Tờ Donga Ilbo của Hàn Quốc dẫn thông tin mới nhất từ một nguồn tin chính phủ cho biết, lò phản ứng hạt nhân công suất 5 megawatt tại khu phức hợp hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên đã tạm dừng hoạt động từ cuối tháng 9
Theo đánh giá tình báo của chính quyền Mỹ và Hàn Quốc, động thái này có thể là dấu hiệu cho thấy công việc tái xử lý nhiên liệu nhằm thu về plutonium ở cấp độ vũ khí đang được Triều Tiên thực hiện tại lò phản ứng hạt nhân này.
Tái xử lý các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng được lấy ra khỏi lò phản ứng hạt nhân là một bước đầu tiên cần thực hiện khi chiết xuất plutonium. Khu phức hợp hạt nhân Yongbyon vì vậy sẽ đóng vai trò là nguồn plutonium chính mà Triều Tiên có thể đã sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Khu phức hợp hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên tạm dừng hoạt động từ cuối tháng 9. Ảnh: AP
Bên cạnh đó, Triều Tiên đã và đang vận hành các cơ sở làm giàu uranium. Đây là cũng được cho là một nguồn nguyên liệu riêng biệt có thể được sử dụng cho vũ khí hạt nhân.
“Khả năng Triều Tiên thử hạt nhân sẽ không bị loại trừ”, một quan chức chính phủ cấp cao của Hàn Quôc cho biết. Song người này không nêu rõ phân tích nào đã chỉ ra rằng động thái này có thể liên quan đến một vụ thử hạt nhân.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Jeon Ha-gyu từ chối bình luận về chi tiết thông tin liên quan đến Triều Tiên nhưng cho biết cơ quan tình báo Mỹ và Hàn Quốc đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến liên quan. Bình Nhưỡng trước đây đã tạm dừng hoạt động của lò phản ứng hạt nhân trước khi khởi động lại và thường không có xác nhận công khai về mục đích của động thái đó.
Dù từng tuyên bố mình là một quốc gia hạt nhân nhưng đến nay Triều Tiên vẫn luôn giữ bí mật về số lượng vũ khí hạt nhân mà nước này có thể đã chế tạo hoặc triển khai. Các ước tính độc lập cho thấy khối lượng plutonium của Triều Tiên có thể đã lên tới 70 kg và đủ để chế tạo 20 vũ khí trở lên.
Trong khi đó, nhà khoa học hạt nhân Mỹ Siegfried Hecker - người đã đến thăm khu phức hợp Yongbyon vào năm 2010 nhận định, mặc dù Triều Tiên đã dành thời gian cho dự án này nhưng khả năng sản xuất plutonium cũng như kho vật liệu phân hạch của nước này vẫn còn hạn chế.
Ông Hecker cho biết, chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẽ cung cấp cho Triều Tiên sự giúp đỡ cần thiết về mọi khía cạnh của chương trình hạt nhân sau khi hai bên đạt được cam kết hợp tác chặt chẽ hơn về quân sự.
Tính đến nay, Triều Tiên đã tiến hành tổng cộng 6 vụ thử hạt nhân dưới lòng đất. Từ năm ngoái, giới quân sự thế giới đã bày tỏ lo ngại rằng nước này sẽ tiến hành một vụ thử khác như một phần trong nỗ lực phát triển đầu đạn hạt nhân thu nhỏ.
Cuối tháng 9, Quốc hội Triều Tiên đã thống nhất sửa đổi hiến pháp và bổ sung thêm chính sách về phát triển hạt nhân. Chủ tịch Kim Jong-un cũng đã ra lệnh tăng cường sản xuất vũ khí hạt nhân theo cấp số nhân và đa dạng hóa khả năng hạt nhân của mình.
Phương Uyên (Theo Reuters)