Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hầu như ngày nào Thủ đô cũng có người cấp cứu vì rượu độc?

(DS&PL) -

Trung tâm Chống độc (bệnh viện Bạch Mai) trong một ngày đã tiếp nhận và cấp cứu 7 bệnh nhân có liên quan tới rượu - cồn methanol.

Trung tâm Chống độc (bệnh viện Bạch Mai) trong một ngày đã tiếp nhận và cấp cứu 7 bệnh nhân có liên quan tới rượu - cồn methanol. Đáng chú ý có 5 người uống rượu chứa cồn công nghiệp mà không biết, 2 người uống cồn y tế.

Gia tăng nạn nhân của cồn công nghiệp

Thời gian qua, khi dư luận còn chưa nguôi ngoai trước thông tin hàng chục người ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu phải nhập viện cấp cứu vì nghi ngộ độc rượu có chứa methanol, trong đó có 9 người tử vong thì nguồn tin từ trung tâm Chống độc (bệnh viện Bạch Mai) lại cho biết, trung tâm mới tiếp nhận và cấp cứu 7 bệnh nhân cũng nghi ngộ độc rượu. Trong đó, 5 bệnh nhân được xác định ngộ độc do uống phải rượu độc chất, được pha bởi cồn công nghiệp methanol.

Một ngày cấp cứu 5/7 bệnh nhân bị ngộ độc rượu methanol.

Điều đáng chú ý, 5/7 bệnh nhân này đến từ nhiều tỉnh khác nhau nhưng có điểm chung là uống rượu trôi nổi không rõ nguồn gốc trên địa bàn TP.Hà Nội. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng toan chuyển hóa nặng, giảm thị lực, hôn mê, tụt huyết áp... Trong đó 3 ca đang trong tình trạng hôn mê.

Có mặt tại trung tâm Chống độc sau khi các ca bệnh đã được cấp cứu thành công, chúng tôi đã trò chuyện với người nhà của một số bệnh nhân. Theo chia sẻ của vợ bệnh nhân L.V.T. (SN 1969, quê Hà Tĩnh, hiện trú tại huyện Phúc Thọ, TP.Hà Nội), anh T. nhập viện ngày 27/2. Chị này cũng cho biết, anh T. làm ở nội thành Hà Nội, hai tuần về nhà một lần thăm vợ con. “Chồng tôi không có tiền sử nghiện rượu. Trước đây anh làm xây dựng ở Đồng Nai nhưng 4 năm nay về Hà Nội làm cho một công ty xây dựng ở quận Cầu Giấy”, vợ anh T. tâm sự.

Ngày 25/2, anh T. về nhà vẫn bình thường, nhưng đến sáng ngày 26/2 anh T. thấy mờ mắt. Gia đình lập tức đưa vào bệnh viện Quân y 105 Sơn Tây, rồi chuyển lên trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai. Khi vào tới đây, anh ấy đã không nhìn thấy gì và trong tình trạng hôn mê sâu.

“Lúc vào trung tâm, các bác sĩ có nói chồng tôi bị ngộ độc rất nặng. Trong lúc chờ kết quả xét nghiệm, chồng tôi đã được kịp thời cấp cứu theo hướng ngộ độc rượu. Kết quả xét nghiệm cho thấy, methanol trong máu anh ấy quá cao (lên tới 47,6 mg/dL, đây là nồng độ cực kỳ nguy hiểm, trong khi bình thường 20 mg/dL đã là rất nặng phải lọc máu – PV). Dù đã được bác sĩ lọc máu, thải độc nhưng tình trạng sức khỏe của anh T. vẫn đang phải theo dõi”, vợ anh T. tâm sự.

Để tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới chồng mình bị tình trạng như hiện tại, người nhà anh T. đã tới công ty nơi anh làm hỏi xem trước đó anh uống rượu với ai. Tuy nhiên, câu trả lời họ nhận từ phía các đồng nghiệp của anh đều là những cái lắc đầu. Còn với trường hợp một bệnh nhân nam 38 tuổi, quê Nam Định cũng vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng tuần hoàn đã được cấp cứu ở tuyến dưới.

Hiện, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và đang được theo dõi.

Theo lời của người nhà anh này, trong ba ngày liên tiếp của tháng 2/2017, bệnh nhân có uống rượu ở quán cơm bình dân gần nơi trọ ở phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, TP.Hà Nội. Sau ngày đầu tiên, bệnh nhân xuất hiện tình trạng khó chịu nhưng những hôm sau vẫn tiếp tục uống. Ba ngày sau, bệnh nhân bị hôn mê sâu và ngừng tuần hoàn, được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa Hà Đông sau đó chuyển đến trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai. Bác sĩ CKII Đặng Thị Xuân, Phó giám đốc trung tâm Chống độc thông tin, hầu như ngày nào, Hà Nội cũng có người ngộ độc methanol vào cấp cứu trong đó có không ít ca bệnh tử vong. Đa số bệnh nhân ngộ độc rượu đều có tiền sử nghiện rượu, thậm chí có trường hợp ngộ độc rượu còn kèm theo xơ gan nên việc điều trị rất khó khăn.

Chia sẻ với PV báo ĐS&PL, Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên – quyền Phụ trách trung tâm Chống độc cho hay, cả 7 bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm đều trong tình trạng nhiễm toan chuyển hóa rất nặng. Đa phần bệnh nhân có triệu chứng mờ mắt, giảm thị lực hoặc mù, hôn mê, tụt huyết áp, có bệnh nhân đã ngừng tuần hoàn 1 lần.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, khi làm các xét nghiệm, bệnh nhân đều có nồng độ cồn trong máu rất cao, toàn cồn công nghiệp methanol, có những người lên đến hơn 500mg/dL. Đây là liều lượng cồn gây tử vong đến hàng chục lần.

Những cái chết được báo trước

Sau khi xác minh có 5/7 bệnh nhân ở Hà Nội vào bệnh viện Bạch Mai cấp cứu vì ngộ độc rượu có chứa cồn công nghiệp methanol do uống rượu không nhãn mác, ban Chỉ đạo ATVSTP TP.Hà Nội đã tổ chức họp khẩn để tăng cường các biện pháp phòng chống ngộ độc rượu. Một trong những giải pháp quan trọng mà Hà Nội sẽ triển khai là yêu cầu các quận/huyện/thị xã tiến hành kiểm tra đồng loạt các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn.

Trước tình trạng nạn nhân ngộ độc rượu cồn gia tăng, đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP số 2 TP.Hà Nội do ông Trần Văn Chung – Phó giám đốc sở Y tế Hà Nội làm trưởng đoàn sau khi tiến hành kiểm đã phát hiện 6 chum đựng rượu với khoảng 200l rượu nhưng không có nhãn mác tại nhà hàng Thu Thắng (phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm).

Chủ cửa hàng cũng không xuất được hóa đơn, chứng từ khi được yêu cầu vì họ giải thích số rượu này là rượu nếp và được lấy của người quen ở huyện Đông Anh (TP.Hà Nội). Ngay sau đó, đoàn kiểm tra đã tiến hành niêm phong toàn bộ 6 chum đựng rượu nói trên và yêu cầu chủ nhà hàng tiếp tục làm việc với phòng Y tế quận Bắc Từ Liêm để làm rõ nguồn gốc của số rượu này.

Liên quan đến ngộ độc rượu, Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên thông tin, vấn đề nghiêm trọng hiện nay là người dân không thể phân biệt được rượu bình thường và rượu có methanol bằng mắt thường. Họ chỉ biết đó là loại rượu trắng, không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, giá rẻ bán trôi nổi ngoài thị trường, các nhà sản xuất ham lợi nhuận đã pha cồn công nghiệp vào rượu để bán thu lời.

Theo bác sĩ Nguyên, một số người sử dụng cồn y tế vì nghĩ rằng dùng được trong y tế thì cũng an toàn cho người. Tuy nhiên, đó là quan niệm sai lầm vì rất nhiều trường hợp uống cồn y tế vào bị ngộ độc rất nặng, có thể dẫn đến tử vong. Bác sĩ này nhấn mạnh, các trường hợp uống phải cồn y tế hầu hết gặp các tổn thương mắt, mờ mắt, hôn mê, rối loạn chuyển hóa nặng, tổn thương não, hoại tử trên não, thậm chí nặng hơn cả những trường hợp tai biến mạch máu não.

“Rượu có methanol không gây ngộ độc ngay mà phải 2 – 3 ngày sau mới có triệu chứng. Có người uống nhiều lần và uống nhiều loại rượu, khiến tác dụng phụ mờ, biểu hiện ngộ độc methanol chậm hơn bình thường. Tức là bệnh nhân có thể uống trước đó 2, 3 ngày, có khi hàng tuần, lượng methanol cứ tích lũy dần dẫn tới một liều lượng nhất định gây tổn thương bên ngoài.

Thế nhưng những gì chúng ta không cảm thấy không có nghĩa là cơ thể không bị tổn thương. Khi đã đủ gây ra những biểu hiện bên ngoài lúc đấy có nghĩa là đã uống quá nhiều. Đa phần các trường hợp đến muộn 1,2 ngày sau khi uống, khi ấy là quá muộn”, bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.

ThS.BS Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu A9, bệnh viện Bạch Mai đưa ra các con số: Ở người lớn, ngộ độc methanol với liều 8g (1ml dung dịch 100%) đã có thể gây mù, ngộ độc với liều 10g (30 ml dung dịch 40%) có thể gây tử vong. Ở trẻ em, ngộ độc methanol với liều 0,25 ml/kg đã gây mù mắt và 0,5 ml/kg đã gây tử vong (dung dịch 100%).

Các triệu chứng nhiễm độc methanol thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau uống nhưng có thể muộn hơn, tùy thuộc vào số lượng mà bệnh nhân uống, bệnh nhân có uống cùng ethanol hay không (xuất hiện triệu chứng chậm hơn) và tình trạng folate của bệnh nhân. Thường có hai giai đoạn, giai đoạn kín đáo (vài giờ đến 30 giờ đầu) và giai đoạn biểu hiện ngộ độc rõ tiếp theo sau. Vì triệu chứng lúc đầu thường kín đáo và nhẹ (ức chế nhẹ thần kinh, an thần, vô cảm) nên thường bị bệnh nhân chủ quan và bỏ qua hoặc trẻ nhỏ không được phát hiện.

*Bài viết được đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật

Nguyễn Huệ

Tin nổi bật