởi dàn loa chỉ sử dụng trong quân đội của Mỹ và Việt Nam được sử dụng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Anh Nghĩa cho biết: “Đó là món đồ tôi tâm đắc nhất và mất nhiều thời gian, công sức cũng như tiền bạc mới có được một dàn loa hoàn chỉnh và vẫn còn sử dụng tốt đến tận bây giờ”.
Mang trong mình “dòng” máu nghệ sĩ được thừa hưởng từ người cha, anh lại càng đặc biệt yêu thích với những bản nhạc Bolero, tiền chiến, nhạc đồng quê, Jazz Blue... Bắt đầu từ những năm 80, khi còn là học sinh lớp 12, anh Nghĩa đã sưu tập các bộ đầu đĩa, loa, âm ly cổ, băng nhạc thời xưa...
Đến nay những dàn loa quân đội này vẫn chạy rất tốt - Ảnh: Hữu Thắng |
Về sau, khi có điều kiện, anh đi từ Bắc vào Nam, vùng miền nào cũng từng đặt chân qua để tìm kiếm những mảnh ghép còn thiếu của dàn loa, thỏa mãn đam mê của bản thân. Anh Nghĩa tâm sự: “Tôi thích loa quân đội mà không phải loại loa nào khác bởi thiết kế khỏe khoắn, độ bền cao, chất lượng linh kiện luôn là số 1. Bên cạnh đó, dòng loa này cũng phù hợp với những thể loại nhạc tôi yêu thích, chủ yếu là nhạc tiền chiến. Để tìm mua được một dàn loa đầy đủ như hiện tại, tôi đã phải tìm đến những địa điểm là chiến trường xưa, từ Vinh, Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, Huế, Đà Nẵng, Tây Nguyên, Sài Gòn... Đây là những món đồ nguyên bản nên phải mất hàng chục năm tôi mới sưu tầm đủ. Có thứ tình cờ gặp trong thời gian đi công tác, cũng có thứ được anh em cùng sở thích giới thiệu tìm mua”.
Dàn loa quân đội này có thể nghe được các loại băng, đĩa khác nhau như: Đĩa CD, băng cát-xét, đĩa than... và phát ra âm thanh chất lượng không kém gì những loại hoa hiện đại. Đây cũng là điều khiến “gã” trai phố cổ tự hào nhất về dàn loa của mình. Bởi, trên cả nước cũng có vài người đang sở hữu một số bộ phận của loa quân đội, nhưng chỉ có chức năng trưng bày, chứ không thể phát ra được âm thanh.
“Rất khó để định giá các dàn loa này, vì với người đam mê, tốn bao nhiêu tiền họ cũng mua. Nhưng với người không thích thì nhìn nó chỉ giống như... đống sắt vụn. Trước đây, mỗi lần mua một linh kiện trong dàn loa tôi mất từ 5 – 7 triệu/món tùy loại và tùy hoàn cảnh tìm được món đồ đó. Bộ phận đắt nhất mà tôi từng mua từ những năm 1990 có trị giá khoảng 40 triệu đồng. Đó là bộ âm ly quân sự cổ, tôi đã phải lùng khắp dải đất miền Trung và qua nhiều lần thương lượng, trả giá mới mua được”, anh Nghĩa chia sẻ.
“Bảo tàng” thu nhỏ và những vật dụng có một không hai
Tuy chưa một ngày khoác lên mình màu áo lính nhưng vì niềm đam mê với dàn âm thanh quân đội từ nhỏ, nên anh Nghĩa trót mê cả những đồ dùng thời chiến. Chúng tôi cảm nhận được niềm đam mê cháy bỏng của anh qua ánh mắt, lời nói khi kể lại những ngày lang thang, lặn lội tìm những vật dụng thời chiến. Những hiện vật anh sưu tầm thường là vật dụng cá nhân của người lính. Tuy không phải là những "cổ vật" đắt tiền nhưng cũng có những hiện vật được người bán “hét” giá khá cao. Anh Nghĩa chia sẻ, một trong những hiện vật khá đắt là chiếc ba lô cũ, anh đã từng phải trả cho người bán 1 chỉ vàng vì nó liên quan đến số phận một người lính. Góp nhặt qua mỗi lần đi công tác, đến nay, căn phòng 18m2 của anh như một “bảo tàng” thu nhỏ - nơi trưng bày những vật dụng của người lính của 2 phía, ta và địch.
Chúng tôi đi hết từ sự thích thú này đến sự ngạc nhiên khác khi ngắm nhìn bộ sưu tập. Trong bộ sưu tập của anh, điều khiến chúng tôi ấn tượng là cuốn sách dạy cách sống sót khi ở một mình trong rừng hay những nơi khó liên lạc với mọi người. Cuốn sách như kim chỉ nam sống sót đối với mỗi người lính lúc bấy giờ. Anh Nghĩa có được cuốn sách là do một người bạn chơi sách cổ tặng lại. Đến đây, chúng tôi còn được tận mắt nhìn thấy từ những vật dụng nhỏ như chiếc thìa, cái ca, bi-đông nước... cho đến những thiết bị “khủng” hơn như máy ảnh, điện thoại, bộ đàm, mặt nạ phòng độc hay cây nhiệt đới - vũ khí trinh sát điện tử Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam...
Anh Nghĩa bên dàn loa quân đội "khủng" - Ảnh: Hữu Thắng |
“Có nhiều đồ vật, nếu chỉ nhìn thấy qua sách vở thì khó hình dung được như cây nhiệt đới kia. Cây nhiệt đới là thiết bị trinh sát điện tử của Mỹ, được tuyên truyền là loại vũ khí siêu lợi hại, qua thiết bị này địch có thể biết được hoạt động của bộ đội ta. Quy trình hoạt động của cây nhiệt đới là thu các tiếng động và chấn động, phát tín hiệu lên không trung cho một máy bay ở độ cao 15-20km, máy bay lập tức phát về trung tâm để xử lý. Trung tâm sẽ xác định tiếng động thu được là của người hay ô tô, chiến xa... Địch sẽ xác định tọa độ khu vực, sau đó truyền tín hiệu về sở chỉ huy. Đầu não của địch sẽ kiểm tra và cuối cùng là cho máy bay đến oanh tạc. Cây nhiệt đới có cấu tạo bộ ăng-ten gồm 4 râu, 1 râu thẳng lên trời, 3 râu còn lại xòe ba góc, tất cả là màu xanh lá cây nên rất khó phát hiện. Quy trình xử lý tín hiệu thu được từ cây nhiệt đới của quân địch chỉ diễn ra trong vài phút, do vậy thời gian đầu loại phương tiện này đã gây khó khăn không nhỏ cho hoạt động của quân ta. Tuy nhiên, sau này, ta đã phát hiện và xử lý được, lúc đó cây nhiệt đới đã không còn tác dụng, thậm chí ta tương kế, tựu kế, đưa thông tin giả, gây khó khăn và tổn thất ngược lại cho địch”, anh Nghĩa kể.
Đang kể cho chúng tôi nghe về “lịch sử” của những món đồ, bỗng hồi chuông điện thoại reo vang, đầu dây bên kia thông báo có người bán kỷ vật thời chiến, anh Nghĩa vội vàng dắt xe máy lên đường. Trước khi đi, anh quay lại chào và hẹn gặp chúng tôi vào một ngày gần nhất.
Anh Nghĩa dành cả căn phòng tầng 2 để bày những đồ vật thời chiến tranh, nhưng căn phòng 18m2 là quá chật chội bởi số đồ rất nhiều. Anh bảo: “Tôi phải cất bớt vào mấy cái hòm đấy, chứ bày hết ra thì không có lối đi. Tôi vẫn luôn mơ ước mình có một nơi thật rộng rãi để trưng bày hết những kỷ vật. Tôi rất thích vỏ máy bay trực thăng, bây giờ họ vẫn bán khá nhiều nhưng tôi chưa có địa điểm”. |
Phong Linh - Hữu Thắng
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số 90