Theo thông tin trên tạp chí Thương gia, tại hội thảo "Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình", ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) toàn cầu đã tiết lộ kế hoạch mở rộng thị trường nước ngoài của công ty.
"Sau Tết Nguyên đán 2024, chúng tôi sẽ khai trương dịch vụ taxi Xanh SM tại thị trường Campuchia", ông Nguyễn Văn Thanh nói.
Hãng taxi của tỷ phú Phạm Nhật Vượng dự kiến tiến sang Campuchia sau Tết Nguyên đán 2024.
Ông Thanh cũng cho biết thêm, công ty đang nghiên cứu thêm 5 thị trường khác để mở rộng phạm vi hoạt động, đây là một phần trong chiến lược Go Green Global của đơn vị vận tải này.
Đầu tháng 11, GSM chính thức khai trương dịch vụ taxi thuần điện đầu tiên tại Lào với thương hiệu Xanh SM Lào. Khoảng 1.000 chiếc VinFast VF 5 Plus, được sơn màu xanh lục lam (cyan) đặc trưng của thương hiệu, chính thức hoạt động tại Thủ đô Viêng Chăn, cũng như các tỉnh, thành phố khác. Sau Lào, GSM sẽ mở rộng ra các quốc gia Đông Nam Á.
GSM thành lập và đi vào vận hành từ tháng 4/2023 tại Việt Nam theo mô hình vận tải xanh đa nền tảng đầu tiên trên thế giới với đội xe thuần điện 100%. Sau 6 tháng hoạt động, GSM đã đạt hơn 6 triệu lượt vận chuyển hành khách.
Đến cuối tháng 11/2023, Xanh SM - hãng taxi điện đầu tiên trên thế giới sử dụng 100% xe điện (bao gồm ô tô và xe máy) trong toàn bộ hoạt động kinh doanh - đã có tổng cộng 20.000 tài xế và hiện diện tại 25 tỉnh/thành phố. Số lượt khách hàng sử dụng dịch vụ của GSM đạt khoảng 15 triệu.
Dự kiến đến hết năm 2024, GSM đang tiếp tục phát triển thêm 27.000 xe taxi điện và 20.000 xe máy điện để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của khách hàng trên cả nước.
Theo chuyên trang An ninh Tiền tệ, trên thực tế, mô hình taxi điện của GSM không mới mà đã có mặt tại nhiều quốc gia trong khu vực. Tại Ấn Độ, đó là Ola, Uber; tại Hàn Quốc có Kakao Mobility; tại Indonesiacos Bluebird hay Trung Quốc có DiDi. Những doanh nghiệp này đều đã sử dụng xe ô tô điện để vận chuyển hành khách. Tuy nhiên, GSM là doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới sử dụng 100% xe điện (bao gồm ô tô và xe máy) vào toàn bộ hoạt động kinh doanh, từ chở khách đến chở hàng.
Nói về tiềm năng và tính bền vững của mô hình taxi điện, vị CEO của GSM cho biết, trung bình doanh thu của một xe taxi và xe máy điện của GSM hiện nay đang bằng một xe xăng, chi phí nhiên liệu và bảo dưỡng chỉ hết 1/3 so với xe xăng.
Trong khi đó, một dữ liệu cho thấy doanh thu từ thị trường taxi khoảng 600 triệu USD và xe ôm là 2,5 tỷ USD/năm. Khách hàng đang có xu hướng tìm kiếm các dịch vụ chất lượng cao và phát triển bền vững. Con số này cho thấy, cơ hội có lớn cho dịch vụ xe điện chất lượng cao vẫn còn nhiều dự địa phát triển.
Vân Anh (T/h)