(ĐSPL) - “Việc tước lá mãng cầu xiêm bán liên tục sẽ làm cho cây không thể ra bông, đậu trái, năng suất chắc sẽ giảm.", ông Lê Hoàng Việt - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Long Mỹ thông tin.
Bất chấp khuyến cáo, ồ ạt bán lá mãng cầu xiêm
Thời gian qua, ở huyện Long Mỹ (Hậu Giang) xuất hiện tình trạng người dân trồng mãng cầu xiêm (quả na gai) hái lá già bán cho thương lái lạ mặt, nhưng để làm gì thì không ai biết.
“Lá mãng cầu xiêm lần đầu tiên tôi nghe có người hỏi mua. Nhưng có cầu thì có cung. Thấy lợi trước mắt nên người dân hái lá đem bán mà không quan tâm đến năng suất cây cho trái sẽ giảm”, một nông dân sống tại xã Long Phú cho biết.
Ông Võ Văn Bền, ngụ ở ấp Long Thạnh 1, xã Long Phú thông tin: “Hiện nay ông chủ yếu bán lá mãng cầu xiêm tươi đã hái sẵn cho thương lái với giá 10.000 đồng/kg. Còn lá tươi trên cây thì có giá 5.000 đồng/kg”. “Trước đây, tôi còn bán lá cho các chủ đi thu mua ở thị xã Ngã Bảy, xã Bình Hiếu, thị trấn Long Mỹ. Tôi có khoảng 70 cây mãng cầu xiêm, đến nay đã bán 10 tấn, được khoảng 10 triệu đồng”, ông Bền nói.
Bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng, nhiều nhà vườn ở xã Long Phú (Long Mỹ, Hậu Giang) vẫn ồ ạt bán lá mãng cầu xiêm (na gai, na xiêm) cho các điểm thu mua với giá cao.
Ông Bền đã nhiều lần bán lá mãng cầu xiêm. Cũng thông tin từ ông Bền, người dân ở ấp Long Thạnh 1 có trồng cây mãng cầu xiêm đều bán lá để lấy tiền, người dân chỉ bán lá già nên không bị ảnh hưởng đến năng suất trái. Tuy nhiên, các chủ thu mua lá để làm gì thì không ai biết.
Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, để có lá bán, nhiều hộ dân đã tước sạch lá trên cây, nhất là đối với các vườn có cây lâu năm, nhiều lá già… Giá lá mãng cầu xiêm tươi bán 10.000-15.000 đồng/kg, lá khô có giá 35.000-45.000 đồng/kg. Trung bình, mỗi cây đến tuổi cho trái có thể tước được 3-4kg.
Ông Trần Tuấn An - Phó chủ tịch UBND Long Phú cho biết: “Vừa nắm được thông tin người dân mua bán lá mãng cầu xiêm và đã báo vụ việc lên các cơ quan cấp trên. Những ấp đang có điểm thu mua là: Long Thạnh 1, Long Bình 2, Tân Bình 2…”.
Việc tước lá mãng cầu xiêm bán liên tục sẽ làm cho cây không thể ra bông, đậu trái, năng suất chắc sẽ giảm. (Ảnh minh họa). |
|
Người dân cần cảnh giác
“Người thu mua là người ở địa phương còn thương lái (mua lại lá từ các điểm thu mua) thì chúng tôi không rõ. Theo chúng tôi biết, lá loại cây này chưa ai làm thuốc bao giờ. Địa phương đang theo dõi thường xuyên và vận động người dân cảnh giác, tránh những trường hợp ảnh hưởng đến sản xuất”, ông An nói.
Bà Lương Ngân Hoàng Xuyên - cán bộ kỹ thuật Trạm Bảo vệ thực vật huyện Long Mỹ nói: “Ngoài xã Long Phú, chúng tôi còn biết 2 địa phương khác đang có tình trạng mua bán lá mãng cầu xiêm là Thuận Hòa và Tân Phú. Tình trạng này đã xảy ra từ tháng 10/2014 đến nay”.
Ông Lê Hoàng Việt - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Long Mỹ thông tin: “Chúng tôi đang phối hợp với UBND các xã điều tra, giám sát. Nếu có gì bất thường sẽ báo cho các ngành chức năng có liên quan phối hợp giải quyết. Đồng thời cũng cảnh báo người dân, không nên bán lá đối với những cây đang nuôi trái, vì ảnh hưởng đến năng suất. Còn đối với những người thu mua thì phải cảnh giác, tránh thu gom số lượng lớn, khi không bán được cho thương lái, doanh nghiệp thì sẽ khổ, ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở địa phương”.
Ông Việt khẳng định: “Việc tước lá bán liên tục sẽ làm cho cây không thể ra bông, đậu trái, năng suất chắc sẽ giảm. Trước đây, nhiều địa phương địa bàn tỉnh cũng xảy ra tình trạng thương lái thu mua với giá cao đối với ốc bươu vàng, đọt non cây khoai mì, cây sương sáo… Có trường hợp người dân mở rộng diện tích trồng thì thương lái đột ngột biến mất, không thu mua nữa”.
Trước thực trạng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hậu Giang đã có công văn gửi đến các huyện, xã, vừa tuyên truyền vừa ngăn chặn tình trạng trên. Chính quyền địa phương cũng đang tiến hành điều tra làm rõ mục đích thu mua lá mãng cầu xiêm của các thương lái lạ mặt.
“Nông dân miền Tây thật thà, thấy cái gì có lợi là làm mà không nghĩ đến hậu quả. Việc thu mua lá mãng cầu xiêm lần này không khó hiểu. Vì thực tế đã nhiều lần thương lái lạ mặt về thu mua các loại lá, cây non với giá cao mà người dân không rõ để làm gì. Và thường sau một thời gian họ biến mất, để bà con nông dân điêu đứng”, một lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang nói.
AN NHIÊN (Tổng hợp)