Dự án nhà máy Điện gió Ea Nam do Công ty CP Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 (Trungnam Dak Lak 1 Wind Power) làm chủ đầu tư đang được triển khai thực hiện tại các xã, bao gồm: Ea Nam, Ea Khal và Dliê Yang, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk
Có công suất thiết kế lên đến 400 MW, dự án được thực hiện quy mô 84 trụ gió, kết hợp hệ thống 1,2km đường dây 500 KV cùng hệ thống mạng điện và giao thông công cộng phục vụ dự án và dân cư địa phương.
Nhà đầu tư Trungnam Group đã đầu tư chi phí, công nghệ để thực hiện dự án nhà máy Điện gió Ea Nam.
Trải dài trên diện tích 6.000 ha địa hình đồi núi, xen lẫn khu vực chuyên canh nông nghiệp, nhà máy Điện gió Ea Nam đang được chủ đầu tư nỗ lực thực hiện với mục tiêu đưa vào vận hành vào cuối năm 2021. Đây được xem là một trong những dự án quy mô lớn trong cả nước thời điểm hiện nay.
Dự án có tổng mức đầu tư 16.500 tỉ đồng, được Bộ Công Thương bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, được UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý tại Quyết định số 3282/QĐ-UBND ngày 31/12/2020.
Theo chia sẻ của nhà đầu tư Trungnam Group, nếu trung bình mỗi tuabin nặng 100 tấn thì 84 tuabin của dự án đã nặng 8.400 tấn. Trong khi đó, nếu mỗi cánh quạt nặng 20 tấn thì tổng khối lượng của các cánh quạt là 5.040 tấn.
Ngoài ra, tổng khối lượng đầu nối chiếm khoảng 3.360 tấn nếu trung bình mỗi đầu nối nặng 40 tấn. Chỉ tính sơ các thiết bị chính thì khối lượng đã lên đến khoảng hơn 16.000 tấn, đặt ra nhiều thách thức cho quá trình vận chuyển.
“Để làm nên một dự án điện gió cần rất nhiều trang thiết bị, máy móc, mà quan trọng nhất là các trụ điện gió và cánh quạt. Có thể nhận thấy, tại dự án diện gió, mỗi trụ điện gió đều có công suất phát điện trên 4MW, đi kèm là các linh kiện phức tạp hơn, nặng hơn, cánh quạt dài hơn để đạt được công suất phát điện lớn hơn”, đại diện nhà đầu tư Trungnam Group cho biết.
Hiện, các cánh quạt điện gió của các tuabin lớn trên 4MW đều dài từ 74m đến 78m, nặng từ 20 đến 25 tấn. Để kết nối 3 cánh quạt của 1 trụ điện gió cần 1 đầu kết nối (hay gọi là Hub, nặng từ 30-45 tấn).
Việc vận chuyển các tubin, cánh quạt cho nhà máy Điện gió Ea Nam là hành trình gian nan đối với doanh nghiệp.
Trong khi đó tuabin của một trụ điện gió nặng từ 70 đến 150 tấn. Phần cuối của trụ điện gió là đốt trụ, 1 cột trụ điện gió 4MW sẽ cao từ 105m đến 135m, cột trụ này sẽ được chia làm 4-7 đoạn, mỗi đoạn dài từ 10 đến 35m để dễ dàng trong quá trình vận chuyển.
Để vận chuyển các thiết bị thực hiện dự án điện gió, Trungnam Group đã huy động nhiều đơn vị, bộ phận. Phần lớn các thiết bị chính đều được nhập từ các đối tác lớn trên thế giới qua vận tải đường thủy và về đến các các biển lớn.
Đối với dự án nhà máy Điện gió Ea Nam, các thiết bị được chuyển từ nước ngoài về và cập cảng Ba Son, TP.HCM và cảng Nam Vân Phong, Khánh Hòa rồi được đưa lên các xe siêu trường siêu trọng để vận chuyển đến Đắk Lắk.
Từ cảng Ba Son, đoàn xe siêu trường siêu trọng trải qua hành trình dài hơn 350km để đến dự án. Còn từ cảng Nam Vân Phong, đoàn xe thực hiện hành trình vận chuyển dài hơn 150km để đến khu vực dự án tại Đắk Lắk.
Chia sẻ thêm về vận chuyển cánh quạt điện gió, các kỹ sư của Trungnam Group cần 30 dàn vận chuyển, mỗi dàn vận chuyển bao gồm đầu kéo MAN, Huyndai và Trailer 62m, Trailer Goldhofer để chở cánh.
Mỗi đợt có thể vận chuyển từ 3-6 cánh quạt. Mỗi lượt vận chuyển mất từ 4-5 ngày từ cảng Ba Son, TP.HCM đi đến dự án tại huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk.
Đặc thù của vận chuyển thiết bị điện gió là tất cả các loại hàng đều siêu trường siêu trọng (vượt khổ cho phép của đường bộ Việt Nam theo quy chuẩn 41). Vì thế, để được vận chuyển, lưu thông trên đường các thiết bị này thì đơn vị vận tải cần xin phép Tổng cục đường bộ, Bộ Giao thông Vận tại hoặc Sở Giao thông Vận tải các tỉnh.
Trungnam Group đã xin phép Tổng cục đường bộ, các sở Giao thông Vận tải địa phương để được cấp phép vận chuyển các thiết bị có khối lượng hàng trăm tấn.
Vận chuyển các thiết bị điện gió cần các thiết bị đặc chủng chuyên dụng bao gồm 2 phần. Đầu kéo chuyên dùng có sức kéo và công suất lớn và sơ mi rơ mooc (hay gọi là Trailer) có nhiều trục, hoặc có khả năng rút dài để tải trọng hàng dàn đều lên mặt đường và cầu trong quá trình di chuyển.
Trước khi nhận việc vận chuyển cho một dự án, đơn vị vận chuyển còn phải khảo sát rất kỹ lưỡng cung đường để lên phương án, trình bày với cơ quan chức năng, giải tỏa giao thông, báo cáo chính quyền địa phương,…
Sau khi tiếp nhận từ bến cảng, mỗi lượt vận chuyển thiết bị bằng đường bộ đến nơi xây dựng dự án mất khoảng 4 – 5 ngày.
Đối với Dự án Nhà máy Điện gió Ea Nam, chủ đầu tư không chỉ nhận được sự đồng lòng, tạo mọi điều kiện thuận lợi của lãnh đạo tỉnh và người dân địa phương xây dựng dự án, mà còn nhận được sự hỗ trợ tích cực của lãnh đạo và người dân ở các địa phương đi qua.
THÀNH NHÂN